Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cặp vợ chồng trong bộ ảnh "25 năm gắn bó cánh đồng": Gặp nhau lúc 16 tuổi, yêu nhau 3 năm, mỗi năm chỉ gặp được đúng 1 lần

Chị chị em em Sau khi xuất hiện trên MXH, bộ ảnh "25 năm gắn bó cánh đồng" của cậu bạn Thạch Thanh Bình đã nhanh chóng gây sốt. Không chỉ là một bộ ảnh đẹp, dễ thương, đằng sau đó còn là cả một chuyện tình tưởng chừng như giản đơn nhưng lại vô cùng ấm áp.

 

Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình cảm của mình với gia đình. Và với cậu bạn Thạch Thanh Bình, không gì thiêng liêng hơn những khoảnh khắc được thể hiện qua chính góc nhìn của mình. Sau khi xuất hiện vào cuối tuần qua, album "25 năm gắn bó cánh đồng" ghi lại những hình ảnh gần gũi nhưng vô cùng đáng yêu của bố mẹ cậu bạn này đã nhanh chóng gây sốt trên MXH.

Dù background chỉ quẩn quanh trong vườn ngô sau nhà, hai nhân vật chính lên ảnh thì lấm lem bùn đất nhưng sao bộ ảnh này vẫn dễ thương đến lạ. Sự chân phương, hiền lành thể hiện qua từng hành động vô tư của hai cô chú khiến ai cũng cảm thấy có chút nhẹ nhàng, ấm áp.

Để hiểu hơn về chuyện tình đặc biệt của cặp đôi này, chúng tôi đã lặn lội về đến Sóc Trăng - gia đình của Bình nhằm có dịp trò chuyện với hai nhân vật chính.

Đi xe gần 6 tiếng đồng hồ từ Sài Gòn về tới Sóc Trăng, đã vậy lại còn gặp phải cơn mưa dai dẳng đậm chất miền Tây nhưng mọi mệt mỏi như thể tan biến ngay khi chúng tôi được gặp cô Triệu Kiều Thanh và chú Thạch Thượng - bố mẹ Bình, đồng thời cũng là nhân vật chính trong bộ ảnh đang được chia sẻ nhiệt tình suốt mấy ngày qua.

 

Có gặp rồi mới biết, hoá ra đây không chỉ là một bộ ảnh đẹp hay dễ thương mà đằng sau nó còn là cả một chuyện tình thú vị. Giản dị thôi nhưng là thứ mà có người đi tìm cả đời vẫn không thấy.

Yêu nhau 3 năm, mỗi năm thấy mặt nhau chỉ được một lần. Bao thương nhớ gửi hết vào mùa lúa chín.

Ngôi nhà nhỏ của chú Thượng cô Thanh nằm lọt thỏm giữa vùng sông nước miền Tây. Nhà không có địa chỉ, và tất nhiên bạn sẽ chẳng thể nào tìm được vị trí chính xác của nó trên Google Maps.

Để hình dung rõ hơn về mức độ xa xôi của nơi này, hãy hình dung cảnh khi bạn mở miệng ra hỏi password wifi và tất cả mọi người đều phì cười lắc đầu. "Điện còn câu không tới lấy đâu ra mà có wifi!"

Tách biệt, heo hút là thế nhưng ngôi nhà này không hề đìu hiu hay quạnh quẽ chút nào. Trái lại, tiếng cười, sự ấm áp cùng không khí gần gũi luôn hiện hữu trong không gian nhỏ bé này.

Vì đang là thời điểm quan trọng của mùa vụ thứ 3 trong năm nên ai nấy cũng đều tất bật với công việc đồng áng, ngay cả khi mưa gió trắng trời.

Theo chân Thanh Bình, chúng tôi mon men ra cánh đồng sau nhà - nơi nuôi sống 4 miệng ăn suốt bao nhiêu năm nay, và cũng chính là nơi mà chú Thượng và cô Thanh lần đầu gặp gỡ, bắt đầu một chuyện tình kéo dài gần 30 năm.

Cô chú có thể chia sẻ hai người đã gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh nào không?

