Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh lớp 9 tự tử: Sao lại phủ nhận sạch trơn điểm số?

Từ thông tin một cháu bé nhảy lầu tự tử vì bị điểm 3 môn Anh văn, một Facebooker nổi tiếng đã thể hiện quan niệm phủ nhận yếu tố điểm số trong học tập, thậm chí kết luận “điểm số đã làm chúng ta tiến hóa ngược”. Liệu có nên nhìn nhận cực đoan như vậy?

Trước tiên, cần nhận thức rằng nền giáo dục ở bất kỳ nơi đâu cũng thực hiện việc đánh giá học sinh chứ không phải chỉ có ở VN.

Dù các tiêu chí và cách thức đánh giá ở mỗi nền giáo dục có thể khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là định lượng thành tựu học tập của học sinh. Mà hễ đã có đánh giá thì đương nhiên phải có so sánh thứ bậc và xếp hạng. Trừ khi bạn chọn hình thức homeschooling (học tại nhà) cho con, còn đã đưa đến trường thì phải chấp nhận thực tế là con sẽ được đánh giá, xếp loại.

Điểm số, vì vậy chỉ là thể hiện một hình thức đánh giá.

Về bản chất, nó cũng tương tự như cách xếp hạng A, B, C, D hoặc tính phần trăm đạt được theo cách đánh giá ở nền giáo dục của nhiều nước phương Tây (mặc dù tôi đã từng lên tiếng không đồng tình với việc đánh giá bằng cách cho điểm tuyệt đối theo thang điểm 10 hoặc 5 của một số nước như VN hay Nga bởi nó thiếu sự nhân văn và tính khoa học - nhưng đó lại là một chủ đề khác và xin phép sẽ đề cập vào dịp sau).

Cho nên, xin đừng cực đoan trong việc nhìn nhận yêu cầu đánh giá, xếp hạng ở trường học.

Bản thân giáo dục, từ thuở sơ khai đã nảy sinh và tồn tại nhu cầu đánh giá vì việc phân loại học sinh để thực hiện thành công mục tiêu giáo dục là điều cần thiết.

Xét về phương diện khoa học, mỗi cá nhân học sinh cũng là một bản thể mang sắc thái riêng, có khả năng tiếp thu kiến thức và cảm xúc tâm lý khác nhau. Đánh giá học sinh, vì thế không phải là một công cụ để loại bỏ các em mà là để giúp nhà trường hiểu được năng lực của từng học sinh nhằm giúp các em học tập có hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế, khi cha mẹ và nhà trường hiểu sai mục tiêu của yêu cầu đánh giá học sinh sẽ dẫn đến những lệch lạc đáng lo ngại.

Đặc biệt trong những nền giáo dục còn nặng tính hình thức như ở VN thì việc đánh giá học sinh lại có thể trở thành tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh đam mê thành tích lây lan.

Việc coi trọng điểm số, suy cho cùng, đó là hậu quả chung của một xã hội mà mục tiêu và phương pháp giáo dục đã bị định hướng méo mó ngay từ đầu.

Vấn đề của chúng ta là phải chữa căn bệnh đó cho cha mẹ và nhà trường bằng các "phác đồ điều trị" phù hợp chứ không phải là tẩy chay việc sử dụng công cụ đánh giá học sinh.

Ở một góc độ khác, người viết cũng thể hiện sự mâu thuẫn khi vừa kêu gọi phải cho con trẻ được quyền thất bại, lại vừa muốn phủ nhận vai trò của điểm số.

Không có phương tiện đánh giá thì làm sao có thể biết được mức độ năng lực của trẻ, và vì thế, cách nào để cho con thấy được con đang thành công hay thất bại?

Vấn đề tạo ra sự khác biệt ở đây chỉ là người lớn chúng ta sẽ xem điểm số là mục đích hay phương tiện?

"Học để sống", nhưng chính cuộc sống với muôn vạn sắc thái phức tạp cũng yêu cầu các bậc cha mẹ phải chuẩn bị tâm thế cho con mình bước vào đời từ chính việc học tập của chúng ngày hôm nay.

Nhà trường như một xã hội thu nhỏ, vì thế, hãy giúp con hình thành kỹ năng và kiểm soát cảm xúc để đối đầu với mọi thử thách trong việc học tập mà ở đó có cả thành công và thất bại.

Ở đó ngày hôm qua con có thể được điểm 10 nhưng ngày hôm nay vì thiếu nỗ lực nên con có thể bị điểm 3, và bởi thế con phải hiểu rằng việc đánh giá ở trường là một chuyện bình thường, để mỗi khi bị điểm kém hay xếp hạng thấp hơn bạn bè thì đừng xem đó là điều bất công.

Sau này, khi bước vào ngưỡng cửa đại học hay kể cả khi đã ra trường đi làm, con sẽ còn phải tiếp tục đương đầu với những hệ thống đánh giá khác cùng những thang bậc giá trị mới.

Áp lực về việc phải khẳng định năng lực và bản lĩnh của mình luôn là một điều có thật trong cuộc sống. Chúng ta không thể dang tay che hết mọi thử thách cho con và khi con phải đối diện với thử thách thì lại giải quyết bằng việc kêu gọi phủ nhận hay chống lại các quy luật của cuộc sống.

TS Laura Schlessinger - người dẫn chương trình và là nhà hoạt động xã hội người Mỹ, tác giả trang web DrLaura.com - từng có một lời khuyên nổi tiếng dành cho các bậc cha mẹ:

"Don't rescue your child from a challenge.Teach them how to face it" (tạm dịch: Đừng giải cứu con của bạn khỏi thử thách. Hãy dạy chúng cách đối phó với nó như thế nào).

Vì thế, hãy dạy cho con biết chấp nhận cả điểm cao cũng như điểm thấp ở trường bởi đó chính là thể hiện sự đánh giá cần thiết về khả năng và nỗ lực của con.

Thái độ ứng xử và cách cha mẹ đồng hành cùng con trong việc tiếp nhận kết quả điểm số ở bất kỳ mức độ nào mới là tác nhân quan trọng giúp con thành công, không chỉ trong việc học tập ngày hôm nay mà còn trong cả tương lai mai sau.

Tác giả: Nguyễn Thị Kiều Oanh(Chủ tịch Hội đồng quản trị hệ thống trường quốc tế Canada)

Nguồn tin: Báo VietNamNet