Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hàng loạt doanh nghiệp bị phát hiện kinh doanh xăng 'bẩn'

Qua kiểm tra đột xuất, Công an Nghệ An và Sở KHCN đã phối hợp làm rõ hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng kém chất lượng trên địa bàn một số huyện, thị miền núi.

Tràn lan xăng “bẩn” miền Tây Bắc

Ngày 18/5/2017, đoàn liên ngành gồm Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng An ninh kinh tế - Công an Nghệ An đã tổ chức kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị trấn Kim Sơn, gồm: Doanh nghiệp thương mại Khánh Dương (khối 1) và Cửa hàng xăng dầu thuộc Trung tâm Thương mại tổng hợp Quế Phong (khối 7).

Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xăng RON92 và dầu diezen và kết quả thử nghiệm cho thấy: mẫu diezen của 2 cửa hàng đều đạt chất lượng; riêng với xăng RON92, mẫu của 2 doanh nghiệp trên đều không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN1: 2015/BKHCN.

Cụ thể, trị số Octan trong mẫu xăng RON92 của doanh nghiệp tư nhân Khánh Dương chỉ đạt 79,5/92; trị số Octan trong mẫu của Cửa hàng xăng dầu thuộc Trung tâm thương mại tổng hợp Quế Phong có kết quả 91/92. Căn cứ vào Nghị định số 79/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng, Thanh tra Sở KH&CN đã ra quyết định xử phạt mỗi cơ sở 26.415.000 đồng.

 Cửa hàng xăng dầu thuộc Trung tâm Thương mại tổng hợp Quế Phong (khối 7).

Nhận định còn nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Quế Phong có hành vi bán hàng kém chất lượng, đầu tháng 6/2017, đoàn thanh tra tiếp tục kiểm tra đột xuất 8 cơ sở khác. Trong đó lấy 7 mẫu xăng RON92 để thử nghiệm (1 cơ sở không lấy mẫu được vì hết xăng tại thời điểm kiểm tra). Điều bất ngờ là phát hiện có đến 5/7 cửa hàng kinh doanh xăng dầu có vi phạm về chất lượng. Đặc biệt qua thử nghiệm, có những mẫu xăng RON92 trị số Octan rất thấp so với tiêu chuẩn.

Đơn cử: Doanh nghiệp tư nhân Bình Hương, khối 7, thị trấn Kim Sơn trị số Octan trong mẫu xăng RON92 chỉ đạt 77,5/92, lượng xăng còn tồn tại thời điểm lấy mẫu là 500 lít; Doanh nghiệp tư nhân Bình Đình, đóng tại xã Tiền Phong, trị số Octan trong mẫu xăng RON92 là 77,6/92, lượng xăng tại thời điểm lấy mẫu còn 500 lít; Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Tú Anh, đóng tại bản Đô, xã Châu Kim, trị số Octan trong mẫu xăng RON92 là 81/92, lượng xăng tại thời điểm lấy mẫu còn 1.000 lít…

Nhận định thực trạng xăng kém chất lượng không chỉ diễn ra ở địa bàn huyện Quế Phong. Tiếp tục mở rộng phạm vi, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một loạt cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Đã có 10 cơ sở được lấy mẫu kiểm tra và có đến 5/10 cơ sở vi phạm.

Cá biệt, Cửa hàng xăng dầu Nghĩa Thuận 1 thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hà Sáu, xóm 8, xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) trị số Octan trong mẫu xăng RON92 chỉ đạt 76,6/92, lượng xăng trong thời điểm lấy mẫu còn 1.000 lít. Cửa hàng xăng dầu Tân Luyến, xóm Hưng Thịnh, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa) trị số Octan trong mẫu xăng RON92 chỉ đạt 76/92, lượng xăng trong thời điểm lấy mẫu còn 1.000 lít. Cả 2 doanh nghiệp nói trên bị xử phạt hành chính mỗi đơn vị 49.140.000 đồng.

Trong số các doanh nghiệp đơn vị vi phạm về chất lượng xăng dầu, Cửa hàng xăng dầu Nghĩa Minh thuộc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu du lịch Phủ Quỳ (xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Đàn) bị xử phạt hành chính lên tới 142.260.300 đồng.

Mặc dù trị số Octan trong mẫu xăng RON92 của công ty này đạt 90,6/92, nhưng do số lượng xăng tại thời điểm kiểm tra lớn (2.895 lít) nên Sở KH&CN đã chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 Nhân viên cửa hàng xăng dầu Nghĩa Minh - Nghĩa Đàn đổ xăng cho khách.

Cũng trong thời gian này, đoàn thanh tra Sở KH&CN Nghệ An còn tiến hành kiểm tra đột xuất 6 cơ sở, cửa hàng xăng dầu trên các địa bàn thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai, Cửa Lò. Tuy nhiên đã không phát hiện sai phạm.

Lúc này nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao việc kinh doanh xăng “bẩn” lại diễn ra phổ biến tại các huyện miền núi? Cụ thể là các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa. Giải thích thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh thanh tra Sở KH&CN Nghệ An cho rằng, rất có thể các đối tượng kinh doanh, vận chuyển xăng dầu lợi dụng địa hình, địa bàn và hiểu biết còn hạn chế của người dân miền núi để lừa dối bà con, lèn xăng “bẩn” nhưng lấy giá “sạch”.

Có đường dây cung cấp nguồn xăng kém chất lượng?

