Người chuyên “vợt” trẻ khỏi tay... tử thần
- 10:16 05-09-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khác hẳn hình dung ban đầu về một ông già tóc bạc và nghiêm nghị, ông xuất hiện với mái tóc bồng bềnh có phần nghệ sỹ, khuôn mặt phúc hậu, nụ cười tươi cùng giọng nói vang, ấm khiến tôi thấy gần gũi.
Ấn tượng ban đầu từ cuộc gặp, cộng thêm những lời kể có phần hàm ơn của người bạn đã khiến tôi trăn trở và muốn viết chút gì đó về ông – người được mệnh danh là “chuyên vợt trẻ khỏi tay tử thần”!
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng báo cáo về việc cứu sống trẻ bệnh sơ sinh bệnh nặng ngừng tuần hoàn Ảnh: T.G |
Đến với nghề bởi ký ức đau thương
Sinh ra trong thời kỳ đất nước chia cắt và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay là ngoại thành Hà Nội), cậu bé Dũng cũng trải qua mọi khổ cực thiếu thời như bao nhiêu người quê khác. Nhưng chiến tranh hay cái nghèo đói của quê hương, của gia đình không hề ảnh hưởng đến tinh thần ham học của cậu.
So với chúng bạn cùng lứa thời đó, Dũng luôn nổi bật bởi thành tích học tập của mình. Gia đình dù nghèo khó nhưng thấy con có chí lại sáng láng, thông minh nên bố mẹ luôn ủng hộ Dũng và lo cho con học đến cùng.
Bước vào tuổi trưởng thành, vốn yêu thích các môn học tự nhiên nên Dũng ấp ủ giấc mơ sẽ là chàng kỹ sư của trường Đại học Bách Khoa. Nhưng, bất ngờ một biến cố đau thương ập đến. Đó là sự ra đi đột ngột của em gái Dũng.
Đứa em mình rất mực thương yêu ra đi trong sự bất lực của người thân bởi sự lạc hậu về y học, sự kém hiểu biết về bệnh tình và sự chậm trễ do phương tiện (chờ từ sáng đến trưa không có xe để đến bệnh viện). Biến cố đau thương đó là lực cản Dũng đến với giấc mơ trở thành kỹ sư Bách Khoa.
“Phải học Y để chữa bệnh cứu người con ạ”. Với Dũng, câu nói đó của bố không đơn thuần là định hướng mà là mệnh lệnh. Bố mẹ quá đau buồn về sự ra đi của em gái, Dũng cũng đau khổ vì sự bất lực không cứu được em của mình, nên chàng trai trẻ khi ấy không chút do dự, quyết định từ bỏ giấc mơ dang dở để theo đuổi y học, theo ước vọng của gia đình. Vốn học giỏi, cậu bé Dũng thi trường Y và trúng tuyển với kết quả cao.
Học Y rất vất vả. “Phải học y để chữa bệnh cứu người con ạ”, câu nói của bố mình trở thành câu thần chú cho Dũng vượt qua những lúc khó khăn, chán nản nhất. Luôn đứng top đầu trong các sinh viên đạt kết quả cao nên Dũng được nhà trường cho chọn bất kỳ chuyên khoa nào mà mình thích.
Đối với một người bác sĩ lựa chọn chuyên khoa là rất quan trọng vì đó là nghề nghiệp của mình mà suốt cuộc đời mình theo đuổi. Không chút đắn đo, Dũng chọn khoa Nhi. Cậu bé Dũng đơn giản chỉ nghĩ phải cứu được các em nhỏ, những thiên thần đáng yêu như em gái mình khỏi bàn tay tử thần.
Vậy đó, cậu bé Dũng đến với nghề bởi ký ức đau thương và trưởng thành, cống hiến được với nghề cũng bắt đầu từ ký ức đó
Hồi sinh cho mầm non tương lai
Ra trường với kết quả học tập tốt, ông được nhận ngay về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai với vị trí Trưởng phòng Hồi sức Cấp cứu chuyên điều trị cho những bệnh nhân nặng, thập tử nhất sinh.
Năm 1983 là thời kỳ gian khó của đất nước, khi mà cuộc sống còn đình trệ, bao cấp, các trang thiết bị cấp cứu y học đều cũ kỹ và hỏng hóc nhiều. Bằng kiến thức chuyên môn, lại ham tìm tòi, ông đã trực tiếp nghiên cứu, cải tiến được nhiều trang thiết bị lạc hậu, hỏng hóc như máy thở hay triển khai thành công kỹ thuật Catheter tĩnh mạch trung tâm cải tiến cho trẻ nhỏ
Bệnh nhi đầu tiên ông cứu sống là một em bé 8 tháng tuổi gần như đã bị tử thần mang đi bởi ngộ độc thuốc kháng histamin, chống dị ứng kết hợp với thuốc an thần dẫn đến ngừng thở.
