Vụ VN Pharma: Không cải cách thì có cầu trời khấn phật cũng khó hoàn thành nhiệm vụ
- 13:39 30-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc trò chuyện với nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, người từng chủ trì thảo luận Luật Dược năm 2005 về vấn đề đang được dư luận quan tâm liên quan tới trách nhiệm quản lý xuất nhập khẩu dược phẩm và thiết bị y tế.
Vụ VN Pharma đang được dư luận đặc biệt quan tâm. |
Thưa bà, vụ VN Pharma đang được dư luận đặc biệt quan tâm, từng đứng đầu Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà có suy nghĩ gì về phiên tòa này?
Mấy ngày qua tôi theo dõi các ý kiến của các luật sư và chuyên gia về các khía cạnh pháp lý của kết quả xét xử. Nhiều ý kiến rất khác nhau. Thậm chí có ý kiến đặt ra liệu đã “đúng người đúng tội chưa?”…
Theo tôi, với chuyện của VN Pharma, tội danh “Buôn bán thuốc giả” là chưa đủ. Nhưng kết tội “Buôn lậu” thì cũng không đúng vì có đủ giấy tờ, hồ sơ, dù là giấy tờ, hồ sơ giả.
Tôi đã từng chủ trì thảo luận Luật Dược năm 2005 do Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bà Trần Thị Trung Chiến trình dự thảo lên Quốc hội. Thời điểm đó giá thuốc tây tăng phi mã. Dư luận xã hội vô cùng bức xúc. Có nhà nhà báo còn đặt thẳng câu hỏi, “có nên cách chức Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến”. Tôi trả lời: “ Có bắn chết Bộ trưởng Trung Chiến thì giá thuốc vẫn tăng. Vì một mình Bộ Y tế không thể kiểm soát giá thuốc mà phải có sự phối hợp với Bộ Tài chính thì mới có thể kiểm soát giá thuốc.
Hơn nữa lúc ấy đang có tình trạng độc quyền giá thuốc do một tập đoàn nước ngoài khống chế. Vấn đề là Bộ KH – ĐT đã chấp nhận cho họ đầu tư với những ưu đãi chứ không phải Bộ Y tế.
Đó là bối cảnh Luật Dược 2005 ra đời nhằm chống độc quyền và lũng đoạn thị trường thuốc trong khi ta đang thiếu thuốc.
Luật Dược năm 2016 do Quốc hội khóa 13 thông qua, đã bỏ điều 24 nói về thuốc giả, tức không còn khái niệm “thuốc giả” nữa. Mục tiêu của Luật Dược mới nhằm đẩy mạnh sản xuất thuốc trong nước, tiến tới xuất khẩu, phát huy lợi thế là đất nước có nhiều nguồn nguyên liệu quý hiếm.
Tuy nhiên, phiên tòa phải xử theo Luật Dược 2005 vì Luật Dược 2016 chưa có hiệu lực. Hơn nữa, vụ việc bị phát hiện và bị bắt vào năm 2014.
Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng công ty VN Pharma là công ty nhỏ nhưng vấn đề do công ty này gây ra không hề nhỏ chút nào. Thậm chí, nó là vấn đề lớn, rất lớn liên quan đến sức khỏe và tính mạng của nhiều người dân. Trời đã sang thu mát mẻ hơn nhưng dư âm của vụ việc này đang nóng bừng bừng xã hội.
Rõ là 12 năm qua vấn đề quản lý thuốc men điều trị, chữa bệnh cho nhân dân vẫn còn bị bỏ ngỏ…
Theo kết quả phiên tòa và dư luận xã hội bức xúc cho thấy có lỗ hổng lớn về quản lý dược. Quan điểm của bà như thế nào?
Lỗ hổng lớn, rất lớn và rất nguy hiểm. Không có ai vô can trong chuyện này. Người tiêu dùng chính là đông đảo nhân dân, trong đó có chúng ta đã trở thành nạn nhân.
Những kẻ phải ra vành móng ngựa và đứng sau đã vô cùng nhẫn tâm. Gia đình tôi có bà ngoại và má tôi mất vì căn bệnh quái ác này nên tôi rất hiểu nỗi khổ của các gia đình có người thân bị ung thư. Những cơn đau hành hạ bà ngoại tôi, má tôi khiến tôi phải khóc. Tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều gia đình có người thân vướng phải căn bệnh ung thư. Nạn nhân chết dần chết mòn còn gia đình thì khánh tận.
Kinh doanh làm giàu trên nỗi đau tận cùng và mất mát khủng khiếp này thì còn gì mà nói nữa. Quá bất nhẫn!
Rõ ràng từ khi đặt ra vấn đề này để có Luật dược 2005 đến nay chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được kiểu kinh doanh bất lương, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi…
Liệu khi Luật Dược 2016 có hiệu lực, tình trạng kinh doanh như VN Pharma có bị đẩy lùi không?
