“Thánh nổ” dạy kiếm tiền tỷ từ bất động sản
- 17:26 07-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Trung Đức (Hà Đông, Hà Nội), vừa mới ra trường chưa có việc làm ổn định. Thấy trên mạng xã hội quảng bá lớp học làm giàu từ bất động sản với diễn giả có mức thu nhập 3 tỷ đồng/tháng nên anh Đức háo hức đăng ký tham gia. Sau một buổi học miễn phí, anh Đức phải đăng ký khoá học lên đến 2 triệu đồng cho 2 ngày diễn ra tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Tuy nhiên, những gì anh Đức nhận được sau buổi học chỉ là những kiến thức chung chung và chủ yếu là cơ hội đầu tư dự án bất động sản (BĐS) tại một số tỉnh với mức lợi nhuận được quảng cáo “siêu khủng”.
“Suốt buổi học diễn giả quảng bá nhà cho thuê có 2 mô hình kinh doanh khác nhau là sở hữu – cho thuê và thuê – cho thuê lại. Diễn giả mô tả, nếu sở hữu – cho thuê mang lại lợi nhuận trung bình 5 - 10%/năm thì mô hình thuê – cho thuê lại cho lợi nhuận từ 50 - 100%/năm. Bên cạnh đó là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại kiếm tiền tỷ trong tầm tay, làm giàu không khó khiến nhiều học viên hoang mang”, anh Đức nói.
Bên cạnh đó, theo anh Đức, lớp học còn có nhiều “chim mồi” được khéo léo cài cắm để tung hô diễn giả không khác gì đa cấp. Tuy nhiên anh Đức cũng thừa nhận lĩnh hội được nhiều kiến thức trong lĩnh vực bất động sản qua lớp học này nhưng việc kiếm tiền tỷ thì không hề đơn giản.
“Không rõ những người khác cảm thấy ra sao nhưng với tôi, đây là những kiến thức giúp mình tự tin hơn trong lĩnh vực BĐS…”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tượng những lớp học làm giàu từ BĐS diễn ra từ lâu và ngày càng lan rộng, công khai. Đa phần học viên được “dụ” bằng hình thức miễn phí nhưng sau đó thu lên đến tiền triệu cho vài buổi học. Diễn giả tự phong và khoe chiến tích về nhà lầu, xe hơi. Sau khi đã tạo được niềm tin với các học viên, các diễn giả thường nhanh chóng chuyển hướng qua thuyết phục đầu tư những sản phẩm BĐS do chính đơn vị họ đứng ra phân phối. Phần lớn các dự án được chào bán tại khóa học thuộc phân khúc biệt thự, du lịch và nghỉ dưỡng, tại khu vực Đà Nẵng, Vũng Tàu...
Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này lại ở địa bàn chưa có hạ tầng và tiện ích đầy đủ, chủ đầu tư ít tiếng tăm. Dù vậy, với giá bán thấp, chỉ khoảng 40 - 50% những dự án quanh khu vực, lại cam kết lợi nhuận gấp đôi thị trường (trên 14%/năm)..., nên nhiều người tham gia khóa học vẫn tranh nhau xuống tiền. Thậm chí, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6 - 7% giá trị sản phẩm.
Bên cạnh các “thánh nổ” dạy kiếm tiền tỷ từ bất động sản thì cũng xuất hiện nhiều người tự nhận có 'biệt tài' trong lĩnh vực tiếp thị bất động sản. Thậm chí còn được gọi là 'phù thủy' marketing gắn với nhiều dự án khủng và các chủ đầu tư bất động sản tên tuổi.
Ông Vũ Mạnh Cường, nguyên Trưởng phòng Quản lý nhà ở (Bộ Xây dựng) cho biết, BĐS là sản phẩm đặc thù, giá trị tài sản lớn, cần độ tin cậy và xác thực về thông tin. Những lớp học như vậy vô hình dung làm lệch lạc thông tin thị trường BĐS mà thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng.
“Tôi cho rằng, thời gian tới cơ quan chức năng phải có biện pháp siết hoạt động tự tổ chức lớp học thế này. "Hiện những lớp học về quản lý vận hành chung cư, môi giới bất động sản đều có sự đồng ý cho phép của Bộ Xây dựng và lớp học này cũng cần phải được cấp phép từ cơ quan chủ quản như Bộ Xây dựng”, ông Cường nói.
Còn ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phân tích, trên thị trường đang biến tướng trăm kiểu đa cấp. Phương thức kinh doanh đa cấp cũng được nhiều đơn vị áp dụng trong lĩnh vực BĐS, phổ biến nhất là tổ chức các khóa học chia sẻ kỹ năng bán hàng. Tuy nhiên thực tế tại các khóa học này, diễn giả thường thuyết phục học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối hoặc triển khai, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu cao trên tổng giá trị sản phẩm.
“Những lớp học trên rất cần được các cơ quan chức năng chú ý bởi nguy cơ gây bất ổn tiềm ẩn. Chúng ta phải rà soát lại xem ai cấp phép lớp học này, mở lớp như vậy có đúng không”, ông Liêm cho hay.