Tìm vào 'ốc đảo' ở Tương Dương
- 07:46 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau một đợt mưa lớn, chúng tôi có chuyến công tác lên xã Nhôn Mai (Tương Dương). Từ bản Nhôn Mai (trung tâm xã), chúng tôi có ý định lên bản Huồi Cọ, cách khoảng hơn 20 km đường chim bay nhưng ông Lương Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã ngăn: “Bây giờ đang mùa mưa, Huồi Cọ giờ đã thành “ốc đảo”, có thời điểm bị chia cắt toàn toàn, chỉ có người dân bản địa quen đường may chăng mới đi được”.
Bản làng ở huyện Tương Dương bị cô lập trong ngày mưa lũ. Ảnh: Công Khang |
Ấy là vì, từ trung tâm xã, chạy xe máy gần 20 km, đến bản Thằm Thẩm phải gửi xe để cuốc bộ thêm gần 10 km. Đường về Huồi Cọ là một lối mòn nhỏ, được bà con san bạt hàng năm để phục vụ nhu cầu đi lại, nhưng hễ đến mùa mưa là bị xói lở, đứt gãy, trơn trượt và lầy lội. Chưa kể những hiểm nguy khi nước suối dâng cao, bờ ta - luy âm bị cuốn xuống vực luôn đe dọa tính mạng người đi đường. Vì thế, chỉ khi có việc thật sự cần thiết bà con dân bản mới ra ngoài, còn không chẳng mấy ai đi lại trong những ngày mưa gió.
Xã Nhôn Mai có 12 bản và 3 dân tộc (Thái, Mông và Khơ mú) cùng sinh sống, từ khi tuyến đường Tây Nghệ An hoàn thành đã “giải phóng” cho các bản: Nhôn Mai, Xa Mặt, Na Hỷ, Có Hạ, Xói Voi và Thằm Thẩm. Hiện nay, vẫn còn gần nửa số bản của toàn xã thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa lũ, đặc biệt là các bản của đồng bào Mông như Huồi Cọ, Huồi Măn và Phá Mựt...
Người dân Hữu Khuông mở đường về bản Huồi Pủng. Ảnh: Công Khang |
Những ngày mưa lớn, đường sạt lở, khe suối dâng cao, đưa các bản vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bà con phải sống kiểu tự túc tự cấp, ngồi chờ đến hết mùa mưa.
Xã Hữu Khuông cũng được xem là một “ốc đảo”. Đây là địa bàn thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, muốn đến trung tâm xã và hầu hết các bản hiện chỉ có cách đi bằng thuyền máy. Từ trung tâm xã đi đến các bản phương tiện chủ yếu vẫn là thuyền máy và cuốc bộ, cho nên vào những ngày mưa lũ, mỗi bản ở Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo”.
Sau mỗi trận mưa lớn, tuyến đường vào các bản vùng trong của xã Lượng Minh (Tương Dương) bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Công Khang |
Chuyến công tác ấy, chúng tôi đến Hữu Khuông, gần Huồi Pủng gặp một cụ già người dân tộc Khơ mú, thuê thuyền máy đi hết hơn 30 phút rồi lần theo con đường mòn ven suối để về bản. Sau những trận mưa lớn, con đường mòn vừa được bà con dân bản mở từ đầu năm nhiều đoạn bị nước cuốn trôi, đứt đoạn, chưa kể nước suối chảy xiết nên đành trở về.
Anh Lô Văn Bốn - Công an viên kiêm bưu tá xã cho biết thêm, vào những ngày mưa lũ, không chỉ Huồi Pủng mà các bản khác như bản Xàn, Huồi Cọ, Chà Lâng và Pủng Bón đều bị cô lập, chỉ có cách liên lạc bằng điện thoại.
Nhưng các bản vùng sâu, vùng xa thường chưa được phủ sóng nên việc liên lạc cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải băng rừng để dò sóng. Nói chung, cuộc sống ở những bản làng được xem là “ốc đảo” ngày thường vốn đã rất vất vả, vào mùa mưa lũ vất vả càng tăng thêm bội phần.
Đường về bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông (Tương Dương). Ảnh: Công Khang |
Ở Tương Dương, nhiều bản thuộc các xã: Mai Sơn, Tam Hợp, Nga My, Lượng Minh và Lưu Kiền cũng trở thành những “ốc đảo” bởi khe suối dâng cao, đường sá sạt lở và trơn trượt, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và đời sống nhân dân.
Ông Phạm Trọng Hoàng - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Hàng năm, vào giữa mùa khô, huyện chỉ đạo các xã huy động nhân dân tu sửa và mở tuyến đường về các bản vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhưng đến mùa mưa lại bị hư hỏng hoàn toàn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cấp một số tuyến đường để phục vụ đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa”.