Bi hài vợ chồng đòi tiền hao mòn thân thể khi ra tòa ly hôn
- 09:29 06-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vợ chồng chị Hà cưới nhau năm 2016. Gần đây, người chồng nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông với lý do vợ chồng có nhiều mâu thuẫn. Tại tòa, chị Hà đồng ý ly hôn nhưng yêu cầu chồng phải bồi thường cho mình hơn 200 triệu đồng. Lý do là, trong thời gian chung sống, anh Hà bị hiếm muộn do tinh trùng yếu nên đã tiêu tốn nhiều tiền vào việc điều trị.
Được tòa án yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc chữa hiếm muộn này, chồng chị Hà trả lời bằng văn bản rằng mình không còn lưu giữ các giấy tờ trên và cũng không có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin đó. Hiện vụ việc vẫn chưa ngã ngũ.
Hồi tháng 8 năm nay, TAND huyện Phú Hòa, Phú Yên cũng vừa xét xử vụ ly hôn gây chú ý khi người chồng yêu cầu vợ phải bồi thường thiệt hại danh dự cho mình và gia đình 30 triệu vì chị có thai với người khác.
Theo lời người vợ tên Nhung, hai người kết hôn năm 1996 và có cuộc sống hạnh phúc dù không có con. Đến năm 2015, họ bắt đầu mâu thuẫn do người chồng có bồ, về nhà đánh, đuổi vợ.
Tới tháng 3/2016, vợ chồng ly thân, bà Nhung về nhà mẹ ruột sống và yêu cầu ly hôn mấy tháng sau. Cả hai không có con chung, không yêu cầu tòa chia tài sản nhưng người chồng lại đòi vợ phải trả 30 triệu bồi thường thiệt hại nhân phẩm, uy tín cho mình vì bị "cắm sừng". Theo ông, khi còn là vợ chồng, bà Nhung đã quan hệ với người đàn ông khác và có thai.
Bà Nhung thừa nhận cái thai đang ở trong bụng mình không phải con chồng nhưng không đồng ý bồi thường bởi bà đã chấp nhận hy sinh chung sống với chồng suốt 19 năm không con. Phán quyết cuối cùng của tòa án là bà không phải trả 30 triệu cho chồng.
Ảnh minh họa: AtHomeSense. |
Một vụ ly hôn khác cũng gây xôn xao ở quận Bình Thạnh (TP HCM) năm 2014 là trường hợp người vợ yêu cầu chồng phải bồi thường 600 triệu đồng cho việc mình đã "phục vụ chăn gối" suốt 26 năm.
Bà Hoa và ông Tú lấy nhau từ năm 1988 và có hai con chung, hiện đều trưởng thành. Theo lời bà Hoa, do thường xuyên bị chồng ghen tuông, đánh đập, bà quyết định ly hôn. Không tranh chấp tài sản gì, bà yêu cầu được bồi thường 624 triệu đồng vì tính "phí" phục vụ tình dục cho chồng là 2 triệu đồng mỗi tháng. Bà kể rằng, những lúc không đáp ứng được nhu cầu cho chồng, bà bị ông hắt hủi, dùng bạo lực nên giờ phải đòi lại các khoản này.
Phản bác lại, ông Tú khẳng định vợ là người nói nhiều, hung hăng nên ông ngày đi làm thợ hồ, tối làm bảo vệ ngủ lại công ty chứ không dám về nhà. Dù sống với bà rất mệt mỏi nhưng ông vẫn cố nhịn và không muốn ly hôn vì nghĩ tới con cái. Sau vài lần hòa giải, cuối cùng, bà Hoa đã đã rút đơn ly hôn về đoàn tụ với chồng.
Những vụ kiện đòi bồi thường khi vợ chồng ly hôn thường làm đau đầu người xét xử. Như chuyện vợ đòi chồng phải bồi thường vì làm "hao mòn thân thể" sau nhiều năm chung sống tưởng đùa nhưng lại có thật tại tỉnh Lâm Đồng.
Bà Đặng, 56 tuổi ở xã Đạm Ri, huyện Đạ Huoai và ông Lê chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1998 nhưng không đăng ký kết hôn. Tới tháng 3/2012, do nảy sinh mâu thuẫn, ông Lê nộp đơn kiện bà Đặng vì tranh chấp nhà đất. Người đàn ông này nói rằng bà Đặng không phải vợ mà chỉ là người làm công, trông coi đất đai, nhà cửa cho mình nên phải trả lại đất, nhà mà bà đã đứng tên cùng ông.
Khi xét xử vào tháng 5/2013, tòa án xác định hai người không có quan hệ vợ chồng về mặt pháp luật nên buộc ông Lê trả cho bà Đặng hơn 130 triệu, còn bà Đặng phải giao hết đất đai, nhà cửa cho ông Lê. Không chấp nhận phán quyết này, bà Đặng tố lại rằng mình đã nhập hộ khẩu hợp pháp vào gia đình ông Lê, cả hai cùng có tên trong sổ đỏ. Theo bà, nếu tính mình là người làm mướn thì ông Lê phải trả công cho bà trong 14 năm, đồng thời trả tiền "hao mòn thân thể" vì bà đã "phục vụ chăn gối" mỗi đêm cho ông suốt 11 năm.
Khi xử phúc thẩm, tòa án đã công nhận tài sản gồm nhà cửa, cây cối của ông bà đều được chia đôi và ông Lê phải trả cho bà Đặng 146 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết, những vụ vợ chồng kiện nhau đòi bồi thường không nhiều nhưng đều khá oái oăm và làm đau đầu các cơ quan pháp luật. Những vụ việc này thường kéo dài do việc thu thập căn cứ không đơn giản.
Luật sư cho hay, bản ông ông từng nhiều lần được các khách hàng - đều là phụ nữ - tư vấn về việc họ muốn kiện đòi chồng "bồi thường tuổi thanh xuân". "Họ có thể là những người vợ thiệt thòi, cả đời lo cho gia đình nhưng chồng lại phản bội, đòi ly hôn trong khi tất cả các tài sản đều đứng tên người thân của chồng. Tuy nhiên, pháp luật phân xử đều phải dựa trên các cơ sở, chứng cứ cụ thể nên chuyện kiện đòi 'tuổi thanh xuân' là hầu như không thể", luật sư cho biết.
Theo ông, các yêu cầu vợ chồng đòi nhau bồi thường liên quan tới các vấn đề khó xác nhận như "hao mòn thân thể", "ảnh hưởng danh dự"... thường chỉ thành khi hai bên cố gắng thỏa thuận với nhau và người kia tự nguyện trả. Nếu một bên đưa yêu cầu, bên kia thấy không chấp nhận thì cũng khó can thiệp do không có căn cứ xác thực và đo đếm được hậu quả trực tiếp. Tuy nhiên, nếu việc ly hôn có liên quan tới bạo lực, ngoại tình thì người yếu thế bao giờ cũng sẽ được bảo vệ quyền lợi khi phân chia tài sản, nuôi con.