Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


"Vị thần cai quản của phái đẹp" làm triển lãm tranh trên giấy báo

Đến thăm nhà điêu khắc Lê Công Thành trong khu tập thể Vĩnh Hồ - một không gian sống đã nhuốm màu ngày tháng cũ trong tiết thu lại phủ thêm hơi gió bâng khuâng, ông hào hứng kể về dự định mới - triển lãm “Tranh giấy của Lê Công Thành”…

 

Ông nhắc tới 36 bức tranh, được chọn từ 300 bức ông đã hăng say vẽ… 20 năm về trước. Mái tóc lơ thơ bạc, Lê Công Thành nói nhẹ và từ tốn như từng nhịp sóng con trên mặt hồ yên gió: “Vẽ với điêu khắc với tôi là một. Nhưng mấy chục năm nay tôi tập trung vào điêu khắc đành đặt tranh sang một bên, giờ mới đem ra. Những bức tranh ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ”.

Nâng niu cái đẹp

Lê Công Thành tốt nghiệp khóa mỹ thuật kháng chiến Tô Ngọc Vân (1955-1957). Không chỉ được giới trong nghề tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp”, Lê Công Thành còn là nhà điêu khắc mà nhiều người yêu nghệ thuật nhớ mặt, quen tên. Song, chẳng mấy ai từng xem tranh ông vẽ cả.

Khi tôi tới nhà, các bức tranh ông vẽ khoảng năm 1998 vừa được làm xong khung. Những chiếc khung gỗ vuông vức màu nhạt còn vương mùi thơm tho nhè nhẹ. Vợ nhà điêu khắc Lê Công Thành, họa sĩ Nguyễn Kim Thái đã gói ghém giữ gìn tranh cẩn thận, vì là bột màu trên giấy nên 36 bức vẫn còn vẹn nguyên sắc độ.

Vào 9h sáng 2-11, tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ khai mạc triển lãm “Tranh giấy của Lê Công Thành”

Vợ chồng ông bảo tôi là người đầu tiên chiêm ngưỡng chúng. Nhà điêu khắc kể cũng lạ, tên triển lãm đặt giản dị nhất có thể, còn tên tranh thì chẳng đặt riêng tên từng bức, hôm tới cứ thế treo lên cho người người gái trai già trẻ đến ngắm rồi cảm nhận. Những bức tranh hiện giờ chưa có tên (và có lẽ về sau không được đặt tên), vậy người xem tranh nhớ chúng thế nào? Thảng hoặc, tôi thấy những bức tranh ấy vừa xa lại vừa gần với mình.

 

Bởi tôi chỉ hơn những bức tranh vài tuổi. Không có sẵn một ý niệm, không đi đến một cái đích cố định, tôi nhẩn nha nhìn, vô tình bắt gặp trong tranh Lê Công Thành những câu chuyện riêng riêng, những hình hài của nỗi nhớ và của an bình đời sống: người đàn bà khỏa thân, ánh nến, đèn dầu, mẹ chải tóc cho con, yếm đào, cái quạt giấy mỏng, áo tứ thân, cô gái tuổi thanh xuân rạng ngời bên bờ biển, mặt trăng mặt trời… Ít nhiều hình ảnh, ý tứ Lê Công Thành chọn lọc đặt vào tranh ngăn nắp, hàm ẩn, dào dạt nên chẳng khó để chạm tới ký ức.

Lê Công Thành cười hiền: “Người ta dùng giấy này giấy kia, tôi dùng bột màu vẽ lên giấy dùng để in báo”. Giấy thường, không đắt đỏ, cái “chất” tranh mà người vẽ gột nên từ biết bao cảm tình quý mến. “Tôi thấy người phụ nữ là một vẻ đẹp mà cuộc đời ban cho loài người. Tôi rất quý người đàn bà, trong tranh tôi vẽ đều là người đàn bà cả, những người đàn bà khỏa thân” - ánh mắt Lê Công Thành đinh ninh.

 

Vẽ khỏa thân rất thanh tao

Thuở tới trường học mỹ thuật, Lê Công Thành đã có những tiết học vẽ mẫu nữ khỏa thân. Vẽ nhiều khỏa thân nên những người mẫu ấy ông quen, sau thuê họ ngồi làm mẫu vẽ ở nhà. “Nên giờ phụ nữ khỏa thân với tôi không có gì lạ cả. Là người vẽ, tôi yêu cái đẹp của người phụ nữ. Người phụ nữ họ đẹp nhiều cái: mặt mũi họ đẹp, bộ ngực họ đẹp, cái rốn họ đẹp”… Đó mới là vẻ đẹp hình thể, Lê Công Thành vẽ được vẻ đẹp hình thể ấy, còn từ xúc cảm tâm hồn nữa.

Họa sĩ tự nhận mình có số đào hoa, gặp nhiều phụ nữ. Trong lúc ông quen phụ nữ, người vợ không bao giờ ghen. Tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Kim Thái sao lại không ghen, bà có thấy chạnh lòng? Bà tự nhiên mủm mỉm: “Tôi biết ông Thành quý trọng người phụ nữ chứ không phải yêu đương lung tung. Có một ông chồng quý người thế là tốt, chứ một ông chồng không biết quý ai mới đáng lo ngại. Hơn nữa, ông Thành vẽ khỏa thân rất đúng đắn, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ thôi”.

 

Lê Công Thành tâm sự: “Trong những người vẽ tranh có những người vẽ phụ nữ nhưng đạo đức không tốt nên tranh khỏa thân của họ không được đẹp”. Ông hiểu rõ, không phải ai vẽ khỏa thân cũng tốt, người dâm ô vẽ không tốt được. Ông khẳng định: “Người họa sĩ phải có tâm hồn tốt. Tôi vẽ khỏa thân cho người xem thấy đẹp, thấy quý chứ không phải thấy lúng túng hay xấu hổ. Tôi chọn vẽ khỏa thân rất thanh tao”. Bởi thế, Lê Công Thành tuy không hay giao thiệp, nhưng những người phụ nữ ông có duyên gặp gỡ, nhìn thấu đức độ, sáng trong, đều coi ông như người thân thích của mình.