Yên Thành: 'Có những chức danh ở cơ sở không có việc để làm'
- 08:03 07-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Coi trọng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ
Trước hết, phải khẳng định rằng, những năm gần đây, huyện Yên Thành có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo…Đạt được những thành tựu đó có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở.
Đồng chí Phan Huy Hải - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành, chia sẻ: Đội ngũ cán bộ các cấp ở Yên Thành hiện có được đào tạo chuẩn hóa cả trình độ chuyên môn, chính trị và trưởng thành về nhiều mặt. Minh chứng là có 100% đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học và trình độ chính trị đạt chuẩn.
Trong 41 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy có 100% trình độ chuyên môn đại học và 37/41 người có trình độ cao cấp chính trị, còn lại trung cấp. Đa số cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, chính quyền và khối dân ở cấp huyện được đào tạo cơ bản gắn với nhiệm vụ chính trị và thực tiễn công tác, khắc phục tình trạng chỉ chú trọng chuẩn về bằng cấp mà không quan tâm đến chuẩn về chuyên môn.
Ở cấp xã, công tác cán bộ cũng từng bước được chuẩn hóa, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại xã Sơn Thành chủ động “ươm mầm” những nhân tố trẻ ở các xóm để đưa vào đội ngũ bán chuyên trách.
Từ đội ngũ này, thông qua hoạt động thực tiễn, cấp ủy theo dõi, nắm bắt được năng lực, sở trường của từng cá nhân, đồng thời trên cơ sở nhu cầu chuyên môn mà địa phương đang cần để khuyến khích, động viên đội ngũ bán chuyên trách đi học và đưa vào quy hoạch, bố trí sử dụng sau đào tạo, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu và học tập.
Giải quyết các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Trung Thành (Yên Thành). Ảnh: Mai Hoa |
Ví dụ như đồng chí Nguyễn Trí Trung, từ Bí thư Đoàn xã được cử đi học trung cấp chính trị, sau khi hết tuổi Đoàn được bố trí làm Ủy viên Văn hóa - Xã hội của xã, rồi đi học đại học chuyên môn và nay là Chủ tịch UBND xã. Hay đồng chí Nguyễn Văn Chiến, từ một khuyến nông viên, địa phương tạo điều kiện để học trung cấp nông ghiệp, rồi học lên đại học chuyên ngành quản lý xã hội, nay giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã...
Đồng chí Nguyễn Trí Hóa - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thành, cho biết: Do đội ngũ cán bộ phần lớn được trưởng thành từ phong trào thực tiễn, “thâm canh” nhiều nhiệm vụ công tác và luôn tu dưỡng đạo đức, phong cách gắn bó, gần gũi với nhân dân nên đều rất vững vàng.
Hàng chục năm liên tục, Sơn Thành tuy không có cán bộ huyện luân chuyển hay tăng cường về nhưng địa phương vẫn tạo ra bước phát triển toàn diện, là xã đầu tiên cả tỉnh về đích nông thôn mới; và thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 50 triệu đồng/năm.
Với xã Hợp Thành, chất lượng cán bộ cũng được quan tâm theo hướng chuẩn hóa. Đồng chí Hoàng Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành đưa ra con số so sánh: Mới thời điểm trước năm 2010, đội ngũ cán bộ xã mới chỉ có 4 đại học thì nay có 18/22 cán bộ chuyên trách và công chức có trình độ đại học và cơ bản được phổ cập về trung cấp chính trị.
Đặc biệt về chuyên môn đào tạo đã đảm bảo tốt hơn về cơ cấu, gồm có đại học nông nghiệp, đại học luật, văn hóa, quản lý Nhà nước… Bằng cách đó, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ xã được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, về đích NTM vào năm 2015.
Những vấn đề đặt ra
Tại hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Huyện ủy Yên Thành đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ. Trong đó, khâu yếu nhất là công tác đánh giá cán bộ có lúc, có nơi còn hình thức và chưa thực chất. Vẫn có tình trạng cán bộ chủ chốt ở cơ sở ngại học tập để nâng cao trình độ buộc phải thay thế khi không đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, chính trị.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ cơ sở cho rằng một số chức danh có thể bỏ nhưng vẫn tồn tại. Theo đồng chí Hoàng Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành, “Có những chức danh không có việc để làm”, như chức danh Phó Chủ tịch MTTQ xã có 2 người, Ban Quân sự xã cũng 2 người, hay các chức danh làm công tác tôn giáo, thi đua - khen thưởng… Một số quy định của các cấp về bộ máy chuyên trách và bán chuyên trách còn cồng kềnh, một số chức danh “có thì thừa không có thì thiếu”.
Do đã có quy định của cấp Trung ương và cấp tỉnh nên các ngành, đoàn thể thì cứ muốn “ép” cơ sở bố trí cho đủ số lượng theo quy định, dẫn đến việc cán bộ tăng, thu nhập thấp, có hiện tượng đùn đẩy công việc. Ở các xóm, trước đây có tiểu đội trưởng dân quân thì nay có thêm thôn đội trưởng là không cần thiết; hay chức danh khuyến nông viên, người phụ trách mảng trẻ em ở cấp xóm cũng không cần có.
Mặc dù không phải là một cấp trong hệ thống chính trị, nhưng những người hoạt động công tác ở xóm có vai trò rất quan trọng, họ là những người gần dân và trực tiếp đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, vấn đề nan giải là mỗi kỳ đại hội chi bộ, bầu xóm trưởng, là phải “đốt đuốc” đi tìm người làm. Đồng chí Nguyễn Duy Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Thành cho rằng: “Do kinh phí chi trả và hỗ trợ cho người làm công tác bí thư chi bộ và xóm trưởng hết sức ít ỏi, trong khi công việc sự vụ hàng ngày rất nhiều, do đó ít người mặn mà với việc “vác tù và hàng tổng”. Người trẻ lo đi làm kinh tế, người nhiều tuổi không muốn làm do áp lực công việc.
Do đó các xóm đều có tình trạng chung là khó tìm người, dự nguồn cho đội ngũ bí thư chi bộ, xóm trưởng ở các thôn xóm”. Đồng chí Nguyễn Hữu Cường - Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành cho rằng cần phải làm quy hoạch lãnh đạo xóm, đồng thời đẩy mạnh phát triển đảng viên, gắn trách nhiệm của người đảng viên đối với phong trào chung.
Xuất phát từ tình hình thực tế của huyện, đồng chí Phan Huy Hải - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Yên Thành cho rằng, các cấp, ngành có thẩm quyền cần tiếp tục có những điều tra, nghiên cứu, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở để quy định các chức danh một cách hợp lý, tránh tình trạng dư thừa, cồng kềnh.
Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ về kinh phí, nâng mức phụ cấp cho đội ngũ hoạt động ở cơ sở, tránh tình trạng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, khó vận động và lựa chọn người có năng lực để đảm nhận và gánh vác việc chung.