V-League dưới “bóng ma” tiêu cực: Cái giá của sự xuề xoà
- 07:50 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một mất mười ngờ...
Phải thẳng thắn mà rằng, câu chuyện thủ môn đốt đền và khiến đội nhà thất bại cho đến lúc này không phải là mới ở V-League, nó xảy ra một cách thường xuyên với rất nhiều lỗi ngớ ngẩn kiểu như Thanh Thắng đã làm ở trận đấu gặp Than.Quảng Ninh.
Thanh Thắng có vấn đề hay không là câu chuyện còn phải bàn, và thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng như đội bóng xứ Thanh đang muốn mời vào cuộc. Tuy nhiên, rõ ràng người ta vẫn phải ngờ ngợ có gì đó chứ không phải đơn giản.
Thanh Thắng có vấn đề hay không thì phải chờ, nhưng sai lầm này khiến NHM tiếp tục quay lưng với V-League |
Có thể không ngờ ngợ không khi mà thực tế V-League nhiều mùa giải đã qua luôn xảy ra những vòng đấu mà dân cá độ quen gọi “nổ tài” rất nhiều, trong khi trước đó đều là những lượt trận nghèo nàn về chuyên môn (vốn dĩ là thế) cũng như số bàn thắng.
Đôi mùa gần đây, V-League được coi khá sạch sẽ nhưng chẳng ai dám nói rằng ở thời điểm nhạy cảm giải đấu diễn ra bình thường. Thế nhưng, rốt cuộc phần lớn những trận đấu hay những cá nhân mà dư luận cho rằng có vấn đề chưa bao giờ được làm cho ra lẽ cả.
Và cứ như thế, V-League thỉnh thoảng lại xảy ra câu chuyện giống như Thanh Thắng – tức mập mờ giữa trắng và đen như đang thấy.
Và cái giá của sự xuề xoà
Thực tế BTC V-League trong vài mùa gần đây đã khá quan tâm đến vấn đề tiêu cực. Bằng chứng ở mùa trước,một hợp đồng ký kết với Sportradar để “soi” những trận đấu, cá nhân có vấn đề hòng giảm thiểu tiêu cực.
Thế nhưng như đã nói, phần lớn những trận đấu mà người hâm mộ cho rằng có vấn đề chỉ được VPF xuề xoà đưa ra một thông cáo ngắn gọn “không có gì” là xong, thay vì làm kỹ và quyết liệt hơn.
Tuy nhiên, trách nhiệm của BTC V-League khiến giải đấu nhiều vấn đề là không hề nhỏ |
Hậu quả của câu chuyện xuề xoà này là gì? Hãy cứ nhìn vào các khán đài trống vắng trong cả 14 sân bóng ở V-League là có câu trả lời. Nên nhớ, không phải khán giả chán bóng đá nội, khi ít nhiều một số trận đấu các sân vẫn kín và hot như thường.
Người hâm mộ có lý do của mình để không đến sân, làm sao có thể bỏ tiền, thời gian để xem những tình huống ngớ ngẩn đến mức phải hoài nghi như cái cách Thanh Thắng chuyền bóng cho đối thủ ghi bàn ở vòng 22 vừa qua chẳng hạn.
Giải đấu sạch, tử tế hay không đương nhiên phụ thuộc vào các đội bóng tham dự. Nhưng về cơ bản, ít nhiều BTC V-League cũng có trách nhiệm chứ không thể vô can hoặc nói cho có đồng thời để giải đấu của mình trôi nổi đến đâu thì đến như bây giờ.
Không làm mạnh phải chăng BTC V-League sợ “ném chuột vỡ bình”?