Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao cửa rừng Nghệ An vẫn… “mở”?

Dù UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời có văn bản chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên cách đây một năm, nhưng mới đây tại các huyện như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp… rừng vẫn bị… “chảy máu”.

Cửa rừng nhiều huyện chưa… đóng?

Ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2242/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020, trong đó tại Khoản a, Mục 2, Điều 1 quy định dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước.

Ngày 20/6/2016 tại hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên phạm vi toàn quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/10/2016, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện việc đóng cửa rừng.

 Gần 100ha diện tích rừng được Nhà nước giao cho người dân ở Quỳ Hợp quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ nhưng đã bị “cạo trọc”.

Chỉ đạo là thế nhưng từ tháng 2, tại địa bàn giáp ranh giữa 2 xã biên giới Tam Hợp và Lưu Kiền của huyện Tương Dương, người dân vẫn phát hiện lâm tặc đốn hạ 49 cây pơ mu.

Cũng vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, người dân phát hiện gần 100ha rừng ở xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp bị phát trắng để trồng keo. Được biết đây là những diện tích rừng đã được Nhà nước giao cho các chủ rừng quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ.

Tháng 2, cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã phát hiện một vụ phá rừng ở xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, với tổng số gỗ bị chặt là 36 cây gỗ sa mu quý hiếm, khối lượng 139m3.

Mới đây nhất, ngày 8/9 theo báo cáo của ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Kỳ thì cũng có hơn 100ha rừng phòng hộ bị lấn chiếm, phá rừng. Đây là những diện tích rừng bị người dân xâm canh trái phép qua các năm 2010, 2016 và 2017.

Như vậy là bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, tại rất nhiều địa phương của tỉnh này cửa rừng vẫn chưa… đóng.

Phát hiện thì rừng đã… “chảy máu”

Theo tài liệu điều tra của cơ quan chức năng các huyện thuộc tỉnh Nghệ An, không chỉ trước mà sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra.

Mặt khác, hệ quả chung của các vụ phá rừng là khi bị phát hiện thì rừng đã bị.. “chảy máu” như các huyện: Tân Kỳ hơn 100ha, Quỳ Hợp gần 100ha, Kỳ Sơn và Tương Dương cũng “đóng góp” gần 100 cây sa mu quý hiếm bị đốn hạ.

Hiện tại, cơ quan điều tra công an các địa phương cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng. Ngày 26/9 vừa qua, TAND huyện Kỳ Sơn đã đồng thời tổ chức 3 phiên tòa xét xử công khai các đối tượng vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng, tuyên phạt 9 bị cáo từ 7 đến 24 tháng tù.

Riêng với các vụ việc vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ rừng tại 2 xã Na Ngoi và Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 4 vụ án với 12 bị can; trong đó ở Na Ngoi có 1 vụ, 1 bị can; Nậm Càn có 3 vụ, 11 bị can. Sau quá trình điều tra làm rõ, đơn vị này đã chuyển 3 vụ án sang viện Kiểm sát nhân dân huyện để truy tố các đối tượng có hành vi vi phạm ra trước pháp luật.

 Hơn 100ha rừng phòng hộ ở huyện Tân Kỳ bị người dân xâm canh trái phép.

Liên quan đến vụ phá rừng ở xã Nậm Càn, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nghệ An cũng đã kỷ luật 4 cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Kỳ Sơn. Hay mới đây nhất, ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã họp và thống nhất đề xuất ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách chức các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Cảnh, Ủy viên ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp và 9 Đảng viên khác cũng bị cách chức các chức vụ trong Đảng...

Dư luận không chỉ xót xa trước thực trạng nhiều diện tích rừng bị phá mà còn đau đớn hơn khi nhiều cán bộ của tỉnh Nghệ An rơi vào vòng lao lý. Thậm chí như ở xã Nam Sơn của huyện Quỳ Hợp có nguy cơ bị “khủng hoảng” cán bộ vì có đến 6 Đảng viên đang giữ chức vụ chủ chốt bị mất chức.

Vì sao cửa rừng Nghệ An vẫn… “mở”? có lẽ là câu hỏi mà lãnh đạo tỉnh này cần phải trả lời gấp để chấn chỉnh, xử lý.

Ông Trần Đức Lợi, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng như do dân thiếu hiểu biết nhưng bên cạnh đó cũng có lý do khác, là bất cập trong việc giao cho người dân quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhưng họ lại không nhận được chế độ gì?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An phân tích, nguyên nhân dẫn đến những vi phạm về lâm luật trong thời gian qua phần lớn đều bắt nguồn từ những hạn chế của cán bộ làm nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.

Một số cá nhân là lãnh đạo thôn, bản, xã… vì lợi ích trước mắt đã bất chấp các quy định của pháp luật. Ngoài ra, cấp uỷ, chính quyền cơ sở còn thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý và chưa quyết liệt trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý, dẫn đến tình trạng vi phạm cứ tái diễn. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đối với những hành vi vi phạm lâm luật đó là xử lý nghiêm, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.