Nghệ An, Hà Tĩnh cấm biển từ chiều nay
- 21:47 09-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 9/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, TP Vinh và các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa. Lượng mưa lớn dần khiến một số tuyến đường ở TP Vinh xuất hiện tình trạng ngập.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 17h ngày 9/10. Theo báo cáo, 100% tàu thuyền của Nghệ An đã nhận được tin áp thấp nhiệt đới, đã và đang tìm nơi trú ẩn an toàn.
Tàu thuyền ở Nghệ An vào tránh bão tại Cửa Hội. Ảnh: Phạm Hòa. |
Những tàu thuyền đang hoạt động trên biển cũng nhận được lệnh phải khẩn trương tìm cách vào nơi trú gần nhất trước khi áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão.
Toàn tỉnh có gần 4.000 tàu thuyền với hơn 18.000 lao động đánh bắt cá đang hoạt động trên biển. Các tàu thuyền cho biết đang xem vị trí và hướng đi của áp thấp nhiệt đới để tìm nơi trú ẩn, tránh trú an toàn.
Về hồ chứa nước, theo ông Hồng, có khoảng 585 hồ đập (hơn 90%) đã đầy nước.
Mưa trên địa bàn TP Vinh lúc gần 20h ngày 9/10. Ảnh: Phạm Hòa. |
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh cũng có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh lên thành bão gửi các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo đó, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách, để tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó với bão.
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh cho biết, các đơn vị đã có biện pháp kịp thời thông báo, hướng dẫn chủ các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ngoài ra, đã kêu gọi tàu, thuyền đang hoạt động vào nơi an toàn, nghiêm cấm tất cả các tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi kể từ 17h ngày 9/10.
Các đơn vị cần dõi diễn để chủ động các biện pháp phòng, tránh và tổ chức sơ tán dân, khách du lịch ra khỏi các khu vực ven biển nguy hiểm. Kiểm tra mực nước các sông, hồ đập, những vùng trũng, dễ ngập lụt, những vùng có nguy cơ mất lở đất để có phương án xử lý kịp thời.
Tại Thanh Hóa, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này có công điện về việc ứng phó đối với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Trong công điện, cơ quan này đề nghị các ban ngành có liên quan, chính quyền các địa phường cần thực hiện cấp bách các việc như kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu, tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn không để các tàu, thuyền, phương tiện, lồng bè đang ở nơi neo đậu ra khơi. Tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.
Ngoài ra cần phải chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ. Chủ động phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, đặc biệt là những đoạn đê, kè bị hư hỏng trong bão số 10.
Theo công điện, các cơ quan ban ngành cần triển khai, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình bị hư hãi do bão số 10 chưa kịp khắc phục; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn và khôi phục sự cố lưới điện và thông tin liên lạc trước, trong và sau bão. Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất… Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.