Cô Thanh: Cô nhớ đó là hồi năm cô 16 tuổi, còn ổng thì 18. Nhà nghèo nên cả hai đều nghỉ học sớm để đi làm ruộng phụ giúp gia đình. Lúc đó cô từ xa đến đây để lượm lúa, mót lúa, còn chú thì trông trâu cho nhà. Chú thấy cô từ xa, cũng ga-lăng phụ cô một tay để làm quen, rồi sau đó nói chuyện qua lại với nhau rồi cười cười.

Hồi đó nhà xa, chú lại không biết đường nên mỗi năm cả hai chỉ được gặp nhau đúng một lần vào mùa vụ, mà cách đây 2-30 năm đâu có 2-3 vụ như bây giờ. Nhớ thương gì cũng gửi hết vào mùa lúa chín vậy đó. Được 3 năm thì ổng ngỏ lời với cô.

Chú Thượng: Hoàn cảnh của cả cô lẫn chú khi đó đều khó khăn. Cô nghèo, chú cũng nghèo. Thương nhau thì đến với nhau vậy thôi chứ chẳng có đám cưới gì chính thức, chỉ làm một cái nhỏ nhỏ vài mâm cho hai bên biết vậy đó. Rồi cũng không có chụp ảnh luôn, nên không có ảnh cưới gì hết.

 

 

Ai là người đã chủ động làm quen khi đó?

Cô Thanh: Chú chứ ai nữa, cô là con gái, cũng phải biết giữ giá chút chứ! *cười lớn* Ngày nào cũng phải lại chỗ cô nha, đặng lượm lúa dùm cô. Nhưng mà đâu phải một lần là cô quen đâu, phải nhiều lần cô mới chịu à nghen!

Ở thời điểm đó, điều đáng yêu nhất mà cô chú nhìn thấy ở người kia là gì?

Chú Thượng: Thanh niên trai trẻ thấy gái thì mình tỏ lòng làm quen vậy thôi, tánh nết thấy cũng hiền, thấy cũng được rồi mới để ý xong thương "quài" vậy đó. Lúc đầu cũng không hy vọng gì. Nhưng sau đó thấy người ta tin tưởng nên mình cũng tin tưởng người ta, để ý qua lại rồi giữ tình cho nhau vậy đó.

Tới năm thứ ba gặp lại, muốn tới nhà một lần cho biết mà lúc đó người ta thì đi ghe chèo, còn chú thì hổng biết chèo đâu, biết chống không à, không lẽ mình để người ta chèo cho mình ngồi, thôi rút cây chèo ra chống đại haha. Đi tới nhà thì cũng tối rồi, thấy cha mẹ bên vợ cũng thương mình, đối đãi lời lẽ cũng tốt. Vậy là tiến tới luôn.

Cô Thanh: Nhìn ổng bùn đất lấm lem vậy thôi chứ đẹp trai lắm đó. Hồi đó cô ấn tượng bởi cái vẻ đẹp trai của ổng.

 

 

Không điện thoại, cũng chẳng có phương thức liên lạc nào hiện đại, mỗi năm chỉ được gặp gỡ nhau một lần. Làm cách nào cô chú có thể giữ được tình cảm của mình với đối phương?

Cô Thanh: Nói sợ mọi người cười chứ thiệt tình cô chú không nghĩ gì đâu. Chỉ biết thương thầm, nghĩ về nhau rồi tin tưởng thôi. May sao người ta cũng thương mình, tin mình nên đến được với nhau.

Ngày đó không có được một đám cưới đàng hoàng, vậy có bao giờ cô chú nghĩ sau này nếu có điều kiện kinh tế ổn định hơn, cả hai sẽ làm một "đám cưới muộn" bù lại không?

