Cụ bà 87 tuổi 'tranh chồng' với người phụ nữ 61 tuổi
- 16:08 27-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người đại diện cho cụ Ngọc đi kiện nhiều năm qua trưng ra một chứng cứ |
Cụ Ngọc cho rằng bà Yến chỉ là người làm công, không phải vợ của cụ Kham như lời bà Yến trình bày. “Bà Yến nói quen với chồng tôi qua mạng internet vào năm 1987. Năm đó, Sài Gòn có mạng rồi sao? Chồng tôi biết sử dụng sao? Lại còn nói rằng, quen biết qua mạng 3 năm mới gặp nhau và quyết định sống chung từ năm 1990.
Năm 1990, bà “vợ cả” còn sống, các con bà “vợ cả” ở ngay trong căn nhà đó, chồng tôi dắt một người phụ nữ khác về sống chung công khai, liệu họ có biết hay không và có phản ứng hay không? Bà “vợ cả” chấp nhận cảnh 1 ông 2 bà chung sống 1 nhà hay sao?”.
Một ông 3 bà
Đó là tình cảnh của cụ Trương Thị Mỹ Ngọc (SN 1930, ngụ quận 11, TP HCM) là nguyên đơn và bà Tào Thị Yến (SN 1956, ngụ quận 8, TP HCM) là bị đơn. Điều gì khiến hai cụ bà đưa nhau ra tòa, ngoài danh dự, có phải chính khối tài sản mà “chồng” hai cụ để lại là căn nhà mà cụ Yến đang sử dụng.
Theo trình bày, cụ Ngọc người gốc Nha Trang sau đó ra Quy Nhơn (Bình Định), quen với cụ Tôn Thất Kham (SN 1923, mất năm 2013, quê Bình Định). Năm 1953, hai người tiến hành làm đám cưới tại Bình Định.
Năm 1954, cụ Ngọc và cụ Kham dìu dắt, bế con về Nha Trang sống chung nhà với cha mẹ vợ. Tại Nha Trang, người cha vợ yêu cầu cả hai phải đi đăng ký kết hôn để tạo lập thành vợ chồng chính thức. Việc đăng ký kết hôn được xác lập vào ngày 5/10/1955 tại Nha Trang và được chính quyền thời bấy giờ chứng nhận. Giấy đăng ký kết hôn này, cụ Ngọc vẫn giữ đến bây giờ.
Sau khi đăng ký kết hôn với cụ Ngọc, cụ Kham bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa tạm giữ điều tra vì cho rằng là cán bộ cách mạng nằm vùng, hoạt động chống phá. Tuy nhiên, do không có chứng cứ, giam được đôi tháng, cụ Kham được tha. Lo sợ bị bắt trở lại, cụ Kham được cha mẹ vợ chu cấp tiền vào Sài Gòn sinh sống.
Năm 1956, cụ Kham vào Sài Gòn và mua căn nhà số 112 đường Dạ Nam bằng tiền cha mẹ vợ cho. Lúc này, do mang thai người con thứ 3, cụ Ngọc chưa thể theo chồng. Sinh con xong, cụ Ngọc vào Sài Gòn sinh sống. Tại căn nhà số 112 đường Dạ Nam, cụ Ngọc và cụ Kham mở một cơ sở xay bột trẻ em tại nhà. Công việc, cuộc sống khá ổn định.
Tấm hình chung giữa cụ Kham và các con của cụ Ngọc, cụ Thành |
Cụ Ngọc kể: “Năm 1960, một người phụ nữ người Bình Định dắt theo 3 đứa con và một cái bụng bầu đến nhà, nói rằng là vợ của ông Kham ở ngoài quê mới vào tìm chồng. Ông Kham thừa nhận trước khi cưới tôi đã chung sống với người này từ năm 1948 và có 3 đứa con. Người đó là bà Phạm Thị Ngọc Thành (SN 1923, mất năm 1997). Trước đó tôi không hay biết chuyện này. Ông Kham không kể cho tôi nghe. Khi cưới tôi, ông Kham nói là chưa từng có vợ. Tự dưng có một người phụ nữ ở đâu vào, tôi như té ngửa”.
