Bi kịch mẹ ôm con thơ tự vẫn: Sự nhẫn tâm hay bất ổn tâm lý?
- 08:32 07-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có phải sự nhẫn tâm?
Sự việc người phụ nữ ở Nghệ An ôm hai con nhỏ nhảy cầu tự vẫn (ngày 3/9 vừa qua) lại một lần nữa gây chấn động dư luận cùng nỗi lo lắng về hành vi dại dột của những người mẹ trẻ.
Thực tế, có khá nhiều sự việc đau lòng tương tự đã xảy ra, điều này khiến nhiều người trong xã hội không khỏi thương xót, băn khoăn, liệu có phải họ là những người mẹ nhẫn tâm, cạn tình thương con mà dẫn đến hành vi như vậy?
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, ông Nguyễn An Chất (chuyên gia tư vấn tâm lý, Trung tâm tư vấn tâm lý An Việt Sơn) nhận định: Đây không phải là câu chuyện đau lòng chỉ riêng đối với những người mẹ, mà còn là vấn đề của các cô gái trẻ, cả nam giới và lứa tuổi thanh thiếu niên.
Theo ông Chất, trong cuộc sống gia đình, các bà mẹ trẻ 30 - 40 tuổi thường phải chịu nhiều nỗi bức xúc hơn cả. Trường hợp của người mẹ này không phải là phổ biến khi một lúc mất 4 mạng người, không ai biết tin mà không thể trăn trở và đau lòng.
"Nguyên nhân là do áp lực cuộc sống, không phải chỉ do cơm ăn áo mặc mà chủ yếu là do áp lực tinh thần. Trong khi theo như chúng tôi nghiên cứu thì cuộc sống của một con người thì 70% là tinh thần và chỉ 30% là vật chất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện giờ đang có một xu hướng rất đặc biệt là chỉ nghĩ đồng tiền là thước đo giá trị mà quên mất các giá trị tinh thần cho mình và những người xung quanh".
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc ở Nghệ An. |
Ông phân tích, áp lực tinh thần rất dễ khiến cho phụ nữ rơi vào căng thẳng. Họ rất cần được tôn trọng, thông cảm, quan tâm và chia sẻ nhưng lại không nhận được điều đó hoặc quá ít, mặc dù họ đã phải hy sinh rất nhiều.
"Có người âm thầm chịu đựng, bị tổn thương rồi đi đến ức chế, nông nổi và không đủ tỉnh táo để tìm đến những người có thể giúp đỡ mình. Nhưng họ lại thấy con còn bé, sẽ sợ rằng nếu mình không còn thì các con sẽ phải khổ, thậm chí sẽ phải khổ sở hơn mình nữa nên họ mới tìm đến con đường kết thúc như vậy.
Là một người mẹ, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng: Nếu nói họ nhẫn tâm thì có lẽ không đúng. Bởi mẹ nào cũng thương con, tuy nhiên, các bà mẹ này đã cạn nghĩ và họ sợ rằng khi mình chết đi thì con sẽ khổ sở, phải sống với mẹ kế…
"Bản thân tôi vốn cũng là một người hay bệnh tật, đã có nhiều lúc sợ rằng mình sẽ chết trước khi con trưởng thành. Vì thế, tôi rất cảm thông với suy nghĩ lo lắng của họ. Họ sợ rằng khi họ chết đi, sẽ không ai lo cho con.
Đặc biệt nếu chồng của họ là người vô tâm vô tính hoặc vô trách nhiệm. "Mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá ngoài đường…". Họ sợ con sẽ vất vả, vất vưởng đầu đường xó chợ".
Ngăn chặn như thế nào?
"Không ai muốn chết cả mà phải do áp lực quá lớn, mà cũng không phải do áp lực một lần mà nông nổi như vậy. Như trường hợp của người mẹ ở Nghệ An, có lẽ đã phải chịu áp lực ít nhất 1 năm rồi" - ông Nguyễn An Chất nhận định.
Theo ông Chất, điều cần thiết trước hết là chính những người đang bất ổn tâm lý thì phải tìm đến những người có thể giúp đỡ. Những người thân trong gia đình thì phải thấy mình có trách nhiệm để chia sẻ.
