Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sâu lắng chương trình nghệ thuật Đôi bờ Ví Giặm

Tối 10/9, khán giả 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và nhiều vùng miền trên cả nước đã được hòa mình trong chương trình nghệ thuật đặc sắc, tái hiện lại vùng văn hóa Nghệ Tĩnh gắn bó bền chặt cả về địa lý, lịch sử, kinh tế, đến phong tục, tập quán ngôn ngữ...

 Các đại biểu tham dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An.

Tới dự chương trình về phía Trung ương có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí: Đặng Quốc Khánh - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, thường trực HĐND, UBND, đại diện lãnh đạo các sở ngành hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

 Ca khúc "Ai vô xứ Nghệ", nhạc Phạm Tuyên, thơ Cù Huy Cận, do ca sỹ Bùi Lê Mận cùng dàn hợp xướng và Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn đã mở đầu cho chương trình nghệ thuật "Đôi bờ Ví Giặm".

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy – UBND 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chương trình nghệ thuật "Đôi bờ Ví Giặm" được 2 Đài PT-TH Nghệ An và PT-TH Hà Tĩnh phối hợp tổ chức thực hiện nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày Xô Viết Nghệ - Tĩnh (12/9/1930 – 12/9/2017), ghi dấu ấn lịch sử dân tộc với phong trào cách mạng đầu tiên do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đó chính là cao trào Xô viết Nghệ tĩnh 1930 -1931.

 Hát múa "Hồn quê Ví - Giặm"; Biểu diễn: Trung tâm bảo tồn và phát duy di sản Dân ca Nghệ Tĩnh & Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.

Chương trình thực hiện với hình thức cầu truyền hình trực tiếp tại 2 điểm cầu Nghệ An – Hà Tĩnh để tái hiện lại lịch sử vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh, vùng đất Lam - Hồng qua bao biến thiên của lịch sử, khi là một phủ, một trấn, khi là hai lộ, hai tỉnh... nhưng vẫn luôn là một vùng văn hóa gắn bó bền chặt về tất cả các mặt: địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, ngôn ngữ...

 2 cặp MC: Hồng Sơn - Thu Hằng (điểm cầu Nghệ An) và Nam Thuật - Nhật Minh (điểm cầu Hà Tĩnh) trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp. 


Văn hóa Lam - Hồng không chỉ ghi chép trong sử sách, mà đang hiển hiện một cách sinh động trong cuộc sống hàng ngày của hôm qua, hôm nay, qua những di tích lịch sử, văn hóa, qua những khúc hát dân ca. Thông qua chương trình để nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ôn lại quá khứ, vì sự phát triển của hiện tại và tương lai.

 NSƯT Tố Nga tại điểm cầu Hà Tĩnh biểu diễn ca khúc "Núi Hồng sông Lam"; Nhạc: Quốc Việt; Thơ: Xuân Hoài. Sông Lam – Núi Hồng là biểu tượng cho khí phách, tâm hồn con người xứ Nghệ. Hình ảnh núi sông gắn bó này thành một cái tên chung: đất Lam Hồng - con người Lam Hồng.

Chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví Giặm” là câu chuyện được chuyển tải bằng âm nhạc về xứ Nghệ địa linh, nhân kiệt; mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và Cách mạng; được chia làm 3 phần.

Trong phần 1 “Một dải Lam Hồng”, giới thiệu về lịch sử hình thành Nghệ -Tĩnh, mảnh đất phên dậu, “thành đồng, ao nóng” của nhiều triều đại phong kiến trong quá trình dựng nước và giữ nước; khởi nguồn và phát triển của nền văn hóa xứ Nghệ; vùng địa linh nhân kiệt, cái nôi khoa bảng và Cách mạng với nhiều danh nhân, tiêu biểu là 2 danh nhân văn hóa thế giới: Đại thi hào Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Ca sỹ Phương Thanh tha thiết với ca khúc "Thương về xứ Nghệ", St: Nguyễn Tất Tùng.

Từ mạch nguồn núi Hồng - Sông Lam, văn hóa xứ Nghệ luôn thấm đẫm trong tâm hồn, cốt cách của người dân 2 tỉnh. Nghệ An - Hà Tĩnh cùng chung giọng nói, chung khúc hát dân ca; và ví giặm Nghệ -Tĩnh đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lần lượt ở 2 điểm cầu Nghệ An – Hà Tĩnh, các nghệ sĩ biểu diễn các ca khúc gắn liền với mảnh đất Nghệ Tĩnh như: Núi Hồng sông Lam qua giọng ca NSƯT Tố Nga; Thương về xứ Nghệ; Trở về xứ Nghệ qua giọng ca Đinh Trang; Từ Làng Sen…

 Ca khúc "Trở về xứ Nghệ", Thơ: Thạch Cầu; Nhạc: NSND Phạm Tiến Dũng;  được ca sỹ Đinh Trang thể hiện.