“Vì sao tôi chấp nhận bà Thành, cho ở chung nhà với chồng tôi dù không muốn, không chấp nhận? Lý do là bà Thành “nắm thóp” được tôi và ông Kham. Nếu không chấp nhận, không cho ở chung, bà ta sẽ đi tố cáo một số vấn đề với chính quyền thời đó. Chỉ cần bà Thành trình báo là tôi và ông Kham tiêu đời. Mấy đứa con nheo nhóc biết làm sao. Chính vì đó, tôi mới chấp nhận”, cụ Ngọc kể.
Cụ Ngọc không chịu đựng được cảnh sống 1 ông 2 bà nên chọn cách đi thuê nhà khác sinh sống, mỗi quận đôi ba tháng. Cụ Kham cũng sống theo kiểu không bỏ người nào, cứ tới với cả hai và tiếp tục sinh thêm những người con khác. Tổng cộng đến năm 1978, cụ Kham có được 17 người con. Cụ Ngọc sinh 10 người, cụ Thành sinh 7 người.
Công việc làm ăn phát đạt, cụ Kham mua thêm căn nhà số 110 đường Dạ Nam liền kề và hai căn nhà khác. Cả bốn căn nhà nói trên, các con cụ Ngọc, cụ Thành đều được sử dụng chung. Mãi đến sau này, khi lập thành gia thất, các con cụ Ngọc mới ra riêng, mua nhà khác.
Cụ Ngọc kể: “Nhà làm xưởng, thuê rất nhiều người làm công. Chính điều đó làm xuất hiện một người phụ nữ tên Tào Yến (ngụ quận 6) nhỏ hơn ông nhà tôi đến 33 tuổi. Tôi khẳng định người này chỉ là người làm công do bà Thành thuê từ năm 1987”. Chính bà Tào Yến xuất hiện làm xảy ra vụ kiện hi hữu.
Giấy đăng ký kết hôn của cụ Kham và bà Yến |
Kiện đòi làm vợ chính danh người chết
Năm 2013, khi cụ Kham chết, các con bà Ngọc đến dự đám tang mới té ngửa vì biết một chuyện động trời. Bà Tôn Nữ Minh Hiền, con gái cụ Ngọc và là người đại diện cho cụ Ngọc đi kiện mấy năm qua kể:
“Quan tài của cha tôi không được đặt ở căn nhà số 112 đường Dạ Nam. Hỏi mấy người con của bà Thành thì những người này nói rằng “bà Yến lừa cha chiếm căn nhà, giờ không còn làm gì được”. Anh em chúng tôi không hề hay biết chuyện gì kể cả việc bà Yến và cha tôi có đăng ký kết hôn vào năm 2000 tại phường 7, quận 6”.
Cụ Ngọc cho rằng bà Yến chỉ là người làm công, không phải vợ của cụ Kham như lời bà Yến trình bày. “Bà Yến nói quen với chồng tôi qua mạng internet vào năm 1987. Năm đó, Sài Gòn có mạng rồi sao? Chồng tôi biết sử dụng sao? Lại còn nói rằng, quen biết qua mạng 3 năm mới gặp nhau và quyết định sống chung từ năm 1990. Năm 1990, bà Thành còn sống, các con bà Thành ở ngay trong căn nhà đó, chồng tôi dắt một người phụ nữ khác về sống chung công khai, liệu họ có biết hay không và có phản ứng hay không? Bà Thành chấp nhận cảnh 1 ông 2 bà chung sống 1 nhà hay sao?”.
