Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Có điên Hà Văn Thắm mới giúp Nguyễn Xuân Sơn đoạt tiền của mình'

Luật sư của Hà Văn Thắm nói: Thắm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền của mình, điều này có nghe được không? Đây là hành động của người bị điên.

Sáng nay, tại phiên xét xử đại án Oceanbank, LS của Hà Văn Thắm bào chữa cho thân chủ vì cáo buộc phạm tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội Tham ô.

LS Nguyễn Huy Thiệp nêu: Bây giờ vội vàng quy kết Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng, rồi một ngày đẹp trời, 3 công ty thuộc PVN vừa bị khởi tố có kết quả điều tra.

Khi đó, các bị cáo đều thừa nhận đã nhận tiền của Oceanbank thì sao? Án đã thi hành rồi, hậu quả của sự vội vàng là không tránh khỏi.

 Hà Văn Thắm. Ảnh Phạm Hải

LS cho rằng: Theo cáo trạng, bị cáo Sơn bị truy tố 2 tội Tham ô tài sản và tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản vì Sơn nhận 246 tỷ đồng từ Oceanbank và 69 tỷ từ công ty BSC để chăm sóc khách hàng. Thắm cũng bị truy tố với 2 tội danh này với vai trò đồng phạm.

Việc cáo buộc bị cáo Sơn chiếm đoạt 246 tỷ đồng là do bị cáo này không khai số tiền nhận từ Thắm đã được ông ta sử dụng như thế nào, chi cho ai.

Theo LS, việc nhận tiền là theo chủ chương chăm sóc khách hàng. Hành vi của Sơn giống các hành vi của các bị cáo khác cùng tội danh Cố ý làm trái. Hành vi không khác nhau, nhưng riêng Sơn bị truy tố tội khác là điều khó chấp nhận.

Tại phiên tòa, bị cáo Sơn đã thừa nhận việc chi cho ai và chi như thế nào. Như vậy, về bản chất, hành vi của bị cáo Sơn không khác các bị cáo bị cáo buộc tội Cố ý làm trái.

Nhận sai để tồn tại hay nhận đúng để chết

Vẫn theo quan điểm của LS, trong bối cảnh lúc bấy giờ, các bị cáo phải lựa chọn giữa việc nhận sai để tồn tại hay nhận đúng để chết. Việc chi chăm sóc khách hàng là vì lợi ích chung chứ không phải để gây thiệt hại cho tổ chức mình đã phục vụ.

Việc Thắm phải chi tiền cho Sơn để Sơn chủ động chi chăm sóc khách hàng PVN được kết luận điều tra bổ sung xác định: "Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế của PVN, lợi dụng cơ chế, chính sách chi lãi ngoài, sự phụ thuộc của Oceanbank và nguồn tiền gửi huy động được từ PVN". Kết luận điều tra cũng ghi nhận: "Hà Văn Thắm chỉ thỏa thuận với Nguyễn Xuân Sơn về việc Oceanbank chi tiền cho Sơn để Sơn sử dụng chi lãi ngoài cho khách hàng khi huy động vốn... Việc Sơn sử dụng chiếm đoạt cá nhân, Thắm không biết".

 

Theo LS, kết luận của CQĐT như vậy, rõ ràng đã kết luận Thắm không biết việc Sơn chiếm đoạt. Mà không biết thì sao chung ý chí được?

 Luật sư của Hà Văn Thắm. Ảnh Minh Quang

Mặt khác, Thắm đồng tình giao tiền cho Sơn để chi lãi ngoài cho nhóm PVN theo đề nghị của Sơn, nhằm huy động tiền gửi. Nếu Sơn không chi cho khách hàng tiền gửi mà chiếm đoạt là Sơn đã lừa dối Thắm. Mà người bị lừa dối không thể đồng phạm với người lừa dối mình.

Hơn nữa, Thắm không được hưởng lợi gì từ việc để Sơn chiếm đoạt số tiền này (nếu có). Ngược lại, nếu tiền chi chăm sóc khách hàng không đến với họ thì đương nhiên khách hàng không gửi tiền vào Oceanbank nữa, thậm chí sẽ rút tiền đã gửi để gửi sang ngân hàng khác. Như vậy lại gây thiệt hại cho chính Thắm, vì Thắm sở hữu tới 62,97% cổ phần.

"Như vậy Thắm giúp sức cho Sơn chiếm đoạt tiền của mình, điều này có nghe được không?... Đây là hành động của người bị điên", lời LS Thiệp.

Đối với khoản tiền 69 tỷ Sơn nhận qua công ty BSC, LS Thiệp đưa ra quan điểm: Không có khách hàng nào kêu là bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Vậy lý do gì buộc người ta là người bị thiệt hại?

LS khẳng định: Công ty BSC do Thắm là chủ sở hữu. Sơn dùng tiền nhận từ BSC, không chi chăm sóc khách hàng mà dùng để chiếm đoạt thì việc này không có lợi cho Thắm, gây thiệt hại cho chính Thắm. Vậy Thắm đồng phạm với Sơn để làm gì? Để chiếm đoạt tiền của mình? Điều này không thể xảy ra.