Các cơ quan, đoàn thể có chức năng bảo vệ phụ nữ và trẻ em phải có hành động tuyên truyền cụ thể, giúp đỡ người dân, đặc biệt là ở những nơi khó khăn, thiệt thòi, dân trí thấp.
Trước đây cũng đã xảy ra nhiều trường hợp đau lòng tương tự. Đằng sau đó, mọi người nhận ra người mẹ trẻ đã rơi vào những bi kịch, ức chế trong cuộc sống gia đình. |
Còn TS Vũ Thu Hương cũng nhận định: "Các bạn đã đến mức tự tử thì tâm lý thường có vấn đề rồi. Khi đó, họ không tự chủ được như người bình thường.
Họ thường sẽ có những hành động thiếu kiểm soát, có thể làm những việc mà người thường không thể làm nổi. Vì thế, phân tích và trách móc họ trong trường hợp này là vô ích.
Điều cần xem xét là tại sao người nhà không phát hiện ra và ngăn chặn kịp thời. Nghĩa là họ có thể đã quá khổ sở dẫn đến không còn tự chủ nữa, hoặc họ đã bị rối loạn tâm lý vì lý do gì khác...".
Từng can thiệp cho trường hợp từng tự vẫn, TS Hương cho biết bà thường chỉ gia đình họ thấy các biểu hiện bất thường của người đó để họ biết và quan sát thêm.Ví dụ:
Họ rất ngại giao tiếp, sẵn sàng ở nhà 24/24 không cần ra ngoài. Họ có thể có vài cố tật như sờ vào bộ phận nào đó trên cơ thể, mút môi, cắn móng tay… Có thể bị ngơ ngác, gọi cũng không thưa ngay, phải vài lần mới nghe.
Đôi khi đang nói chuyện, họ bỏ lơ, hoặc quay sang việc khác quá nhanh, có khi thì tự bỏ đi nơi khác hoặc làm việc khác.
Sự ra đi bất ngờ của người mẹ trẻ cùng những đứa con thơ, sẽ là nỗi đau không bao giờ quên được với người ở lại. Nhưng xã hội cần được cảnh tỉnh, nên quan tâm và biết chia sẻ với nhau hơn trong cuộc sống gia đình, đừng chỉ cần mẫn xoay quanh đồng tiền, bát gạo. |
Đồng thời, bà nhấn mạnh, nếu trường hợp họ gặp khúc mắc giữa cuộc sống vợ chồng thì những người thân khác như bố mẹ đẻ, anh, chị, em ruột phải quan tâm và phát hiện ra.
"Điều đó không khó vì hầu như 100% các cô dâu mình đi làm dâu mà không học kỹ năng chung sống với nhà chồng và với chồng.
Vì thế, những ngày đầu tiên mà họ về nhà chồng, nếu họ kêu ca, cần phải tìm hiểu kỹ và trở thành bạn tâm giao để họ chia sẻ bớt ức chế.
Còn nếu không, khi phát hiện ra có bất ổn ở họ, cũng như khi họ vừa sinh con, bị trầm cảm sau sinh, thì nên đưa họ về nhà mẹ đẻ sinh sống một thời gian cho đỡ căng thẳng. Hoặc tìm cách đưa họ đi thăm khám ở bác sĩ tâm lý.
Nếu quá ức chế, việc ly hôn có thể là cần thiết để tránh những cách giải quyết tiêu cực như vụ việc vừa rồi".
Chia sẻ cụ thể hơn về các biện pháp cụ thể để giúp một người bất ổn về tâm lý dẫn đến từng tự tử, từ vị trí là một người không phải thân thích, bà Hương cho biết ngoài việc tâm sự, trò chuyện thì vẫn có nhiều biện pháp để giúp đỡ họ vượt qua.
Trong đó, chủ yếu là hướng dẫn họ hành động (ví dụ như: thiền) hoặc tập làm điều gì đó trước nay họ chưa bao giờ làm. Phản ứng tâm lý khi họ thực hiện hành động đó sẽ giúp quân bình lại bản thân.