Cụ Ngọc bảo hơn 60 năm làm vợ cụ Kham, cụ đã chịu nhiều cay đắng khi có một người vợ ngoài hôn thú khác là cụ Thành nhưng cụ chịu đựng được vì hoàn cảnh lúc bấy giờ. Về phía bà Yến, suốt nhiều năm liền, cụ Ngọc và các con vẫn đinh ninh bà Yến là người làm công bình thường như những người khác.
Tại cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm, bà Yến cho rằng mình mới là vợ hợp pháp, còn cụ Ngọc và cụ Thành chỉ là chung sống như vợ chồng chứ không có đăng ký kết hôn. Theo bà Yến, dù biết cụ Kham chung sống như vợ chồng với cụ Ngọc và cụ Thành nhưng vẫn chấp nhận sự tìm hiểu từ năm 1978. Bà Yến cho rằng mình không phải là người làm công như lời cụ Ngọc trình bày.
Bà Yến về chung sống với cụ Kham vào năm 1990 tại căn nhà 112 đường Dạ Nam, quận 8. Lúc này, trong nhà vẫn còn cụ Thành, người vợ đầu tiên của cụ Kham. Bà Yến nói rằng cụ Kham chưa từng đăng ký kết hôn với ai nên sau khi cụ Thành mất, bà Yến và cụ Kham tình nguyện đến UBND phường 7, quận 6 để đăng ký kết hôn. Bà nói rằng từ năm 2000 đến nay, không ai phản đối việc chung sống giữa hai người. Bà Yến cũng nói rằng có chung với cụ Kham 1 đứa con sinh vào năm 2009.
Bà Yến đã bán căn nhà số 112 (cổng đen) và chuyển đi nơi khác sinh sống |
Tại tòa, bà Yến nói không phản đối việc con chung con riêng của cụ Kham vì biết những người con này thực sự đúng là con của cụ Kham. Do trong thời gian chung sống, bà Yến và cụ Kham không tạo lập được bất cứ tài sản nào nên không có yêu cầu nào về việc này. Hiện bà Yến đang nuôi con chung với cụ Kham nên yêu cầu có một phần tài sản mà cụ Kham để lại. Bà Yến không đồng ý với đơn khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận kết hôn của bà và cụ Kham.
Phiên sơ thẩm tuyên hủy việc kết hôn giữa cụ Kham và bà Yến nhưng phiên phúc thẩm lại hủy án vì cho rằng chưa đưa các con cụ Thành vào làm người có quyền nghĩa vụ liên quan và cần giám định xem giấy đăng ký kết hôn mà cụ Ngọc trình tại tòa là thật hay giả?
Vụ án lại rơi vào vòng lẩn quẩn, chưa có hồi kết. Riêng cụ Ngọc “thề sẽ theo đuổi” để đòi lại danh phận làm vợ “chính thức” có đăng ký kết hôn với cụ Kham.
PV tìm đến số nhà 112 đường Dạ Nam để tìm hiểu thêm thông tin từ phía bà Yến. Tuy nhiên, căn nhà này đã bán cho người khác vài tháng trước. Người chủ mới không biết bà Yến đi đâu, cư ngụ địa chỉ nào. Một số hàng xóm nói rằng biết câu chuyện bị kiện của bà Yến và: “Bà Yến bán nhà đi 3 tháng rồi. Đi trong đêm, bí mật thì sao biết đi đâu?”.
Phiên sơ thẩm tuyên hủy việc kết hôn giữa cụ Kham và bà Yến nhưng phiên phúc thẩm lại hủy án vì cho rằng chưa đưa các con cụ Thành vào làm người có quyền nghĩa vụ liên quan và cần giám định xem giấy đăng ký kết hôn mà cụ Ngọc trình tại tòa là thật hay giả? Vụ án lại rơi vào vòng lẩn quẩn, chưa có hồi kết. Riêng cụ Ngọc “thề sẽ theo đuổi” để đòi lại danh phận làm vợ “chính thức” có đăng ký kết hôn với cụ Kham. |