Bão Doksuri mạnh thế nào
- 16:38 14-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo bản tin mới nhất lúc 11h trưa 14/9, chỉ trong ba giờ sáng nay, bão Doksuri (bão số 10) đã mạnh lên một cấp, thành cấp 11 với sức gió tối đa (100 đến 115 km/giờ). Khoảng trưa đến chiều mai (15/9), bão sẽ đi vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng đánh giá Doksuri là cơn bão mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai 4, cao nhất từ năm 2014 tới nay. Cấp độ này được đưa ra với bão mạnh cấp 10-11 hoạt động trên đất liền Nam Bộ; bão cấp 12-15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền Bắc Bộ, Trung Bộ và siêu bão từ cấp 16 trở lên ở biển Đông (gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
Ảnh vệ tinh hai cơn bão Talim (bên phải) và Doksuri (bên trái) đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. So sánh tương quan, Talim đang rất mạnh, mắt bão to, sắc nét. |
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết nếu theo cấp độ này thì năm 2013 Việt Nam đã có hai cơn bão đạt cấp độ rủi ro thiên tai 4 (bão Wutip và Nari) và một lần cấp 5. Thời điểm bão Haiyan đi qua Phillippines và cập sát đất liền Việt Nam (11/2013), bão đạt cấp độ 5.
So sánh với siêu bão Harvey, Irma ở Mỹ, ông Hải cho rằng hai cơn bão này đạt đến Cat 4-5 (sức gió tối đa từ 209 km/h trở lên) theo cách dự báo của người Mỹ, trong khi Doksuri đạt Cat 3.
"Như vậy Doksuri là cơn bão rất mạnh, sức gió đạt cấp 11-12, giật cấp 15, còn khả năng đạt như Harvey hay Irma là không có", ông Hải nói.
Bốn điểm chú ý ở bão Doksuri
Thứ nhất, cấp độ gió bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sức phá hoại cực kỳ lớn, nhiều công trình hư hỏng.
Thứ hai, bão nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nên kích thước rất lớn. Phạm vi có gió mạnh cấp 6 từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi; gió cấp 10 từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và cấp 10-11 Hà Tĩnh - Quảng Bình.
Bão sẽ gây mưa diện rộng, kéo dài từ nam đồng bằng Bắc Bộ, một phần Tây Bắc Bộ đến toàn bộ các tỉnh Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế và lan sang cả Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên.
Thứ ba, sóng biển vùng tâm bão có thể cao 10 m, vùng ven bờ 5-6 m. Bão đổ bộ đúng lúc thủy triều dâng nên ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng có thể cao 1m, ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2 m.
Cuối cùng, các nhà dự báo khí tượng, hải văn lo ngại hiện tượng nước rút trong bão. Ven biển từ Nghệ An đến Quảng Trị khi có bão mạnh vào gần đất liền, đới gió thổi từ lục địa vào tâm bão có thể đẩy nước vùng ven bờ ra ngoài khơi, tạo ra hiện tượng nước rút.
Sau đó khi bão đổ bộ, nước dâng cao trở lại, mức độ tàn phá do đó sẽ rất lớn.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sớm 13/9 bão Doksuri vượt qua quần đảo này, trở thành cơn bão thứ 10 ở biển Đông, mạnh cấp 8 (tối đa 75 km/h). Trước đó 9 cơn bão hầu hết được hình thành ngay trên biển Đông, cường độ yếu; hoặc xuất phát từ phía đông Philippines và hướng về Trung Quốc. Các cấp độ gió bão: Bão cấp 10 gây gió mạnh 89-102 km/h, làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Biển động dữ dội làm đắm tàu thuyền. Bão cấp 11 gây gió mạnh 103-117 km/h, mưa rất to, gây ngập úng, sạt lở đất có lũ quét và lũ ống ở vùng cao, vùng trũng. Bão cấp 12 gây 118-133 km/h, gây nguy cơ vỡ đê không kiên cố. |