Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thanh Chương (Nghệ An): Lãnh đạo xã "tiếp tay" phá rừng?

Từ một vụ việc cố ý gây thương tích trong lúc đi mua củi tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, mở rộng tìm hiểu cho thấy, số củi trên là sản phẩm của một vụ phá rừng tự nhiên được giao khoán theo Nghị Định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong vụ việc phá rừng nói trên có dấu hiệu “tiếp tay” của những người đứng đầu địa phương này. Thế nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ trắng đen khiến dư luận hết sức bất bình.

Từ vụ chém nhau vì tranh chấp củi…

Được biết, khoảng tháng 5/2017, anh Trần Văn Hảo (SN 1985), trú tại thôn 3, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương bán cho anh Lê Đình Chiến (SN 1985), trú tại thôn 4, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương một khối lượng củi (chưa xác định được khối lượng – PV), với giá hơn 22 triệu đồng, tại khu rừng thuộc xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương.

Theo trình bày của anh Chiến, do địa hình vào nơi lấy củi là đường núi dốc cao, cộng với thời tiết không ủng hộ nên việc vận chuyển củi gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian vận chuyển. Khoảng 7h sáng ngày 11/8/2017, anh Chiến nhờ em trai là anh Lê Đình Chinh cùng vào xóm Đá Bia, xã Thanh Mai để chở củi, tuy nhiên lúc này anh Hảo đã cản trở không cho anh em anh Chiến tiếp tục lấy củi như những ngày trước.

Cho rằng việc mua củi đã được hai bên thống nhất và trả tiền mặt sòng phẳng nhưng khi chưa lấy hết củi thì bị chính người bán củi cản trở, giữa anh Chiến và Hảo đã phát sinh mâu thuẫn, giằng co. Anh Chiến cho biết đã đánh cảnh cáo Hảo và giật chiếc mác (một loại dao sắc có cán dài – PV) trên tay Hảo vứt ra xa. Tưởng sự việc dừng lại ở đó nhưng không ngờ, trong lúc anh em anh Chiến đang sửa xe ô tô thì Hảo tìm thấy dao quay lại chém anh Chiến nhưng anh này tránh được, sau đó Hảo tiếp tục đuổi chém anh Lê Văn Chinh một nhát vào tay trái khiến anh này bị đứt gân, đứt xương rồi bỏ chạy.

 

 Khu rừng bị phát xẻ tại xóm Đá Bia, xã Thanh Mai

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Thanh Chương tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật. Liên quan đến vụ việc nói trên, qua tìm hiểu của chúng tôi, số củi anh Trần Văn Hảo bán lại cho anh Lê Đình Chiến tại khu vực núi Đá Bia, xã Thanh Mai có nguồn gốc từ việc phát đốt rừng tự nhiên được giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Tạm thời có 04 trường hợp bị Kiểm lâm huyện Thanh Chương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì liên quan đến vụ phá rừng tại xóm Đá Bia, xã Thanh Thủy.

Đến nghi vấn lãnh đạo xã có liên quan

Chúng tìm hiểu sâu hơn 04 trường hợp bị Kiểm lâm huyện Thanh Chương ra quyết định xử phạt, thấy rằng, trong vụ việc trên cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai đều có dấu hiệu liên quan đến vụ việc phá rừng này.

 

 Biên bản kiểm tra hiện trường vụ phá rừng do ông Hà Quang Nam quản lý

Khi trao đổi sự việc này, ông Trần Công Bằng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai đã phủ nhận việc “tiếp tay” phá rừng và nói rằng khu rừng bị phá đã được ông bán cho em rể là Trần Văn Hảo, trú tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương! Thế nhưng, tại biên bản kiểm tra hiện trường phá rừng vào ngày 16/5/2017 của Hạt Kiểm Lâm huyện Thanh Chương, kết luận: Rừng sản xuất tại lô 19, lô 20, khoảnh 18, tiểu khu 1004E thuộc xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương bị phát xẻ, đốt trắng; diện tích bị phát, xẻ là 2.577 mét vuông.

Cũng theo văn bản này, chủ quản lý thửa đất số 72, tờ bản đồ 03 là của ông Trần Văn Hảo và bà Nguyễn Thị Thìn; Thửa đất số 170, tờ bản đồ số 03, theo bản mục kê giao đất tại xã Thanh Mai mang tên ông Trần Công Bằng.