Cô Thanh: Không, giờ cưới gì nữa. Già rồi con ơi! *cười lớn*

Chú Thượng: Nói ra thì cũng hơi mắc cỡ chứ chú vẫn mong nếu sau này nếu khá giả hơn một chút thì sẽ làm một cái đám cưới nho nhỏ gọi là có kỉ niệm với cho con cháu nó mừng. Mà tính thì tính vậy thôi chứ cũng chưa biết chừng nào mới được vì giờ cũng lớn tuổi rồi, điều kiện kinh tế cũng không xông xênh như người ta. Nói chơi thôi chứ gặp nhau tới tuổi này rồi, thôi thì thôi rồi, gặp thì gặp rồi.

 

Gặp nhau lúc 16 tuổi, lấy nhau khi chỉ mới 19 tuổi. Có bao giờ cô chú cảm thấy việc kết hôn khi còn quá trẻ là một quyết định vội vàng không?

Chú Thượng: 2-30 năm trước thì 18, 19 tuổi nghĩ đến chuyện lập gia đình là vừa rồi đó. Không giống như bây giờ. Lúc đó chú nghĩ đơn giản lắm, thương nhau thì về chung một nhà lẹ lẹ rồi còn lo chuyện làm ăn nhà cửa nữa. Bao nhiêu năm nay vẫn sống hạnh phúc nè, đâu có hối hận hay gì đâu!

Cái tính mà cô chú thương & ghét nhất ở đối phương là gì?

Cô Thanh: Để cô nói trước. Cô thích chú ở cái điểm là hiền, biết lo gia đình, biết thương vợ thương con. Còn ghét nhất là chú uống rượu cô ghét.

Chú Thượng: Chú thương cô ở chỗ biết lo toan công việc trong gia đình vậy đó, dạy con tốt đẹp, kêu làm chuyện này chuyện kia thì cũng đúng đắn, cái nết cũng cần cù chịu khó nữa.

Nhỏ lớn có biết chụp hình là gì đâu nên ngại lắm. Chỉ sợ mình tay lấm chân bùn mà lên Facebook thì người ta lại cười.

Nhìn những bức ảnh trong bộ ảnh "25 năm gắn bó với cánh đồng", hẳn bạn cũng có thể cảm nhận được tình yêu bố mẹ của Thạch Thanh Bình - con trai thứ của chú Thượng, cô Thanh. Từng bức ảnh đều vô cùng giản dị, chân thực và dạt dào tình cảm, người chụp nó lại chẳng phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, thế nhưng đã gói ghém hết cả câu chuyện của gia đình mình ở đó.

Gia đình Bình gồm 4 người, ngoài bố mẹ thì Bình còn một người chị nữa tên là Yến. Bình sinh năm 1995, hiện đang đi học xa, là sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Còn chị gái Bình lấy chồng ở xa, chỉ về nhà khi tới mùa gặt. Tranh thủ hai ngày cuối tuần, Bình và chị gái mình đều về thăm gia đình, đồng thời "xem ba mẹ mình lần đầu được phỏng vấn." Yến lớn hơn Bình 2 tuổi, chị chia sẻ: "Buổi sáng đó Bình nó nói chị lên mạng đọc báo đi. Mình đọc xong mà ngồi dưới bếp khóc nức nở không nói nên lời. Xúc động lắm!"
Dù đã nhiều lần nghe chuyện của ba mẹ mình nhưng đến lúc thấy cả hai quàng tay nhau ngồi hồi tưởng lại những chuyện đã hơn 2-3 thập kỉ, cả hai chị em đều không giấu nổi sự xúc động. Ánh mắt của cả hai khi đứng trong góc nhà rơm rớm nhìn ba mẹ mình đã phần nào nói lên được những tình mà họ ít khi có dịp nói thành lời.

Khi nhận được lời đề nghị chụp bộ ảnh từ Bình, cô chú đã phản ứng như thế nào?

Cô Thanh: Cô thì đồng tình vì muốn con vui. Còn chú thì mắc cỡ ngại ngại, cô phải kéo đi nằng nặc đòi đi cùng ổng mới chịu đó.

Chú Thượng: Cũng mắc cỡ lắm tại biết sao hông, sợ lên Facebook người ta mở thấy mình quê lắm. Mình tay lấm chân bùn mà chụp ảnh này nọ nhiều khi bà con người ta nói mình đua đòi. Mà thôi nghĩ lại thấy con nó cũng nhiệt tình năn nỉ nên chú cũng ráng. Chứ bình thường thì còn lâu.