Nếu chỉ trông cậy vào Luật mới này thì chưa đủ sức răn đe và đẩy lùi. Bởi người đàng hoàng thì sẽ tìm những gì luật pháp không cấm để làm. Còn kẻ xấu thì sẽ tìm kiếm kẻ hở của luật pháp. Mà kẻ hở về pháp luật trong quản lý dược hãy còn rất lớn. Một mình Luật Dược không thể ngăn chặn.
Trên thị trường hiện nay nguy cơ như VN Pharma còn nhiều. Kinh doanh thuốc đang siêu lợi nhuận. Các nhà thuốc, tiệm thuốc ồ ạt mọc ra khắp nơi. Trên khu phố nhà tôi chỉ một đoạn ngắn đã có 3 nhà thuốc. Có căn nhà cạnh bên mới bán, lập tức một công ty dược nhảy vô ngay cho ra đời một nhà thuốc mới.
Còn về quản lý, tôi xin kể chuyện để thấy rõ hơn. Tôi bị đau nhức khớp mấy năm nay, tôi đọc trên mạng thấy giới thiệu loại thuốc tên Duo Vital của Đức rất hay. Tôi định mua nhưng giá đắt quá, hơn nửa tháng lương hưu. Tôi nhờ người em đi công tác ở Đức mua tận gốc cho rẻ. Em tôi đi hỏi mấy cửa hàng lớn ở Đức, họ xem ảnh và tên thuốc xong rồi cho biết ở Đức đã ngưng sản xuất loại thuốc này đã 3 năm rồi ! Còn ở Việt Nam vẫn giới thiệu bán công khai !
Trên thị trường hiện nay nguy cơ như VN Pharma còn nhiều. |
Theo bà, thiếu sót tạo ra lỗ hổng trong quản lý dược ở nước ta hiện nay là gì ngoài lợi ích nhóm, tiêu cực khác?
Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu nhưng không bao gồm đấu thầu thuốc! Chỉ có vài nguyên tắc áp dụng cho thuốc, còn lại nằm trong các Nghị định của Chính phủ.
Trong đấu thầu thuốc có rất nhiều vấn đề không ổn định, chưa có công cụ kiểm soát chặt chẽ.
Khách quan mà nói, trên thế giới không nước nào có thể sản xuất đủ thuốc cho nhu cầu chính nước họ, kể cả nước sản xuất nhiều như Trung Quốc. Mặt hàng thuốc có rất nhiều đặc thù riêng chứ không chỉ giá cả. Nói chung là rất phức tạp. Hệ thống bệnh viện ở ta đang do nhiều cấp quản lý, từ Trung ương đến địa phương và tư nhân. Các công ty dược của nhà nước cũng có, tư nhân và liên doanh, nước ngoài cũng có v.v…và v.v… Đó là nguyên nhân Chính phủ chưa trình được dự luật về đấu thầu thuốc dù Quốc hội đã quan tâm, nhiều lần lưu ý.
Lần này, theo tôi cần phải quyết tâm ban hành đầy đủ pháp luật cho ngành Y tế. Nói thật, cứ như hiện nay thì bất kỳ Bộ trưởng nào dù có y đức đầy đủ, thì cho dù có cầu Trời khấn Phật cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ trước tình trạng lộn xộn như vậy.
Chúng ta cũng đừng lấy vụ việc VN Pharma làm điển hình để bắt tay vào giải quyết, xử lý hàng loạt vấn đề với ngành y tế hiện nay từ vấn đề quản lý thuốc cho đến đảm bảo tính mạng bác sĩ, nhân viên y tế và đời sống của họ. Tình trạng bác sĩ và nhân viên y tế bị đánh đập, đâm chém xảy ra khắp nơi. Luật pháp đã đủ sức ngăn chặn và bảo vệ họ chưa? Rồi bản thân người bệnh nếu không vô bệnh viện thì ra tiệm thuốc mua, phó mặc tính mạnh cho nhân viên bán thuốc chẳng hề biết gì về ý tế sức khỏe. Đã vậy nhiều người bệnh còn yêu cầu bán thuốc làm sao uống cho mau hết bệnh. Nhân viên bán hàng chỉ việc lấy thật nhiều thuốc cho uống. Nói chung là người bệnh cũng rất mù mờ.
Chúng ta phải có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Phải cải cách toàn bộ ngành Y tế từ tổ chức cho tới hệ thống luật pháp liên quan và phổ biến, phổ cập đến toàn dân kiến thức chăm sóc sức khỏe phổ thông.
Dưới góc độ người làm luật, tôi cho rằng cần có Luật Đấu thầu chuyên ngành y tế dù có vài phần trùng lắp với Luật Đấu thầu. Mục đích không đơn giản là giá cả mà phải hướng tới minh bạch, chất lượng. Trong đó, chấp nhận hoa hồng cho bác sĩ nhưng phải công khai, gắn liền với trách nhiệm.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe bà Nguyễn Thị Hoài Thu.