Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Quế Phong chuẩn bị đón 9 con trâu bằng đá về đền Chín Gian

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) Lê Văn Giáp cho biết, các nghệ nhân đang cố gắng hoàn tất 9 con trâu được đúc bằng đá nguyên khối, làm lễ rước vào đền Chín Gian.

 Những con trâu được làm bằng đá nguyên khối sắp được chuyển về làm lễ ở đền Chín Gian

Đền Chín Gian huyện Quế Phong được xây dựng từ đầu thế kỷ 14, thờ Ngọc Hoàng (Thẻn Phà), Thánh Mẫu đệ nhị Công chúa (Náng Xỉ Đả), Tào Ló Ỳ (người khai sinh 9 Mường của Miền Tây Nghệ An).

Đền đã được lưu tên trong Viện khảo cổ học và Hội Văn học dân gian Việt Nam, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và cũng là nơi bảo tồn, phát huy các giá trị Văn hoá dân tộc của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ nói chung và huyện Quế Phong nói riêng.

Đền Chín Gian nguyên khởi được làm bằng tranh, tre, nứa, mét, về sau được xây dựng quy mô với kiến trúc nhà sàn đặc thù của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ nghệ.

 Lễ hội đền Chín Gian được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngôi đền được tọa lạc trên một ngọn đồi có tên Pú Pỏm, có độ cao so với mực nước biển là 186,4m, thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Trải qua một thời gian dài với những biến cố lịch sử, nhằm bảo tồn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc Nghệ An.

Năm 2004, UBND huyện Quế Phong đã quyết định khởi công phục dựng đền Chín Gian và đưa Lễ hội đền Chín Gian trở thành lễ hội lớn của đồng bào.

Và từ năm 2006, Lễ hội Đền Chín Gian với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại. Lễ hội diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm.

Trong 9 con trâu được làm bằng đá nguyên khối có 6 con màu đen và 3 con màu bạc

Với lối kiến trúc nhà sàn, một đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Đền có diện tích 138,6m2, được làm bằng gỗ kết hợp với vôi vữa, gạch kiên cố gồm 9 gian. Trong đền được chia làm 9 gian tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường Mường Tôn.

Các Mường lập sau là Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng.

Năm 2008, đền Chín Gian được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa câp tỉnh.

Đến năm 2016, lễ hội đền Chín gian huyện Quế Phong đã được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để xứng tầm với một di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đồng thời để tri ân công lao của Bác Hồ, đặc biệt là những tình cảm mà Bác đã dành riêng cho đồng bào và nhân dân huyện Quế Phong.

Đảng bộ huyện Quế Phong đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện tài trợ số kinh phí hơn 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng nhà thờ Bác, mở rộng khuôn viên đền Chín gian và xây dựng một số công trình tại đền.

Nhà thờ Bác Hồ đang dần được hoàn thành

Cụ thể, đang tiến hành xây dựng nhà thờ Bác Hồ trong khuôn viên đền Chín gian, với kiến trúc nhà sàn có tổng diện tích 79,7m2, được bố trí 2 gian, mỗi gian rộng 3,6 m, hành lang phía trước rộng 1,25m, hành lang 2 bên, mỗi bên rộng 1,5 m. Kết cấu nhà sàn được bố trí cầu tháng 2 bên, mỗi bên cầu thang rộng 2,2 m.

Công trình được xây dựng với tổng kinh phí phê duyệt hơn 1,1 tỷ đồng.

 

Mở rộng khuôn viên đền, xây dựng sân khấu và không gian để tổ chức các hoạt động tại lễ hội Đền Chín Gian. Đồng thời tạc lại 9 con trâu bằng đá nguyên khối, mỗi con nặng hơn 2,5 tấn để thay thế các con trâu trước đây.

Hiện nay công trình xây dựng nhà thờ Bác Hồ và các hạng mục xây dựng, nâng cấp khác đã hoàn thành 80 %. Dự kiến hết tháng 10 âm lịch, các hạng mục sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đồng thời UBND huyện Quế Phong cũng đã có kế hoạch sau khi các công trình hoàn thiện sẽ tổ chức lễ khánh thành, làm lễ xin di chuyển và đặt 9 con trâu (6 con màu đen và 3 con màu bạc) tại vị trí trước sân đền Chín Gian.

Tác giả: Bảo An

Nguồn tin: Tinnhanhonline.vn