Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Nhiều trường học thành nơi tiếp thị xoong, nồi

Trong vòng một tháng qua, hàng loạt trường học ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương bát chấp quy định cho phép một số người vào tiếp thị để bán các mặt hàng gia dụng cho giáo viên.

Khoảng một tuần sau lễ khai giảng, hai người đàn ông xưng là cán bộ của một công ty liên hệ lãnh đạo Trường tiểu học Hùng Tiến (xã Hùng Tiến, Nam Đàn), để giới thiệu sản phẩm. Hai người này xuất trình giấy giới thiệu của công ty gửi tới ban giám hiệu với nội dung “… giới thiệu sản phẩm, chương trình tri ân, tặng quà và tạo chương trình giải trí giúp giảm căng thẳng mệt mỏi cho các giáo viên trong nhà trường”.

Ông Võ Hồng Lượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Tiến kể, lúc đầu ban giám hiệu đã từ chối vì quy định không được bán hàng trong trường học. Tuy nhiên, hai người này vẫn cố thuyết phục.

“Họ nói rằng, đến đây chỉ nhằm mục đích từ thiện, tặng quà cho các giáo viên nhân dịp đầu năm học là chính. Sau đó tôi mới đồng ý. Tôi cũng đã nói với họ, trao quà thì được nhưng không được bán hàng ở đây”, ông Lượng cho hay, lúc đó hai người này hứa sẽ trao 10 suất quà cho các giáo viên, mỗi suất trị giá 60.000 đồng. Ngoài ra, tập thể nhà trường cũng sẽ được tặng một suất quà trị giá 2 triệu đồng.

 Những chiếc máy xay sinh tố và nồi chảo điện có giá tiền triệu được chào bán ở các trường học. Ảnh. Tiến Hùng.

Vài ngày sau, trong lúc toàn bộ giáo viên Trường tiểu học Hùng Tiến đang họp thì hai người này đến. Họ đưa hàng hóa gồm xoong, nồi, bóng đèn điện, vòi hoa sen… vào hội trường để giới thiệu.

“Họ đưa các sản phẩm ra và hướng dẫn cách sử dụng. Lúc đó tôi nghĩ họ đang "truyền thông kiến thức" cách sử dụng một số vật dụng trong gia đình như vậy cũng có ích, nên để họ tiếp tục”, ông Lượng phân trần. Sau khi giới thiệu sản phẩm bằng những lời bóng bẩy, hai người này tỏ ra hào phóng khi tặng 30 giáo viên, mỗi người một chiếc đèn led mà theo họ giới thiệu trị giá đến 70.000 đồng.

Để lấy lòng tin, những người này tiếp tục tặng cho một số giáo viên các mặt hàng khác như vòi hoa sen, nồi chảo điện. Tuy nhiên, khi giới thiệu đến sản phẩm đắt tiền là nồi cơm điện, hai người này nói rằng, sẽ không tặng miễn phí nữa mà chỉ bán với giá hơn 2.350.000 đồng.

“Tôi không rõ có tất cả bao nhiêu giáo viên mua nồi cơm điện đó. Vì lúc ở trong trường chỉ có 3 cô đăng ký mua. Nhưng sau khi ôtô ra ngoài cổng, nhiều giáo viên khác thấy tin tưởng nên tiếp tục nán lại mua thêm. Thực sự giờ nghĩ lại thấy mình cũng chủ quan. Đó là một bài học, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau”, ông Lượng nói.

Cùng với chiêu trò “tặng quà tri ân” cho các giáo viên để tiếp cận trường học nhằm bán hàng, ông Trần Quyết Tiến - Hiệu trường Trường tiểu học Vân Diên 1 (xã Vân Diên, Nam Đàn), cho biết, có đến 7 giáo viên tại trường đã mua hàng của những người này.

“Họ nói đến để tặng quà đồng thời quảng cáo sản phẩm. Tôi đồng ý nhưng chỉ cho phép họ vào trường sau khi tan học. Vì nghĩ ngoài giờ hành chính nên không sao”, ông Tiến cho hay, 7 giáo viên đã mua 7 chiếc cối xay sinh tố trị giá 2.350.000 đồng. Sau đó, họ còn được tặng thêm mỗi người một chiếc nồi cơm điện.

Cho rằng đó là sơ suất và sẽ rút kinh nghiệm, hiệu trưởng Tiến cho hay, hiện tại phần lớn các giáo viên vẫn chưa sử dụng các mặt hàng này nên vẫn chưa rõ chất lượng như thế nào.

