Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Công viên Nguyễn Tất Thành bị chiếm dụng, xuống cấp và những “uẩn khúc” phía sau “khu đất vàng” cho thuê

Nằm ở trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An), đối diện UBND tỉnh và các cơ quan hành chính, nhưng nhiều năm nay Công viên Nguyễn Tất Thành bị chiếm dụng và xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều du khách cũng như người dân địa phương mỗi lần ghé thăm Công viên mang tên Bác không khỏi chạnh lòng, bức xúc. Những “uẩn khúc” phía sau “khu đất vàng” cho thuê dọc đường Phan Đăng Lưu là gì, ai “bảo kê” cho tình trạng lấn chiếm, vi phạm nhiều năm qua?

 Chữ công viên Nguyễn Tất Thành được viết tắt hết sức tùy tiện, phản cảm


Bài 1: Công viên Nguyễn Tất Thành bị xuống cấp nghiêm trọng

Nằm trọn trong 3 tuyến đường lớn Phan Đăng Lưu - Trường Thi - Phan Sỹ Thục, công viên Nguyễn Tất Thành có diện tích 8 ha (gồm 5 ha mặt đất và 3 ha mặt nước). Đây là công viên có tuổi đời lâu đời, ở một vị trí hết sức đắc địa, được thành lập chào đón nhân 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công viên xuống cấp nghiêm trọng

Từ khi hình thành đến nay, công viên Nguyễn Tất Thành là địa điểm tham quan, vui chơi, giải trí của du khách trong và ngoài nước cũng như người dân xứ Nghệ. Đây cũng được xem là “lá phổi xanh”, “hồ điều hòa” điều tiết khí hậu cho TP Vinh và các vùng phụ cận. Tuy nhiên những năm trở lại đây, do sự quản lý yếu kém, thiếu đầu tư, chồng lấn trong phân cấp trách nhiệm nên công viên Nguyễn Tất Thành bị chiếm dụng, xuống cấp nghiêm trọng, một số hạng mục hư hỏng, trở thành “cái bẫy” cho người dân.

Mới bước chân vào cổng công viên, hình ảnh đập vào mắt là công trình cổng chào bị hư hỏng, bong tróc, tên công viên Nguyễn Tất Thành viết một cách tùy tiện, không dấu trông rất phản cảm; một số họa tiết trang trí gãy vở không được sửa chữa, hai bên cổng gạch ốp bị bong tróc, rác chất đầy chưa được dọn dẹp. Một vài chiếc xe bán hàng rong dựng ngay cổng ra vào mà không một ai nhắc nhở, xử lý.

Bước vào trong, nhiều viên gạch lát nền đã bị sụt lún, gãy vỡ, có nơi bong tróc thành từng mảng lớn. Nhiều đoạn bó vỉa hè, các bồn hoa, bậc lên xuống nứt nẻ, hư hỏng. Nguy hiểm hơn, nhiều nắp đậy của cống thoát nước trong công viên bị mất, gãy lòi trơ sắt thép, trở thành cái “bẫy” cho du khách và người dân.

 Các viên đá lát bị hư hỏng không được sửa chữa

 

 Rác tràn ngập khắp nơi

Bà Nguyễn Thị H. (60 tuổi, ngụ phường Bến Thủy, TP Vinh) cho hay: “Nhiều lúc đi bộ tập thể dục không chú ý sẽ bị sẩy chân vào mấy chỗ đó như chơi, đặc biệt là mấy cháu nhỏ không có bố mẹ đi kèm rất nguy hiểm. Công viên xuống cấp đã lâu nhưng không thấy đơn vị nào đến tu bổ, sửa chữa cả”.

Trong công viên Nguyễn Tất Thành có một thư viện nhưng nay đã hoang tàn và không thể sử dụng. Rác rưởi, cát bụi phủ đầy, các cửa kính, gạch lát gãy vỡ, hư hỏng, bên trong trở thành nơi chứa đồ đạc, vật dụng. Để ngăn người vô gia cư, nghiện ngập chích choác, người ta cho kéo dây kẽm gãi xung quanh, bịt kín lối lên tầng hai trông hết sức kì quái, nhếch nhác. Tuy nhiên mới đây khi bước chân lên “thăm quan”, chúng tôi đã bị một phen hoảng hồn khi bắt gặp một người vô gia cư ngủ lăn lóc trên tầng hai, áo quần vương vãi khắp nơi, vắt trên cả hàng kẽm gai. Không hiểu với hàng kẽm gai như thế, người này đã đột nhập lên đây bằng cách nào?

