Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Từ vụ tố “công an đánh người” nghĩ đến “văn hóa chợ” trên facebook

Bên cạnh những mặt tích cực, facebook hiện đã và đang trở thành "công cụ" đắc lực để một số người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ uy tín của người khác... Đặc biệt mới đây ở Nghệ An trên tài khoản cá nhân, một cô gái tố đại úy đang công tác tại Công an TP Vinh, Nghệ An đánh mình phải nhập viện cấp cứu. Lãnh đạo Công an TP Vinh nói 'không có chuyện đó' nhưng đã khiến cho không ít người bị tổn thương nghiêm trọng.

 Hình ảnh cô gái bị thương tích đăng tải trên mạng xã hội trước khi bị gỡ - Ảnh: Facebook Huệ Lê

Văn hóa mạng - con dao hai lưỡi

Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Có thể nói, ở Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook, với hàng chục triệu người sử dụng.

Cũng phải thừa nhận rằng, Facebook có rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị. Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ. Tuy nhiên, thông tin bổ ích cũng nhiều và thông tin tiêu cực cũng không phải ít và thật khó kiểm soát. Rất nhiều người đã không thể cưỡng nổi sự lôi cuốn như mê hoặc của Facebook.

Trong thế giới số, mỗi người sử dụng đều có thể tạo ra nội dung, và mức độ ảnh hưởng của nội dung sẽ còn tùy theo mức độ kết nối của họ trên mạng. Với khoảng vài nghìn người bạn trên mạng, những hoạt động của họ có thể xem tương tự như một tờ báo thu nhỏ, với những nội dung hấp dẫn có thể đạt sức lan tỏa đến chóng mặt.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình. Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt, nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận (cả đúng, cả sai). Và cũng thật đáng lo ngại khi rất nhiều người mượn Facebook để đưa ra quan điểm cá nhân, cái tôi cục bộ, nói xấu, bôi nhọ uy tín, nhân phẩm, danh dự của người khác…

Cộng đồng mạng ở Nghệ An mấy ngày nay đang xôn xao facebook cá nhân Huệ Lê đăng “cầu cứu cư dân mạng” trên nhiều nhóm, diễn đàn với ảnh chụp một chiến sĩ công an, một người phụ nữ, một trẻ em và ảnh một cô gái chảy máu trên mặt và cùng hàng chục tấm ảnh chụp lại tin nhắn về việc bị một Đại uý Công an đánh trọng thương. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Ngọc Tú, Trưởng Công an TP. Vinh xác nhận thông tin cho rằng, cô gái bị Đại uý Công an đánh vì không đáp lại tình cảm là sai sự thật, thực tế Đại uý Lê Đức Mạnh chỉ vào can ngăn. Đến chiều 30/9, tài khoản Facebook Huệ Lê cũng đã gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh đồng thời xin lỗi gia đình Đại uý Mạnh. Hiện Công an TP. Vinh đang tiếp tục điều tra làm rõ và sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên sự việc lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo những mối nguy hại khó lường với những thông tin chưa được kiểm soát trên mạng xã hội.

 Hàng trăm bình luận về sự việc này - Ảnh chụp lại từ facebook

Cần tiếng nói của ý thức

Có thể nói, cộng đồng mạng có đóng góp rất lớn trong việc tạo nên dư luận, phân tích vấn đề xã hội tường tận theo những góc nhìn đa chiều nhưng số đông giấu mặt cũng tự do sử dụng ngôn từ tùy tiện, phản ứng quá khích. Dư luận xã hội đúng đắn sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực nhưng nếu nhận thức lệch lạc trong góc nhìn phiến diện sẽ chỉ khiến sự tương tác trên mạng xã hội trở thành thế giới ngôn từ hỗn độn.

Bàn về “văn hóa ngôn từ” trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đòi hỏi văn hóa ứng xử trên Facebook chính là đặt ra yêu cầu ý thức tôn trọng cộng đồng của mỗi cá nhân. Cái gì liên quan đến văn hóa cũng cần đến ý thức nhưng thực tế trông mong vào ý thức cũng rất… “khó nói, mông lung” khi ứng xử trong đời sống thật vốn cũng đã hỗn tạp. Mỗi người phải hiểu rằng một khi đã mở lòng mình ra trên thế giới ảo thì cũng phải đến với mọi người bằng tâm thế thiện chí, chân thật; phê phán vấn đề, hiện tượng cũng cần mang tính phản biện, xây dựng chứ không phải buông tuồng tùy tiện, nói gì thì nói. Cái gì cũng bắt đầu từ giáo dục, mọi thứ phải được bồi đắp từ nền tảng gia đình, nhà trường và xã hội.

Internet nói chung hay mạng xã hội nói riêng ra đời đem lại nhiều tiện ích, những giá trị tích cực trong cộng đồng nhưng hệ lụy nằm ở chỗ người sở hữu, làm chủ các trang cá nhân. Những ai có Facebook ít nhất cũng là người có học, hiểu biết công nghệ nhưng thử nhìn lại xem, không ít trong số những trí thức ấy lại là nhân tố góp phần làm cho thế giới mạng trở nên hỗn loạn. Ngôn từ trên mạng hiện nay nói “hàng tôm hàng cá” cũng chưa đủ, mà có khi còn là ngôn ngữ của lưu manh, côn đồ. Đừng nói mạng là thế giới ảo, mọi thứ đều là thật hết cho nên những gì diễn ra trên mạng cũng chính là phản ánh xã hội. Muốn thay đổi, trước nhất vẫn là cần ở ý thức cá nhân của mỗi người nhưng cũng cần phải quyết liệt hơn trong chế tài. Rõ ràng là chúng ta có luật về internet nhưng chúng ta chưa làm gì để loại bỏ cái xấu trên mạng.

Nhiều nước trên thế giới, chỉ cần nói xấu, bôi bác, vu khống người khác trên mạng là có thể bị ra tòa. Tất nhiên, ai cũng có quyền bày tỏ chính kiến nhưng mọi thứ đều phải dựa trên nguyên tắc xây dựng, tự do nhưng cũng phải trong vòng kiểm soát của pháp luật. Một khi luật không điều chỉnh theo kịp với sự phát triển của xã hội, không thay đổi cách thức quản lý thì tất yếu sẽ có những rối loạn.

Không thể phủ nhận được vai trò của mạng xã hội với đời sống của con người hiện nay. Nhưng lạm dụng nó với những mục đích vô bổ thì không đáng. Chỉ có thể thay đổi lối sống tích cực khi suy nghĩ của mỗi người được thay đổi nhân văn và tốt đẹp hơn, nhất là với giới trẻ thì điều ấy là vô cùng cần thiết.