Trong khi đó, cũng tại xã Vân Diên, bà Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Diên, cho hay sau khi năm học mới bắt đầu, bà đã nhiều lần nhận được điện thoại của những người này xin được vào trường để “tặng quà” cho các giáo viên.

“Họ gọi cho tôi nhưng toàn gọi vào giờ nghỉ trưa, đoạn giới thiệu công ty thì cố tình nói rất nhỏ nên tôi nghi ngờ. Sau đó, tôi nói rằng phải có công văn giới thiệu của lãnh đạo phòng giáo dục hoặc chủ tịch huyện thì mới được phép vào trường. Những ngày sau tôi đợi nhưng không thấy họ đến nữa”, bà Hồng kể.

 Trường tiểu học Hùng Tiến. Ảnh: Tiến Hùng

Để nắm rõ vấn đề, chúng tôi đã liên hệ với ông Hà Thế Đông, một trong hai người đến bán hàng tại Trường Tiểu học Hùng Tiến. Người đàn ông này cho hay, ông là cán bộ của Công ty CP Truyền thông kinh doanh - pháp luật, trụ sở đóng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Ông Đông xác nhận ông là người đã bán nồi cơm điện cho các giáo viên nhưng khẳng định đó chỉ là một trong những “chương trình tri ân” của công ty gửi tới các giáo viên dịp đầu năm học?!

“Không chỉ các trường học ở Nam Đàn, mà còn cả ở huyện Thanh Chương. Toàn bộ mặt hàng đều do công ty chúng tôi sản xuất. Tôi nghĩ việc này không liên quan đến chuyên môn nên không cần xin phép lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo ngành giáo dục”, ông Đông nói.

Về câu hỏi nhiều mặt hàng cũng được chào bán với hình thức này nhưng một thời gian sau, người dân phát hiện chỉ là đồ rởm, ông Đông thừa nhận có tình trạng này. “Cũng có công ty này công ty khác. Riêng công ty chúng tôi thì đảm bảo chất lượng”, ông Đông nói.

Trong khi đó, tỏ ra bức xúc về tình trạng bán hàng, giới thiệu sản phẩm ở các trường học, ông Lê Trung Sơn, Trưởng phòng giáo dục - đào tạo huyện Nam Đàn, cho hay ngay từ đầu năm học, phòng đã quán triệt từng hiệu trưởng, không được phép để những người này vào trường.

“Tôi chỉ mới nhắc cách đó ít ngày. Nhà trường không phải là cái chợ. Nếu sau này xảy ra chuyện gì, hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm”, ông Sơn nói.

Tỏ vẻ nghi ngờ chất lượng của các sản phẩm này, ông Sơn cho rằng chúng đều là đồ rẻ tiền, bán với giá cao hàng chục lần so với thị trường.

“Cách đây vài năm, tình trạng bán hàng như thế này nở rộ ở Nam Đàn, họ còn vào tận trụ sở xã để giới thiệu sản phẩm. Sau đó, lãnh đạo huyện phải gửi công văn đến từng cơ quan, địa phương để cấm tuyệt đối. Bẵng đi một thời gian, nay lại xuất hiện. Tôi nghe thông tin có rất nhiều trường đã cho họ vào bán, và nhiều giáo viên đã mua phải đồ rởm. Nhưng có thể vì xấu hổ nên họ giấu”, ông Sơn nói.

Theo tìm hiểu, nhiều người dân đã từng bị lừa khi chủ quan mua hàng với hình thức tương tự. Cách đây không lâu, hàng trăm người dân ở Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… đã “méo mặt” khi bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua nồi cơm inox rởm của một công ty ở Lào Cai. 

Công ty này cho người về các xã liên hệ để mở “hội thảo” giới thiệu sản phẩm với những lời lẽ có cánh. Khi mua chiếc nồi với giá 1.950.000 đồng theo như quảng cáo là chỉ bằng nửa giá siêu thị, người dân còn được tặng thêm nhiều phần quà bất ngờ mà họ chưa tiết lộ. Bằng cách tung chiêu chỉ bán hàng trong mấy phút, nhiều người đã bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua sản phẩm này, thậm chí có gia đình mua tới 4 chiếc.

Tuy nhiên, một thời gian sau khi thấy chiếc nồi nấu cơm nửa sống nửa chín nhiều người mới vỡ lẽ mình đã bị lừa một cách rất đau xót. Gọi điện thoại thì nhân viên của công ty này khẳng định lỗi là do người dân nấu cơm không đúng cách rồi từ chối bảo hành.