Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Kỷ luật kiểu “lạ lùng” của kiểm lâm Nghệ An?

Sau khi xảy ra các vụ phá rừng nghiêm trọng, 2 hạt trưởng hạt Kiểm lâm, thuộc chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã bị kỷ luật, luân chuyển. Điều lạ là khi về địa bàn khác họ lại vẫn được ngồi “ghế” hạt trưởng hạt kiểm lâm (?!).

189 cây pơ mu bị hạ sát, hạt trưởng vẫn là hạt trưởng

Khoảng tháng 2/2017, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ phá rừng nghiêm trọng. Theo đó, có 189 cây pơ mu quý hiếm đã bị lâm tặc đốn hạ.

Vụ việc sau đó, Công an huyện Tương Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng.

Nhận thấy đây là vụ phá rừng đầu nguồn nghiêm trọng, ngày 28/8, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban ngành liên quan phối hợp điều tra, xử lý.

 Cán bộ hạt Kiểm lâm Tương Dương thực hiện kiểm đếm, thu hồi tang vật để phục vụ công tác điều tra tại xã Tam Hợp (Ảnh: báo Nghệ An).

Hiện, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án phá rừng trên về Công an tỉnh thụ lý.

Điều đáng nói của vụ án trên đó là trong khi chờ kết luận cuối cùng của công an để xử lý người liên quan thì khoảng tháng 4/2017, ông Võ Sỹ Lâm, bấy giờ là Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương đã được chuyển về huyện Đô Lương công tác.

Bất ngờ hơn, ông Lâm được chuyển về Đô Lương nhưng vẫn là Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện này. Rõ ràng ông Lâm là người đứng đầu kiểm lâm Tương Dương, trên địa bàn đã xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng vẫn được giữ nguyên ghế hạt trưởng là chuyện “lạ lùng”.

Có khác chăng là ông Lâm chỉ thay đổi địa điểm từ miền núi xuống miền xuôi…

Luân chuyển… “lạ lùng”

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2017, người dân cũng phát hiện gần 100ha rừng ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp bị phát trắng để trồng keo. Được biết, đây là những diện tích đã được Nhà nước giao cho các chủ rừng quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ.

Vụ việc nghiêm trọng là thế nhưng cũng khoảng tháng 4/2017, ông Nguyễn Hữu Hiến, bấy giờ là Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp đã được luân chuyển về Tương Dương.

Để làm rõ sự “lạ” trên, phóng viên đã gặp và đăng ký làm việc với ông Bạch Quốc Dũng, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, người được giao phụ trách mảng bảo vệ rừng. Tuy nhiên, ông Dũng từ chối làm việc với lý do ông không phải là người đứng đầu ngành kiểm lâm Nghệ An.

Qua điện thoại trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An thừa nhận, liên quan đến chỗ Tương Dương là hạt trưởng bị kỷ luật. Còn kỷ luật hạt trưởng vẫn làm hạt trưởng thì ông Lâm cho rằng đó cũng là thay đổi vị trí, như thế cũng là một hình thức xử lý.

 Gần 100ha diện tích rừng được Nhà nước giao cho người dân ở Quỳ Hợp quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ đã bị “cạo trọc” nhưng hạt trưởng vẫn là… hạt trưởng.

Giải thích về việc chưa xử lý cán bộ kiểm lâm ở những địa bàn để xảy ra phá rừng, ông Lâm cho biết vì đang chờ kết luận cuối cùng của công an.

Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin có nhiều bài viết nói về việc tại sao cửa rừng Nghệ An vẫn… “mở”?. Cụ thể, dù năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án quy định dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; sau đó, giữa năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, tại các địa phương như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… rừng Nghệ An vẫn bị… “chảy máu”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cũng khẳng định, tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm cả các đơn vị liên quan chứ không chỉ xử lý lâm tặc mà chính quyền hay kiểm lâm vô can…

Hiện, Nghệ An đang quyết liệt để tập trung ngăn chặn tình trạng phá rừng chứ để lâu rất nguy hiểm. Tinh thần của tỉnh là không có vùng cấm trong xử lý phá rừng, thậm chí cán bộ bao che sẽ chịu liên đới trách nhiệm.