Theo nhận định của Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An, tất cả 12 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm chất lượng trong đợt kiểm tra đều sai phạm về trị số Octan. Số lượng cơ sở vi phạm chiếm tỷ lệ lên đến 46%. Bên cạnh đó, mức vi phạm rất đáng báo động, có những cơ sở có mẫu xăng RON92 qua kiểm tra thực tế chỉ đạt trị số Octan 76,2/92. Tổng số tiền xử phạt lên đến 596.796.300 đồng (trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 1 cơ sở với số tiền 142.260.300 đồng).

Nhưng điều đáng quan tâm nhất không chỉ là vấn đề xử phạt vi phạm hành chính, mà cần làm rõ đường đi của xăng “bẩn”, vì các chủ cửa hàng có vi phạm đều khẳng định nguyên nhân dẫn đến vi phạm của họ là từ “khách quan” mang tới (?).

Như bà Nguyễn Thị Tám, quản lý cửa hàng xăng dầu Tuấn Tú Anh, đóng tại bản Đô, xã Châu Kim (Quế Phong) tỏ ra khá “hồn nhiên” nói rằng hoàn toàn không biết nguồn xăng của cửa hàng mình kém chất lượng (trị số Octan mẫu xăng RON92 của cửa hàng do bà làm chủ là 81/92).

Theo bà Tám, lâu nay cửa hàng nhập xăng của Công ty xăng dầu Nghệ An (Petrolimex) qua một tài xế xe bồn tên Thủy. “Có thể là bồn chứa lâu ngày không được súc rửa dẫn tới chất lượng xăng kém chất lượng” - bà Tám lý giải như thế.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng xăng dầu Bình Hương, đóng tại khối 7, thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) cho rằng lâu nay nguồn xăng hoàn toàn phụ thuộc vào sự cung cấp của Petrolimex. “Vì tin tưởng nguồn xăng nên chúng tôi không lưu mẫu mỗi lần xe cấp hàng. Vì vậy rất ngạc nhiên khi đoàn kiểm tra thông tin xăng không đạt chất lượng, xử phạt chúng tôi…”.

Bà Hương cũng giải thích rằng, nguyên nhân có thể là do bồn chứa lâu năm không súc rửa nên khiến xăng không đạt tiêu chuẩn. Tại thời điểm kiểm tra, trị số Octan trong mẫu xăng RON92 của cửa hàng gia đình bà rất thấp, chỉ đạt 77,5/92 và đã bị xử phạt 26.100.000 đồng.

Theo nhận định của ông Nguyễn Mạnh Hà - Chánh Thanh tra Sở KH&CN Nghệ An, xăng “bẩn” vào các cửa hàng xăng dầu theo 4 cách: Thứ nhất, cơ sở đầu mối nhập về nguồn xăng kém chất lượng rồi cung ứng cho các đại lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất các kho xăng của các đơn vị đầu mối, lấy mẫu giám định, thì đều đảm bảo chất lượng.

 Các công nhân kỹ thuật của Công ty Toyota đang cố gắng khắc phục động cơ một chiếc xe 4 chỗ do sử dụng xăng bẩn.

Vì vậy nhận định này được loại trừ. Thứ hai, do chính các cửa hàng, cơ sở kinh doanh xăng dầu vì mục tiêu lợi nhuận cố tình nhập hàng ngoài luồng, kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Thứ ba, là do các đối tượng lái xe bồn đã tráo đổi hàng hóa hoặc pha thêm hàng kém chất lượng trong quá trình vận chuyển để trục lợi mà các cơ sở kinh doanh xăng dầu không biết.

Thứ tư, do bồn, bể chứa xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu không được làm sạch theo đúng thời gian và quy trình hợp lý khiến nhiên liệu lắng cặn (ở trường hợp này, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, chỉ phù hợp với các cơ sở kinh doanh xăng có trị số Octan gần ngưỡng; còn những cơ sở kinh doanh xăng dầu có mẫu xăng giám định trị số Octan quá thấp thì không nằm trong nhận định này).

“Chúng tôi xác định có đường dây đưa nguồn xăng kém chất lượng, hoặc dung môi pha chế xăng kém chất lượng vào Nghệ An. Nhưng để làm rõ đường đi của chúng là một vấn đề rất khó khăn. Vì vậy sau cuộc kiểm tra vừa qua, thanh tra Sở KH&CN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung làm rõ…” - Ông Nguyễn Mạnh Hà trao đổi thêm.

Có một thực tế khiến chính quyền địa phương cũng như người tiêu dùng rất băn khoăn chính là việc xăng “bẩn” vẫn tìm thấy “đường vào” động cơ cho dù cơ quan chức năng đã vào cuộc. Lý do vì từ khi lấy mẫu kiểm định đến khi cho ra kết quả giám định mất một thời gian tương đối dài.

Vì chưa có kết quả, lượng xăng dầu trong quá trình kiểm tra không được niêm yết, vẫn được bán ra cho người tiêu dùng, hoặc tẩu tán sang địa phương khác…

Trị số Octan (Octane Number) là một đại lượng quy ước đặc trưng cho tính chống kích nổ của nhiên liệu. Trị số này được đo bằng % thể tích của iso-octan (2,2,4-trimetylpentan) có trong hỗn hợp của nó với n-heptan và có khả năng chống kích nổ (kích nổ là hiện tượng nổ quá sớm khi chưa có sự tác động của hệ thống đánh lửa bugi; còn gọi là hiện tượng nổ buồng đốt). Điều này rất nguy hại cho động cơ cũng như người sử dụng. Các động cơ xăng có tốc độ, khối lượng và tỷ số nén lớn thì đòi hỏi trị số Octan lớn. Trị số Octan trong xăng tỷ lệ thuận với giá bán.

(Còn nữa)