Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Xã ký khống hơn 100 hộ dân lấy tiền hỗ trợ nhà vệ sinh

Hàng trăm hộ dân không ký vào danh sách xây nhà vệ sinh, nhưng xã vẫn lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký để nhận hàng trăm triệu đồng.

Năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh triển khai dự án nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 4 xã, trong đó có xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp triển khai.

 Ông Hà Văn Nhàn bất ngờ khi có tên trong danh sách đăng ký làm nhà vệ sinh dù không đăng kí

Được hưởng lợi từ dự án này là các hộ nghèo và cận nghèo.

Xã Kỳ Tây được nhận 200 triệu đồng, trong đó trích ra 30 triệu đồng làm công tác tuyên truyền.

170 triệu đồng còn lại được chia đều cho 170 gia đình nghèo, cận nghèo do xã lập danh sách bầu chọn.

Không hiểu sao có tên nhận tiền

Rất nhiều hộ dân không mặn mà với dự án này, nhưng với mục đích lấy được số tiền 170 triệu đồng, chính quyền xã Kỳ Tây đã lập danh sách, ký khống rồi gửi lên để nhận tiền và “ỉm” luôn suốt 3 năm nay.

Cụ Hà Văn Nhàn (78 tuổi, trú tại thôn Đông Xuân) cho biết: “Năm 2014 xã tổ chức họp nói về dự án xây nhà vệ sinh được hỗ trợ tiền, nhưng bao nhiêu thì cán bộ không nói. Tôi nói không có tiền nên không đăng ký, thế mà không hiểu sao vẫn có tên trong danh sách nhận tiền” - ông Nhàn nói.

Không chỉ lập khống hồ sơ các hộ nghèo và cận nghèo cho vào danh sách, chính quyền xã còn đưa cả những hộ khá giả hoặc gia đình đã làm nhà vệ sinh trước đó vào danh sách hỗ trợ.

 Bà Nguyễn Thị Sính chuẩn bị làm nhà vệ sinh sau khi được chính quyền xã vận động, lúc này việc giả chữ kí lấy tiền 3 năm trước đã vỡ lở

Anh Đặng Đình Lưu (trú thôn 5) cho hay, anh xây nhà cùng với nhà vệ sinh từ năm 2006, nhưng không hiểu sao vẫn được đưa vào danh sách.

Sự việc bung bét, anh Lưu và nhiều hộ dân khác được xã mời lên nhận tiền hỗ trợ.

Biết sai nhưng vẫn làm

Sáng 13/9, ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Tây thừa nhận: “Chính quyền xã đã lập hồ sơ và tổ chức ký khống chữ ký của người dân để nhận số tiền 170 triệu đồng từ dự án”.

Ông Thắng phân trần, giai đoạn đầu triển khai dự án, do ít người dân đăng ký làm nhà vệ sinh nên chính quyền xã mới lập hồ sơ, ký khống cho đủ chỉ tiêu mới nhận được tiền.

 Trụ sở xã Kỳ Tây

“Nếu không đủ số người đăng ký thì sẽ không được nhận, nên chúng tôi mới lập và ký khống giấy tờ như thế. Tiền nhận về để trong ngân quỹ rồi mới vận động người dân làm từ từ, chính quyền biết sai nhưng vẫn làm vì nghĩ lợi cho dân” - ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, đến nay, xã đã chi trả tiền hỗ trợ cho 110 hộ dân. Còn 60 hộ mặc dù có trong danh sách đăng ký ban đầu nhưng họ không muốn làm thì xã sẽ tiếp tục vận động để chi trả hết số tiền trên.

Khi đặt câu hỏi, trong suốt 3 năm, số tiền hơn 100 triệu đồng không chi trả cho người dân thì dùng vào việc gì, ông Thắng cho hay, vẫn để nguyên trong quỹ ngân sách của xã.

Tuy nhiên, khi đề nghị cung cấp hồ sơ chứng minh thì ông Thắng từ chối.

Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy cho hay, hiện đang giao các phòng chuyên môn nắm thông tin, sau đó báo cáo lãnh đạo huyện để có hướng xử lý.

“Đã lập hồ sơ, ký khống là không đúng, hơn nữa đây là vấn đề hỗ trợ cho người nghèo nên sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm. Quan điểm của huyện là không bao che, sai phạm đến đâu sẽ xử đến đó” - ông Thủy nói.