 Từ mạch nguồn văn hóa Lam - Hồng đã sinh thành những danh nhân văn hóa, những anh hùng giải phóng dân tộc kịệt xuất… 70 năm sau ngày Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tạ thế, từ Làng Sen xứ Nghệ đã sinh ra một con người vĩ đại -Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả được thể hiện qua ca khúc "Từ làng Sen", St: Phạm Tuyên  với sự biểu diễn của ca sỹ Bích Ngọc.

Với chủ đề “Màu cờ năm ấy”, phần 2 với sự góp mặt của các giọng ca Vũ Thắng Lợi trong ca khúc “Tiếng hò trên đất Nghệ An”; ca sĩ Trần Trang với “Người con gái sông La”… nói về những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Nghệ An - Hà Tĩnh trong giai đoạn thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và cao trào Cách mạng 1930-1931; sự hy sinh sức người sức của qua các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, chống Đế quốc Mỹ bảo vệ tổ quốc, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ… để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, phát triển quê hương, đất nước.

 Ca sỹ Vũ Thắng Lợi với ca khúc "Tiếng hò trên đất Nghệ An", St: Tân Huyền

 Những địa danh được coi là “chảo lửa, túi bom”, nơi lòng yêu nước nồng nàn của con người đã chiến thắng đạn bom quân thù xâm lược, như Phà Bến Thủy, Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Linh Cảm, Khe Giao, Đèo Ngang, Cầu Cấm, dốc Bò Lăn.... đã đi vào lịch sử. Tất cả được thể hiện qua ca khúc "Người con gái sông La", St: Doãn Nho, ca sỹ Trần Trang biểu diễn.

 Người con gái sông La kiên cường hay cô dân quân làng Đỏ tay cày tay súng, những cô gái Đồng Lộc anh hùng, hay những cô thanh niên xung phong Truông Bồn sống bám cầu bám đường chết kiên cường dũng cảm... Họ đã góp phần dệt nên huyền thoại về tinh thần xả thân vì nghĩa lớn - vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ca khúc "Chào em cô gái Lam Hồng", St: Ánh Dương, Biểu diễn: Tốp nam Đoàn Văn công Quân khu 4, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh.                     

Sang phần 3 “Bên nhau trên đường lớn” là những đổi thay to lớn về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần trên quê hương xứ Nghệ trong công cuộc đổi mới. Truyền thống yêu nước và cách mạng, tiềm năng, lợi thế, nghĩa tình anh em sâu nặng… là tiền đề để xây dựng 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, xứng đáng là quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, quê hương Bác Hồ và các lãnh tụ Cách mạng. 

 Phần 3 "Bên nhau trên đường lớn" được mở đầu với ca khúc "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", St: Nguyễn Văn Tý qua sự thể hiện của hai ca sỹ: Minh Sơn – Lê Na.

Cũng vì thế, các ca khúc trong phần này đều gắn liền với thời gian, thôi thúc khát vọng sáng tạo, dựng xây hôm nay. Và cũng để cảm nhận rằng dòng nước Nậm Mộ, Nậm Nơn, Ngàn Trươi, Cẩm Trang hòa chung dòng La, góp vào dòng chảy sông Lam để xuôi ra biển lớn. Để Nam Cấm, Cửa Lò náo nức niềm vui nối dài Vũng Áng, Sơn Dương rạo rực; Để bình minh lên sắc thắm đôi bờ... như: “Nghệ Tĩnh mình đây” qua sự thể hiện của ca sỹ Thanh Tài – Phương Thanh; “Khúc hát sông quê” – sáng tác: Nguyễn Trọng Tạo, biểu diễn: Thụy Miên; “Nghệ An vươn tầm cao mới”; “Khúc hát ân tình Hà Tĩnh”…

 Ca sỹ Đăng Thuật với ca khúc "Mai em về Hà Tĩnh", St: Trần Hoàn, lời thơ: Đinh Nho Liêm.


Bên cạnh đó, đan xen giữa các phần nội dung là các phóng sự tài liệu nhằm tái hiện rõ hơn lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hoá của dải đất Lam Hồng, mỗi người con xứ Nghệ, dù ở đâu khắp mọi miền quê, cả nước hay ở nước ngoài, vì cuộc sống mưu sinh nhưng luôn chung sức, chung lòng nỗ lực để dựng xây quê hương giàu đẹp. Đó cũng chính là thông điệp mà chương trình muốn gửi tới khán giả.

 ặp đôi Phương Thanh - Thanh tài thể hiện ca khúc "Nghệ Tĩnh mình đây", St: Tân Huyền.

 Ca khúc "Khúc hát sông quê", Nhạc: Nguyễn Trọng Tạo, Thơ : Lê Huy Mậu; Biểu diễn: Thụy Miên.

 Liên khúc: "Nghệ An vươn tầm cao mới" và "Khúc ân tình Hà Tĩnh" đã kết thúc chương trình cầu truyền hình "Đôi bờ Ví Giặm" đầy ý nghĩa.

Gần 2 tiếng diễn ra chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví Giặm” đã mang đến không gian gần gũi, sâu lắng, lay động lòng người; từ đó khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và hướng về nguồn cội trong mỗi người dân Nghệ An - Hà Tĩnh./.