Tìm hiểu thêm tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Thanh Chương cho thấy, thửa đất số 72 có tổng diện tích là 67.842 mét vuông; thửa số 170 có tổng diện tích là 31.746 mét vuông. Nghĩa là, trong diện tích rừng bị phát xẻ nói trên có cả rừng của ông Bằng và ông Hảo. Mặt khác, giả sử nếu ông Bằng có bán số diện tích đất rừng nói trên cho ông Hảo thì cũng là việc làm vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán theo Nghị định 163!

Một trường hợp khác, theo biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng ngày 24/4/2017, tại lô 13, khoảnh 21, tiểu khu 100E, xóm Đá Bia, xã Thanh Mai; Diện tích rừng bị phát, xẻ là 4.780 mét vuông; Chủ quản lý là ông Hà Quang Nam và bà Nguyễn Thị Thư. Ông Hà Quang Nam hiện là đương kim Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương.

 Ông Hà Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai - Người được cho là chủ quản lý số diện tích rừng gần 5.000m2 bị phá

Có một điều hết sức vô lý là trong biên bản kiểm tra này thì ông Hà Quang Nam vừa là người vi phạm khi có gần 5.000m2 rừng thuộc quyền quản lý của mình bị phá, lại vừa vô tư đặt bút ký xác nhận “Xác nhận của UBND xã Thanh Mai” trong vụ việc trên khiến cho dư luận khá hoài nghi về tính khách quan của văn bản này?

Ngoài ra, hai trường hợp phá rừng là khác tại xóm Đá Bia, xã Thanh Mai là ông Nguyễn Phùng Hào (diện tích phát, xẻ là 1.903 mét vuông) và ông Đậu Đình Khánh (diện tích phát, xẻ là 960 mét vuông).

Như vậy, có thể khẳng định vụ việc phá rừng được giao khoán theo Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ tại xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương có liên quan trực tiếp đến ông Trần Công Bằng – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai và ông Hà Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND xã này.

Thế nhưng, trong Quyết định xử phạt hành chính về hành vi phá rừng thì chỉ có ông Trần Văn Hảo (bị phạt 25 triệu đồng); ông Nguyễn Phùng Hào (bị phạt 15 triệu đồng); ông Đậu Đình Khánh (bị phạt 7,5 triệu đồng) và ông Hà Quang Hồng (phạt 40 triệu đồng) mà không hề có tên hai vị lãnh đạo xã Thanh Mai?

Chiều ngày 16/10, ông Nguyễn Hữu Thắng – Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương, cho hay: Vụ việc phá rừng tại xã Thanh Mai diễn ra từ tháng 4/2017; Kiểm lâm huyện Thanh Chương đã phát hiện, lập biên bản xử phạt 04 trường hợp.

Khi được hỏi vụ việc trên liệu có liên quan đến 2 vị lãnh đạo của xã này hay không thì ông Thắng nói: “Chúng tôi đang tìm hiểu thêm, ngày mai Công an huyện Thanh Chương sẽ làm việc với Hạt Kiểm lâm để làm rõ nhiều nội dung liên quan”. Cũng theo ông Thắng thì số diê tích rừng bị chặt phá này có nằm trong bìa quản lý của ông Nam và ông Bằng nhưng đã chuyển nhượng cho người khác. “Việc chuyển nhượng đất rừng 163 là không được phép!” – Ông Thắng khẳng định.

Dư luận cho rằng, phải chăng việc phá rừng đã giao khoán theo Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ tại xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương cho những cán bộ nói trên đang được các cơ quan chức năng “đánh tráo” đối tượng vi phạm, nhằm tránh tội cho hai cán bộ xã này? Ngoài ra, theo thông tin phản ánh chúng tôi nhận được, diện tích rừng bị phát xẻ ở khu vực núi Đá Bia lớn hơn gấp nhiều lần con số được báo cáo, kiểm tra? Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục xác minh, làm rõ những nội dung còn chưa rõ ràng!

Vừa qua, một số cán bộ, đảng viên tại hai xã Nam Sơn, xã Bắc Sơn huyện Quỳ Hợp đã bị cách chức, kỷ luật vì liên quan đến hành vi phá rừng giao khoán theo Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, sai phạm liên quan đến phá rừng của cán bộ xã Thanh Mai cũng không ngoại lệ và cần được xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.