Người đánh giày chết lặng trước chiêu trò của vị đại gia phố cổ
- 15:13 15-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có thâm niên nhiều năm trong nghề đánh giày trên phố cổ Hà Nội, anh Nguyễn Hà (SN 1990, Thanh Hóa) chia sẻ, nhiều người cứ nghĩ nghề đánh giày chỉ cần có hộp đồ nghề, chịu khó lượn lờ phố xá là có thể kiếm được tiền.
Tuy nhiên chỉ những người làm trong nghề mới biết rằng có những nỗi tủi hờn không ai thấu. Anh Hà kể, nhiều lần anh gặp phải cảnh bị khách quỵt tiền, uất nghẹn mà không làm gì được.
Anh Hà cay đắng kể: “Một trưa tháng 5 nắng như thiêu như đốt, người đàn ông trung tuổi, gia đình thuộc dạng giàu có ở phố cổ gọi tôi đến nhà đánh giày.
Ông ta bảo tôi dán đế, đánh xi cho mấy đôi giày đắt tiền. Tôi đang ủ rũ vì cả ngày không có khách nào liền gật đầu đồng ý. Ông ta đưa giày cho tôi rồi lên xe và phóng đi đâu đó.
Khi tôi vừa đánh giày xong thì ông ta trở về, ngó nghiêng mấy đôi giày tôi vừa đánh bóng loáng, sạch sẽ.
Bất ngờ ông ta quay ra cằn nhằn, to tiếng chửi bới, nói tôi làm hỏng giày. Đã vậy, khi tôi nói vài câu lý lẽ thì người đàn ông này quay ra đe dọa, hành hung khiến tôi xây xẩm mặt mày.
Ông ta còn vu khống, cho rằng tôi ăn cắp đồ của ông ta. Nếu tôi không nhận lỗi, ông thề sẽ không để tôi yên chuyện
Uất nghẹn vì mất công, mất tiền, lại bị vu oan nhưng đang ở nhà ông ta nên tôi không thể làm gì được, đành chấp nhận xin lỗi để được về".
Anh Hà đang đánh giày cho khách |
Lần khác, một khách hàng nam trông bảnh bao, lịch thiệp mang đến chỗ anh Hà 4 đôi giày nhờ sửa chữa. Theo vị khách này tiết lộ, 4 đôi giày này đều là hàng hiệu, có đôi giá trị lên tới cả vài chục triệu đồng.
“Cả 4 đôi giày đắt tiền nhưng có chiếc bị hỏng đế, có chiếc thì mốc meo, bung cả khuy giày, khó hồi phục.
Thế nhưng tôi vẫn cố gắng đánh và sửa lại nguyên vẹn cho anh ta. Đến lúc trả tiền, anh ta nói không mang theo tiền mặt, bảo tôi chờ đầu ngõ một lúc để vào nhà lấy tiền.
Tôi sốt ruột chờ nửa tiếng mà vẫn không thấy anh ta nên đi vào tìm. Không ngờ, ngõ này thông ra nhiều ngõ nhỏ khác nên lợi dụng lòng tin của tôi, anh ta biến mất. Thế là hôm đó, số tiền đánh giày của tôi coi như mất trắng”.
Theo anh Hà, làm nghề đánh giày bị quỵt tiền là chuyện thường ngày nhưng tủi nhất vẫn là khi khách ngồi ăn uống còn mình thì quanh quẩn mời họ đánh giày.
Nếu may mắn thì gặp khách tử tế, hiểu và thông cảm cho thợ đánh giày, còn không thì gặp phải những người khó tính, họ kiếm cớ xua đuổi, chửi bới thậm tệ người đánh giày vì cho rằng bị làm phiền.
“Chuyện bị khách xúc phạm thì nhiều lắm, có người từng chỉ mặt tôi bảo: “Mấy thằng đánh giày chỉ giỏi lừa đảo, ăn trộm ăn cướp”. Có người thấy tôi mời đánh giày, không nói lời nào mà dùng tay xua đuổi như tà ma.
Anh cho biết, có đôi lần anh thấy tủi thân đến chảy nước mắt vì bị người ta gọi là “thằng đánh giày”. “Người ta đi quét rác, làm phụ hồ... còn được gọi là công nhân còn những người như tôi, cũng lao động bằng mồ hôi công sức của mình, kiếm đồng tiền chân chính mà bị gọi như vậy. Tôi buồn lắm”, thợ đánh giày sinh năm 1990 kể.
“Một lần, khi người ta ngồi uống cà phê, tôi vào đành giày. Lúc nhận lại giày thì họ rút mấy đồng tiền lẻ ném thẳng vào mặt tôi. Có lẽ họ nghĩ tôi là thằng đánh giày thì vô cảm, là cạn sạch lòng tự trọng?”, anh Hà buồn bã kể lại.
Thợ đánh giày này còn cho biết, nhiều lần đi làm về, bụng đói cồn cào, anh vào một quán ăn ven đường làm gọi phở cho ấm bụng.
“Người chủ quán nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét rồi xua đuổi. Họ bảo tôi không có tiền còn đòi ăn sang rồi một mực không chịu bán phở cho tôi”, anh Hà tâm sự.
Tuy nhiên anh thừa nhận, bên cạnh những cay đắng cũng có những người tốt bụng, trân trọng các anh.
“Chuyện xảy ra vào dịp trời nắng nóng đỉnh điểm, tôi đang ngồi đánh giày trên phố. Lúc này nắng quá nên họng khô cháy, người sắp lả đi vì mệt thì tôi được bác bán nước gần đó mang cho cốc trà đá”, anh Hà hồ hởi chia sẻ.
Anh Hà cũng chia sẻ về một kỷ niệm khiến anh luôn cảm thấy ấm lòng là khi anh bị đau dạ dày nhưng vẫn cố đi làm nên ngất xỉu. Mấy người dân đi đường hiếu kỳ đứng xem, có người còn nghi ngờ anh bị sốc thuốc.
Lúc đó, một xe ôm gần đó chạy đến kiểm tra, chở anh vào viện cấp cứu. Người này còn lo viện phí, thuốc men, chăm sóc cho anh chu đáo đến khi ra viện. Sau khi ra viện, anh tìm đến cảm ơn, trả lại tiền viện phí nhưng người xe ôm nhất định từ chối.
“Bác xe ôm gia cảnh cũng nghèo khổ nhưng sẵn sàng giúp đỡ một người không quen biết như tôi. Hành động và tấm lòng của bác khiến tôi vô cùng cảm động. Ít ra cuộc đời vẫn còn nhiều những con người tử tế. Tôi luôn nhìn vào đó để sống tốt hơn, lạc quan hơn”, anh Hà trải lòng.