Hà Tĩnh kỷ luật hơn 1.000 cán bộ vì sinh con thứ 3
- 16:35 20-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2014 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định 77/2014 quy định tạm thời về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con vi phạm chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Ông Đường Công Lự, PGĐ Sở Y tế (người đứng): "Văn bản 77 áp dụng kỷ luật cán bộ sinh con thứ 3, cũng là để làm gương cho người dân" (Ảnh: Sở Y tế Hà Tĩnh) |
Quyết định nêu rõ, công chức giữ chức vụ sinh con thứ 3 sẽ bị giáng chức; sinh con thứ 4 bị cách chức, sinh con thứ 5 bị buộc thôi việc. Viên chức không giữ chức vụ sinh con thứ 3 bị khiển trách, sinh con thứ 4 bị cảnh cáo, sinh con thứ 5 bị buộc thôi việc.
Công chức, viên chức sinh con vi phạm chính sách dân số, có thể điều chuyển công tác đến vùng kinh tế - xã hội khó khăn hơn. Tập thể có cán bộ vi phạm cũng liên đới chịu trách nhiệm.
Cách chức vì sinh con thứ 3
Anh Phan Đình Tuấn – nguyên Xã đội trưởng xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) cho hay, năm 2007, khi đang là Xã đội trưởng thì vợ chồng anh sinh con thứ 3. Ngay lập tức anh bị tổ chức cách tất cả các chức vụ.
Mãi đến năm 2015, anh mới được bổ nhiệm làm Xã đội phó.
“Tôi là công chức, đảng ủy viên, khi bị cách chức áp lực nhiều lắm, cuộc sống đảo lộn, tinh thần giảm sút...” – anh nói.
Ông Lê Văn Đông – nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Mai Phụ nhớ lại, sau khi sinh thứ 3 thì bị cắt hết chức vụ. Một năm sau mới được bầu vào chức phó chủ tịch hội nông dân xã.
Ông Nguyễn Đức Hậu – Chủ tịch UBND Mai Phụ vào năm 2015 cũng bị thi hành kỷ luật vì sinh con thứ 3.
Tuy nhiên, may mắn hơn hai cán bộ trên là ông Hậu chỉ bị khiển trách bởi thời điểm ông Hậu sinh con trước khi tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn 77/2014.
Bộ Tư pháp "tuýt còi"
Sau gần 3 năm thực hiện quyết định 77/2014, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thi hành kỷ luật 1.075 cán bộ công chức, viên chức trong đó nhiều người nhận kỷ luật nặng như cách chức hoặc buộc thôi việc. Đối với đảng viên, có 1.002 bị kỷ luật vì sinh con thứ 3.
Ông Đường Công Lự – PGĐ Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGD cho hay, sở dĩ Hà Tĩnh ban hành quyết định 77/2014 vì thời điểm đó mức sinh đứng đầu cả nước.
Sau khi áp dụng quyết định này, tỉ lệ sinh con tại Hà Tĩnh đã giảm đáng kể nhưng vẫn thuộc top cao. Ông Lự cho biết, văn bản 77/2014 áp dụng cho cán bộ công chức, viên chức để họ làm gương cho người dân.
Cũng theo ông Lự, ngay sau khi bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Tư pháp Hà Tĩnh chủ trì lấy ý kiến sở ngành về việc tạm dừng văn bản 77/2014 này.
Ông Trần Huy Liệu – PGĐ Sở Nội vụ cho hay, đối với những công chức, viên chức bị kỷ luật bởi văn vản 77/2014 thì phải chấp nhận mức xử lý đã đề ra.
Ông Trần Huy Liệu, PGĐ Sở Nội vụ (người đứng): QĐ 77 áp dụng chung, những cán bộ đã bị kỷ luật thì phải chấp nhận" (Ảnh: Sở Y tế Hà Tĩnh) |
“Quyết đinh 77/2014 là quy định chung của cả tỉnh chứ không phải xử lý riêng một cá nhân nào, do đó những công chức viên chức đã bị kỷ luật thì phải chấp nhận, dĩ nhiên” – ông Liệu nói.
Kiến nghị dừng quy định
Theo ông Liệu, sau khi UBND tỉnh ra văn bản lấy ý kiến, Sở Nội vụ kiến nghị nên dừng quyết định 77/2014, tuy nhiên, vẫn có một số ban ngành cho rằng nên duy trì quyết định 77/2014 để hạn chế sinh đẻ.
Một lãnh đạo Sở tư pháp cho hay, về việc đề ra quy định kỷ luật sinh con thứ 3, trên cả nước có đến 7 địa phương chứ không riêng gì Hà Tĩnh.
“Trước đây do lo ngại bùng nổ dân số nên Hà Tĩnh đề ra nhiều văn bản để hạn chế sinh đẻ, văn bản 77/2014 chỉ là kế thừa các văn bản trước đây. Hiện Sở Tư pháp đang lấy ý kiến để trình UBND quyết định có dừng quyết định này hay không” – vị lãnh đạo này nói .