Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhất định phải mua ôtô, người Việt có đang bảo thủ?

Đi xe hơi ở Việt Nam gặp nhiều rủi ro, nhiều người nghĩ ôtô là phương tiện văn minh hoặc thể hiện bản thân.

Dạo qua một vòng các topic về việc có nên giảm giá ôtô hoặc ôtô có nên là phương tiện chính ở Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người có tư duy rất cụt và bảo thủ về vấn đề này. Cụ thể tôi xin liệt kê ra một số ý kiến như sau:

1. Ôtô là phương tiện của văn minh?

Tôi muốn hỏi dựa vào đâu để kết luận ôtô là phương tiện của văn minh, còn xe máy, xe bus thì không? Văn minh vốn dĩ là một tính từ thể hiện lối sống của con người mà nay lại được gán cho một chiếc xe là điều hoàn toàn không hợp lý. Tôi nhớ thời Việt Nam mới mở cửa, lúc giá xe máy còn cao, nhiều người cũng kêu gào đòi giảm giá xe máy vì đó là phương tiện của văn minh.

Đến bây giờ lúc xe máy đã đại trà thì thế nào? Ai thường đi qua ngã tư Hàng Xanh dịp tết, dễ thấy nhiều ôtô còn treo bọc đựng gia cầm, ở ngoài sau xe. Nên tôi nghĩ, văn minh nằm trong bản chất của mỗi con người. Nếu bạn văn minh, dù đi xe đạp bạn cũng văn minh. Một đô thị văn minh là một nơi tập hợp những người có lối sống văn minh, phù hợp với chuẩn mực xã hội, chứ không phải được đánh giá dựa trên phương tiện giao thông. Nội chuyện nhiều bác tôi thấy lái xe mà để con không cài dây an toàn, bỏ mặc an toàn của con cái chỉ vì chút niềm vui của tụi nhỏ là tôi đủ thấy không văn minh rồi.

2. Dùng ôtô để thúc đẩy việc phát triển hệ thống đường sá ở Việt Nam?

Ý tưởng rất hay nhưng tôi không thể ủng hộ vì xin hỏi quỹ đất ở đâu ra để mở rộng đường sá? Xây lên cao? Xây ngầm dưới đất? Tất cả đều không khả thi vì chẳng ai xây dựng cả một hệ thống có quy mô ngang ngửa như trên mặt đất cả. Mở rộng đường, thêm ít nhất hai làn xe mỗi chiều? Nếu vậy phải đập hết lề đường và nhà mặt tiền thì may ra mới đủ đất. Và khi số lượng phương tiện tăng lên lại phải tiếp tục đập để mở rộng đường? Vậy xin hỏi phải đập, phải xây đến bao giờ?

3. Tắc đường là chuyện của Hà Nội và Sài Gòn, các tỉnh thành khác rộng đường sao lại hạn chế ôtô?

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra ở 60 tỉnh thành khác khi 60% xe máy biến thành ôtô? Điều gì dám đảm bảo là sẽ không tắc đường? Hiện nay mới chỉ tắc ở hai thành phố mà còn chưa tìm ra cách giải quyết, các bác muốn tắc hết trên cả nước thì mới vừa lòng?

4. Tắc đường ngồi trên ôtô vẫn sướng hơn xe máy?

Đúng, nhưng nếu bác nào đang ở nước ngoài như tôi, đường sá, giao thông tốt hơn Việt Nam rất nhiều mà giờ tan tầm còn kẹt 3-4 tiếng thì sẽ thấy nó khổ thế nào. Tôi cũng đã từng bị kẹt xe máy ở Việt Nam, cá nhân tôi đánh giá mức độ mệt mỏi là như nhau. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, chỉ muốn về nhà cho lẹ để nghỉ ngơi, làm việc nhà, mà còn kẹt 3-4 tiếng, mệt mờ mắt cũng không dám ngủ thì nói thật chẳng sung sướng gì đâu.

5. Đi ôtô chứng tỏ bạn ở thế cửa trên, dễ gây ấn tượng?

Vậy té ra bạn kém tự tin vào khả năng và năng lực của mình đến mức phải nhờ một chiếc xe để chứng minh giúp à? Thời đại này, khi mà chuyện nhiều người chấp nhận ăn mì gói dài dài để mua iPhone hay túi hiệu thì tôi nghĩ chẳng ai còn tin vào chuyện tài sản chứng minh giá trị con người bạn nữa đâu.

Bạn đi gặp đối tác, không ký được hợp đồng, thì dù bạn lái Bentley bạn vẫn bị một ông sếp đi xe buýt mắng như thường. Thêm nữa, nhiều người cũng nghĩ đi ôtô dễ tạo niềm tin với khách hàng. Tôi xin khẳng định chỉ khi khách hàng của bạn là dân nửa mùa thôi, một chiếc ôtô bây giờ thuê vài tiếng để đi gặp khách hàng dễ lắm bạn à.

Tóm lại, tôi đồng ý với các bạn rằng ôtô có nhiều có cái lợi, vì bản thân cũng lái xe đi làm ở nước ngoài, nhưng dù đủ khả năng, cũng không muốn mua ôtô ở Việt Nam vì nhiều lí do, mà hai trong nhiều lí do đó chính là thiếu dịch vụ giữ xe và văn hoá giao thông của nhiều người rất kém.

Bạn tôi nhiều người ở Việt Nam cũng mua xe và họ chỉ dùng xe khi phải đi tỉnh, xe của họ bị gạch trầy khá nhiều, vài xe còn bị mất logo, một số ít khác còn bỏ luôn xe ở nhà không dùng vì vài lần khi đang chạy xe phải thắng gấp do người đi đường vượt ngang đột ngột khiến xe sau tông đuôi xe trước. Chưa kể tâm lý ôtô đụng xe máy thì xe hơi luôn luôn sai.

Chính vì những lý do trên, tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, ôtô không nên được khuyến khích ở Việt Nam. Tôi cũng mong các bạn hãy suy tính kỹ trước khi đầu tư một chiếc xe, vì tôi để ý thấy nhiều người khi tính toán chỉ tính có cái lợi mà xem nhẹ hoặc bỏ ngoài tai cái hại, họ cho rằng đó là thiếu ý chí phấn đấu, thiếu may mắn, chưa đánh đã sợ, không cầu tiến, nhưng tới khi gặp chuyện rồi thì lúc đó ân hận không kịp.