Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhãn đường phèn: Dân Hưng Yên muốn ăn cũng khó

Mặc dù đắt gấp 5-6 lần so với nhãn bình thường, nhưng nhãn đường phèn (nhãn tiến vua - Hưng Yên) cực kỳ hiếm và gần như không bán trên thị trường.

Hưng Yên có nhiều loại nhãn như nhãn cùi, hương chi, đường phèn,... song với những người sành ăn, kén ăn thì chỉ nhãn đường phèn là nhất. Tuy nhiên, đây là loại nhãn không dễ kiếm tìm.

Anh Trần Văn Hùng, nhân viên môi giới bất động một công ty ở Hà Nội quê ở Hưng Yên, cho hay, nhãn đường phèn rất thơm, ngon, đặc biệt nên anh muốn mua mời bạn bè thưởng thức mà tìm mãi không có.

“Mình đã nhờ rất nhiều người hỏi xem nhà ai có nhãn đường phèn nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Một số nhà còn cây thì khách đã đặt mua từ đầu mùa”, anh Hùng nói.

 Diện tích nhãn đường phèn ở Hưng Yên giờ không còn nhiều

Hiện tại, nhãn đường phèn đang được rao bán với mức giá từ 130.000-150.000 đồng/kg cho loại đặc biệt; 100.000 đồng/kg cho dòng đường phèn bình dân. Thậm chí, một số nhà dân bán tới 200.000 đồng/kg nhãn đường phèn nhưng không phải ai cũng mua được.

Ông Vương Văn Oanh (số nhà 85 khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu), người chuyên trồng nhãn đường phèn, cho biết, số lượng cây nhãn loại này ở Hưng Yên không còn nhiều.

“Tôi chuyên bán nhãn từ những năm 1995. Khách hàng chủ yếu mua nhãn rồi mang lên Hà Nội biếu. Ban đầu, mọi người mua loại nhãn cùi to, hạt nhỏ nhưng sau vài năm, những người được biếu nhãn chỉ thích ăn nhãn đường phèn quả nhỏ, thơm. Từ đó, tôi tìm mua các gốc đường phèn cổ để trồng”, ông Oanh kể.

Vườn nhãn đường phèn nhà ông có 3 loại. Loại đặc biệt ông bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg, khi bóc ra múi long khỏi hạt, ăn ngọt và thơm như mùi mật ong. Nhãn đường phèn khi chín cùi vàng, hột đỏ. Dòng nhãn này dù chín quá 20 ngày quả vẫn ngon và giữ được chất lượng tốt.

 Loại nhãn tiến vua này người dân thường để ăn hoặc mua biếu, không bán ra ngoài thị trường

Loại nhãn đường phèn khác có mùi thơm giống vani, ăn ngọt thơm được bán với giá 120.000 đồng/kg.

“Đường phèn hạng bình dân giá 100.000 đồng/kg. Loại này ăn ngọt lịm, dính mép, không ăn được nhiều”, ông Oanh cho hay.

Theo điều tra, khảo sát của Sở NN-PTNT Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó có nhãn đường phèn, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích nhãn của tỉnh.

Nhãn đường phèn mặc dù ngon và quý nhưng “khó tính” nên ít người trồng. Ông Dương Văn Diện (Hồng Nam, TP. Hưng Yên) chuyên trồng nhãn, nhận xét, đây là cây khó trồng, năng suất thấp. Những hộ từng trồng nhãn đường phèn đã phải chặt bỏ, chuyển sang trồng nhãn hương chi.

“Nhãn đường phèn cho năng suất chỉ bằng ½ so với nhãn hương chi nhưng lại rất khó trồng. Không phải năm nào cây cũng ra quả và cho quả ngon. Thời tiết không thuận có thể khiến nhãn mất mùa. Khu vực Hồng Nam - vựa nhãn của Hưng Yên - hiện rất ít nhà còn trồng nhãn đường phèn”, ông Diện khẳng định.

Chính vì vậy, hễ nhà nào còn cây nhãn đường phèn ngon khách đã đặt từ đầu mùa, với mức giá cao hơn so với nhãn hương chi rất nhiều.

 Việc trồng, chăm sóc nhãn giống này cũng khó

Ngay nhà ông Diện cũng còn một cây nhãn đường phèn, song bao năm nay ông không bán, chỉ để dành cho con cái và họ hàng ăn vì cây cho ít quả, lại rất ngon.

Theo nhiều người trồng nhãn ở Hưng Yên, nếu khách hàng không phải là người sành ăn hoặc không có người quen giới thiệu thì rất dễ mắc lừa, mua phải nhãn cùi gần giống với loại nhãn đường phèn.

“Quả nhãn đường phèn nhỏ. Khi bóc lộ ra cùi dày ánh vàng, vân múi căng, róc cùi, róc hạt. Khi đưa lên miệng thấy mềm mà giòn, ngọt mà thanh, hương thoang thoảng như mùi mật ong. Hạt nhãn nhỏ, nhăn, sắc đen ánh nâu đỏ. Đó mới chính là nhãn đường phèn chính gốc.

"Vườn nhãn nhà tôi không bao giờ bán ngoài chợ. Nhãn chủ yếu được khách hàng đặt trước mang biếu những nhà giàu ở trên Hà Nội và lãnh đạo cấp cao”, ông Oanh nói và khuyến cáo người dân nên lựa chọn đúng loại nhãn này, tránh để tình trạng “tiền mất tật mang”.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều người trồng nhãn đã tìm mua giống nhãn đường phèn về để cấy ghép. Tuy nhiên, để dòng nhãn này ra quả và quả ngon phải mất từ 5-7 năm, thậm chí 10 năm thay vì 2-3 năm như giống nhãn hương chi.