Công viên là nơi để người dân thư giãn, nghỉ ngơi nhưng thật trớ trêu, gần như toàn bộ ghế đá trong công viên Nguyễn Tất Thành bị gãy đổ, hư hỏng. Nhìn cảnh những cụ già ngồi trên chiếc ghế gãy chân, kê hòn đá khập khễnh để nghỉ ngơi mà không khỏi thấp thỏm, xót xa. Hình ảnh gãy đổ, nhếch nhác, mất mỹ quan là thế nhưng điều khó hiểu là nhiều năm nay, không thấy một ai dọn dẹp, sửa sang lại mặc dù UBND TP Vinh đã phân công trách nhiệm rõ ràng?

Điểm khác biệt và thú vị hơn một số công viên khác là công viên Nguyễn Tất Thành có 3 ha mặt nước hồ nhân tạo (hồ Goong - PV). Đây được xem như một “hồ điều hòa”, túi tiêu thoát nước của TP Vinh và các vùng phụ cận. Tuy nhiên những năm trở lại đây, nước trong hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác, nước thải của các nhà hàng, quán xá, hộ dân xả thẳng xuống. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối, hiện tượng cá chết lâu lâu lại xuất hiện nhưng cơ quan có trách nhiệm chưa có biện pháp xử lý.

Lòng hồ Goong khá sâu, nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ, người dân đi bộ, hóng mát, nhưng xung quanh hồ không có bất kỳ một đoạn lan can hay biển cảnh báo nào. Vào mỗi buổi chiều, nhiều trẻ nhỏ, các “cần thủ” vô tư chơi nhởi, câu cá giải trí sát bên bờ hồ.

 Đường lên tầng 2 thư viện hoang tàn và đầy rác

 Mặc dù được rào chắn bằng thép gai nhưng người vô gia cư vẫn “đột nhập” ăn ngủ vật vạ tại đây

Nhếch nhác, thiếu quan tâm, chăm sóc

Đi trong công viên hoặc dọc bờ hồ Goong, điều dễ nhận thấy là rác tràn ngập khắp nơi. Rác đổ chất đống trong các góc khuất, một số được đốt tại chỗ chứ không vận chuyển đi xử lý. Đặc biệt cuối đường Phan Sỹ Thục, con đường dọc hồ Goong tràn ngập rác không còn lối đi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một số đoạn mương thoát nước gãy bể, nước đen kịt, cá chết nổi trắng bụng.

 Quán nhậu "vô tư" lấn chiếm hết hành lang bờ hồ Goong


Là một cống viên có tuổi đời đã lâu nhưng đến nay hệ thống cây xanh trong công viên Nguyễn Tất Thành đang còn thưa thớt, cây không có giá trị cao, chưa xứng tầm một công viên mang tên Bác. Xung quanh bờ hồ, nhiều cây đã chết, bồn cây cỏ mọc đầy nhưng cũng không được trồng lại. Cây quá nhỏ, thiếu sự chăm sóc nên bị hư hại, còi cọc quá nhiều. Bên cạnh đó, thảm cỏ trong công viên không được trồng mới thường xuyên nên một số khoảnh đã chết, trơ cả đất.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Công ty CP Công viên Cây xanh TP Vinh (phụ trách mảng cây xanh của công viên Nguyễn Tất Thành) thì mỗi năm công ty đều có kế hoạch trồng mới, tu bổ, chặt tỉa cho công viên. Tuy nhiên muốn chặt cái gì, trồng mới cái gì phải có đề xuất, xin ý kiến từ UBND TP Vinh. Một số cây xanh đã chết ở công viên Nguyễn Tất Thành sắp tới sẽ có phương án xử lý, trồng mới lại.

Khi chúng tôi muốn xem kế hoạch chăm sóc, trồng cây của công ty trong những năm qua tại công viên Nguyễn Tất Thành như thế nào thì bà Thúy từ chối và cho biết lãnh đạo đi vắng, không thể cung cấp được?

(Còn tiếp)