Sau ca bệnh khó đã thành công này, ông càng mạnh dạn hơn trong điều trị. Có những em bé nhập viện trong tình trạng bị suy dinh dưỡng quá nặng, phù loét toàn thân, hầu như không có chỗ để tiêm truyền tĩnh mạch nông dưới da trong khi đó những bé cần là phải nuôi dưỡng tĩnh mạch một thời gian do các cháu không thể ăn được bằng đường miệng, đều được ông cứu sống và rất khỏe mạnh sau đó.
Theo thời gian, số lượng bệnh nhi mà ông cứu sống đến nay đã quá nhiều không đếm xuể. Những người đó nay đã lớn, thậm chí đã thành danh, song tất thảy đều xem ông là ân nhân…
Người góp phần đưa y học Việt Nam bay xa
“Y học ngày một phát triển, nếu như bản thân không chịu chuyển động thì sẽ mãi lùi về phía sau”. Đó cũng là phương châm sống và cống hiến với nghề của ông – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng.
Với mong muốn đưa những thành tựu khoa học của thế giới ứng dụng vào Việt Nam để góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ tử vong ở trẻ em, ông trở thành người tiên phong trong hàng loạt dự án tiêu biểu có sức ảnh hưởng không nhỏ đến nền y học nước nhà đó là dự án phòng chống Nhiễm khuẩn hô hấp cấp (ARI) là bệnh phổ biến ở trẻ em, có tỷ lệ mắc và tử vong khá cao mà ông là một trong những người đầu tiên của Việt Nam tham gia, và sau đó là chiến lược IMCI Bộ Y tế năm 1998.
Đây là một chiến lược lồng ghép, đòi hỏi sự hợp tác tích cực giữa tất cả các chương trình ngành dọc như chương trình Phòng chống tiêu chảy, Phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, cũng như các hoạt động liên quan tới sức khỏe trẻ em trong chương trình Phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, dinh dưỡng, tiêm chủng và thuốc thiết yếu mà ông là một giảng viên nội trú được Tổ chức Y tế thế giới cấp giấy chứng nhận.
Ở vị trí này, ông đã triển khai chiến lược một cách hiệu quả, đưa hoạt động IMCI vào chăm sóc và điều trị trẻ em tại tuyến y tế cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến cơ sở, đổi mới phương pháp tiếp cận, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em.
Đó là Dự án kháng kháng sinh, mà ông là thành viên Ban tư vấn sử dụng kháng sinh Bộ Y tế. Hay mô hình phối hợp hệ thống sản – nhi trong chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh mà ông là một trong những người đề xuất và thực hiện đã được Bộ Y tế đánh giá rất cao và khuyến khích nhân rộng ra nhiều bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Miệt mài nghiên cứu, miệt mài sáng tạo, ông còn nung nấu ước mơ triển khai chương trình phối hợp hội chẩn trước sinh với nhiều chuyên khoa tại bệnh viện để hạn chế mức thấp nhất các tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho cả mẹ và trẻ sơ sinh góp phần cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng cho cả mẹ và con…
Dù ở cương vị nào: Bác sỹ, giảng viên hay nhà quản lý thì tìm tòi sáng tạo để đưa ra các phương pháp tối ưu trong việc chữa trị luôn là đam mê bất tận của ông. Chẳng hạn như ở vụ dịch cúm H1N1 gần đây thì cả 2 mẹ con bị cúm H1N1 rất nặng đã được cứu sống
Nhìn lại cả quá trình cống hiến, ông vẫn chưa thỏa mãn và luôn khát khao có nhiều thời gian hơn nữa để cống hiến cho nền y học nước nhà.
Trong khi đó, với tôi, ông là một tấm gương về học tập và cống hiến, ông đã hồi sinh cho hàng ngàn mầm non tương lai, đưa lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình và là người cống hiến cho đất nước hàng trăm công trình, đề tài khoa học có giá trị trong thực tiễn.
Những ghi nhận cho các đóng góp lớn của ông với ngành Y + Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2009 + Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014 + Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2011 + 10 lần đạt Chiến sỹ thi đua + 4 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ y tế + 2 Bằng khen của Tổng hội Y học Việt Nam + 3 Bằng khen của Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố |