Kỳ tích cụ ông U.70 không tay làm những việc khó tin
- 20:57 12-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kỳ tích Hoa Xuân Tứ - Người không tay chiến thắng số phận |
“Chim cánh cụt” biết bay
Người dân ở xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, nơi cậu bé không tay Hoa Xuân Tứ sinh ra và lớn lên, gọi cậu là chim cách cụt biết bay.
Cậu bé “chim cánh cụt” ngày ấy giờ không nhớ bao nhiêu tuổi mình đến trường, chỉ nhớ “thấy bạn bè đi học, tui cũng đi theo”.
Cậu bé kẹp phấn giữa hai ngón chân trỏ và ngón cái rồi hí hoáy tập viết. Những chữ cái ban đầu nguệch ngoạc rồi cũng thành đường nét rõ ràng.
Nhìn những con chữ viết bằng chân tròn trịu do con viết ra, cha mẹ cậu bật khóc. Không chỉ đến trường học, cậu bé “chim cánh cụt” vẫn đá bóng, thậm chí bơi lội rất tốt khiến nhiều người phải trố mắt. Viết bằng chân hơi bất tiện, Hoa Xuân Tứ chuyển sang tập viết bằng cằm và theo đến hết bậc phổ thông, một việc mà vào những năm 1960 không phải người bình thường nào cũng làm được.
|
Năm 1966, tấm gương về nghị lực của cậu học trò nghèo không tay Hoa Xuân Tứ được nhà văn Sơn Tùng viết đăng trên tờ Thiếu Niên Tiền phong và năm đó, cậu được chọn đi dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua tại Hà Nội.
“Rất tiếc, học hết bậc phổ thông, tui rất muốn học lên đại học nhưng do nhà nghèo, đi học xa nhà sợ nhiều thứ bất tiện nên tui đã phải gác ước mơ”, cậu bé không tay nhớ lại.
Miệt mài lao động
20 tuổi, Hoa Xuân Tứ gặp cô gái Lê Thị Sự ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Sau lần gặp đầu tiên, cô gái đã bị anh chàng “chim cánh cụt” này mê hoặc bởi nghị lực sống. Họ yêu nhau và quyết định về chung sống với nhau. Nhưng, nhìn anh chàng không tay muốn lấy vợ, nhiều người thương cảm, ái ngại.
Cha mẹ cô gái quyết liệt ngăn cản, vì họ sợ con gái mình “lấy đứa không có tay thì làm gì mà sống”. Cô gái quả quyết “anh ấy không có tay nhưng có trái tim chân thành và một nghị lực sống đáng quý” và quyết định làm đám cưới.
|
Là trụ cột trong gia đình, không có tay, Hoa Xuân Tứ dùng nghị lực sống và sự cần cù, chịu khó, khổ luyện để lao động. Ông không từ việc gì, từ ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc bản thân, lao động kiếm sống, kể cả những công việc nặng nhọc, khó khăn.
Vai, miệng, cằm, cùi tay, chân là những bộ phận được ông luyện để thay cho đôi tay mà không gặp nhiều trở ngại. Một thời, ông còn mua mật mía từ Nghệ An vào các tỉnh phía Nam bán, bươn chải kiếm sống. Nhiều người ví ông như con chim cánh cụt, không cánh vẫn bay khắp nơi.
|
Năm nay đã ở tuổi 68, nhưng người không tay vẫn còn rắn rỏi và vẫn miệt mài lao động. Ông vẫn tự dùng miệng cắn đầu bao tải đựng lúa nặng chừng 30kg, hất ngược chiếc bao lên phía sau lưng, bước chân leo lên gác. Mùa gặt, ông vẫn tự mang dây ra đồng, dùng chân bó lúa rồi mang lên bờ.
|
Với ông, lao động là kiếm sống và cũng là liều thuốc tốt cho sức khỏe. “Không làm gì tui thấy khó chịu. Có lẽ do quen rồi. Số phận mình kém may mắn vì mất đi đôi tay, từ nhỏ, tui xác định phải tự rèn luyện để tự lao động kiếm sống, không ngồi thụ động trông chờ vào ai”, ông Tứ nói.
|
Không chỉ tự chăm sóc mình, khi vợ vắng nhà, đứa con gái bị tật nguyền nằm một chỗ còng queo gần 40 năm nay vẫn phải cần đến sự chăm sóc của ông. Ông dùng miệng, cắn lấy chiếc muỗng múc từng muỗng cơm đút cho con gái. Hai vợ chồng ông có 5 người con, 2 trai, 3 gái và hiện 4 người đã yên bề gia thất.
|
Ông nói, dù cuộc sống không phải khá giả, nhiều khi vẫn còn trĩu nặng nhưng với ông, niềm vui, hạnh phúc luôn ngự trị trong gia đình này.