Lạ lùng cụ ông quá cố bị yêu cầu...bỏ vợ 3
- 07:45 19-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xét thấy cấp sơ thẩm không đưa 7 người con của vợ đầu vào vụ kiện với vai trò là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, chưa thẩm định hôn thú giữa cụ Tôn Thất Kham (đã mất) và vợ hai là cụ Trương Thị Mỹ Ngọc (87 tuổi, quận 11, TP.HCM) là thật hay giả nên ngày 18/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hủy bản án sơ thẩm giải quyết yêu cầu của cụ Ngọc về việc "hủy kết hôn trái pháp luật" của chồng người vợ thứ ba là bà Tào Yến.
Bà Hiền được mẹ ủy quyền tới tòa |
Theo đơn yêu cầu của cụ Ngọc, cụ sống với cụ Kham (90 tuổi, đã mất) từ năm 1953 và có lập giấy giá thú tại phường Đệ Nhất, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Về sau, ông bà chuyển vào Sài Gòn sinh sống tại đường Dạ Nam, quận 8, và có 10 người con.
Trước khi kết hôn với cụ Ngọc, cụ Kham đã sống với cụ Thành (mất năm 1997) và có 7 con chung.
Năm 2013, sau khi chồng mất, cụ Ngọc phát hiện ông đã bí mật đăng ký kết hôn với bà Tào Yến tại UBND phường 7, quận 6, từ năm 2000.
Cũng theo đơn của cụ Ngọc, cụ sống với cụ Kham cho đến khi chồng chết và chưa từng ly hôn. Trước đây, cụ nghĩ bà Tào Yến là người làm công đến sống cùng nhà nên không quan tâm. Tuy nhiên, việc chồng cụ bí mật kết hôn với bà Yến là trái pháp luật. Việc này phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của cụ và các con.
Tháng 12/2016, TAND quận 6 đã mở phiên họp để giải quyết yêu cầu của cụ Ngọc. Trình bày tại tòa, bà Yến cho hay mình không phải là người làm công mà cả hai nảy sinh tình cảm với nhau từ năm 1987 và đến năm 1990 thì bà về sống với cụ Kham. Tiếp đó đến năm 2000, cả hai đăng ký kết hôn và từ đó đến nay không ai phản đối cuộc hôn nhân của họ.
Thời gian chung sống, bà nghe chồng nói trước đó sống với 2 bà khác nhưng chưa từng đăng ký kết hôn. Bà và ông Kham có con chung nay đã 9 tuổi. Bà không đồng ý với yêu cầu của cụ Ngọc vì cho rằng hôn nhân của mình là hợp pháp.
Căn cứ vào hướng dẫn của TAND Tối cao, VKSND Tối cao về thi hành một số điều của luật hôn nhân gia đình, xác định người chưa đăng ký kết hôn nhưng đã xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước năm 1987, thì được xem là "đang có vợ có chồng". Trong khi đó, bà Yến và cụ Kham đăng ký kết hôn năm 2000 - thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, cấm việc kết hôn trong trường hợp "đang có vợ có chồng".
"Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ và lời khai của những người liên quan, tòa sơ thẩm xác định quan hệ giữa bà Ngọc và ông Kham đã xác lập quan hệ vợ chồng. Việc bà Tào Yến đăng ký kết hôn với ông Kham là trái pháp luật", bản án sơ thẩm nêu rõ.
Vì vậy, TAND quận 6 đã tuyên hủy kết hôn giữa bà Yến và cụ Kham. Không đồng tình với phán quyết này, bà Yến đã làm đơn kháng cáo.
Có mặt, đại diện UBND phường 7, quận 6 (nơi làm thủ tục đăng ký kết hôn cho cụ Kham và bà Yến) khẳng định thủ tục đăng ký kết hôn cho bà Tào Yến và ông Kham là đúng pháp luật. Đơn vị này không có ý kiến về yêu cầu của cụ Ngọc và đề nghị tòa giải quyết theo pháp luật.
Tại phiên họp hôm nay, các bên giữ nguyên quan điểm. Sau khi nghị án, Hội đồng phiên họp phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm, giao cho cấp dưới xác minh và giải quyết lại.
Theo con gái của cụ Ngọc là bà Tôn Nữ Thị Minh Hiền (người được cụ Ngọc ủy quyền tham dự phiên họp) cho hay, sau khi ba mẹ bà lấy nhau, cả hai đã từ Nha Trang vào TP.HCM mua nhà trên đường đường Dạ Nam, quận 6 để sinh sống.
Lúc này, bà Thành (người vợ đầu nhưng không đăng ký kết hôn với cụ Kham) đến ở và phát hiện cụ Ngọc tham gia cách mạng nên đã đe dọa, khống chế (thời điểm này đang thuộc chế độ Mỹ- Ngụy) nên cụ Ngọc buộc phải để bà Thành ở lại nhà mình, sau đó bị o ép quá đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống.
Sau đó, bà Thành thuê bà Yến tới làm giúp việc, khi bà Thành chết, bà Yến đã bí mật kết hôn với cụ Kham và được cụ Kham làm thủ tục cho tặng ngôi nhà trên đường Dạ Nam. Vì vậy, theo bà Hiền việc đăng ký kết hôn này là trái pháp luật, ảnh hưởng tới việc thừa kế tài sản của cụ Kham để lại nên cụ Ngọc mới có đơn yêu cầu "hủy kết hôn trái pháp luật".