 

Sau khi xuất hiện trên MXH, bộ ảnh này đã được rất nhiều người yêu thích. Cô chú có biết điều này không?

Cô Thanh: Có chứ! Cái buổi sáng mà bộ ảnh được lên báo, xong mọi người khen, chị hai nó lên mạng đọc xong khóc quá trời. Cô vừa về không biết gì, nghe mấy đứa nhỏ đọc lại mà mắt mũi cũng đỏ hoe. Thấy vậy cũng mừng cho nó lắm. Mình khổ quá mà, nhưng được mọi người quan tâm, được chia sẻ thì cũng cảm thấy vui.

Những gia đình ở quê thường thích con mình có tấm bằng Đại học rồi tìm một công việc ổn định để làm. Trong khi đó theo như lời Bình chia sẻ thì cô chú rất ủng hộ việc con mình theo đuổi nhiếp ảnh – một công việc thường bị coi là bấp bênh?

Cô Thanh: Thì tại vì thương con nên con thích nghề nào thì mình chiều nghề đó. Chú thì không có biết là con thích nghề nào. Chú hay bận đi ruộng nên ít nói chuyện với Bình, mỗi khi có chuyện gì nó đều tâm sự với mẹ. Làm cha làm mẹ cô cũng không muốn khó khăn với con mình. Ép uổng cũng đâu được gì. Thôi thì làm gì cũng được, miễn sao nó vui vẻ, hạnh phúc là được.

 

 

 

Nuôi chó không phải là chuyện lạ, nhưng nuôi đến 10 con chó thì đúng là hơi khác so với bình thường. Tại sao cô chú lại quyết định nuôi nấng 10 thành viên đặc biệt này trong nhà?

Cô Thanh: Hồi đó nhà cô chỉ nuôi 1-2 con thôi, xong rồi nó cứ đẻ dần đẻ dần. Mà con nào con nấy cũng dễ thương hết nên không nỡ cho nên thôi cứ giữ lại để nuôi. Nhà có tụi nó cũng vui. Nhất là những khi mà hai chị em nhà nó đi học đi làm xa, có mỗi cô chú ở nhà nên thấy tụi nó vui mừng quẫy đuôi, lâu lâu sủa vài tiếng cũng thấy đỡ tủi.

Chú Thượng: Thương lắm, nuôi thôi, không bao giờ làm thịt đâu!

Cuộc sống nhiều khó khăn như vậy, điều gì khiến cô chú gắn bó với nhau suốt 25 năm trời như vậy?

Cô Thanh: Nghèo khó thì phải phấn đấu chứ biết sao bây giờ. Gặp nhau đã là một cái duyên, tiền ít ăn ít tiền nhiều ăn nhiều. Cô chú cứ thương nhau vậy đó, rồi ráng sống để nuôi con cái cho nên người.

 

 

 

 

 

Người ta thường nói kinh tế, tiền bạc cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Cô chú có thấy suy nghĩ này đúng không?

Chú Thượng: Người ta nói đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn. Con thấy đó, nhà chú nghèo chứ vẫn vui vẻ hạnh phúc mà, đâu có sao đâu! Mà tính ra là giờ đỡ lắm rồi chứ hồi đó còn cực dữ nữa.

Nếu có được một điều ước cho cuộc sống hiện tại, cô chú sẽ ước gì?

Chú Thượng: Chú chỉ mong con cái mình đi đâu được người ta thương tới đó. Có bạn bè thì phải biết quý mến người ta. Được vậy thôi là mừng lắm rồi.

Cô Thanh: Cô thì mong thằng Bình làm việc chăm chỉ rồi mua cho ba một cái ti vi lớn để ba coi phim lẻ vậy thôi à. Ông này ổng ham coi phim lắm mà cái tv nhà cô thì cũ lắm rồi chẳng còn dùng được nữa.

Cảm ơn cô chú rất nhiều về buổi trò chuyện này!