Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giáo viên 17 năm dạy hợp đồng: Từ dài hạn xuống ngắn hạn rồi “hết hạn”

“Huyện Tân Kỳ ngoài tôi còn có những giáo viên 21 năm sống đời giáo viên hợp đồng. Cứ từ hợp đồng dài hạn cho xuống ngắn hạn và rồi “gặp hạn” trong nghề luôn”, thầy Hoàng Anh Thái chia sẻ.

Những khó khăn, vất vả của giáo viên hợp đồng vẫn là câu chuyện mà lâu nay chúng ta “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Thế nhưng, suốt bao năm nay, nỗi khổ của họ ai cũng thấu, vậy mà thân phận giáo viên hợp đồng họ khổ vẫn hoàn khổ. Mặc dù, không ít giáo viên hợp đồng chuyên môn tốt, có cống hiến không nhỏ cho việc nâng cao và đổi mới giáo dục.

Thế nhưng, suốt bao năm cố gắng, phấn đấu, đợi chờ họ vẫn chỉ là …giáo viên hợp đồng không hơn không kém. Vẫn không có chút quyền lợi nào, lương vẫn không đủ sống. Có những người không thể đợi chờ thêm nữa nên đã “dứt áo” chấm dứt “duyên nợ” với ngành sư phạm mặc dù còn đam mê.

Đó là những câu chuyện có thật và cũng chẳng hề hiếm hoi. Chia sẻ về quãng thời gian đầy vất vả, cực nhọc trong 17 năm liên tiếp làm giáo viên hợp đồng. Thầy Hoàng Anh Thái - giáo viên trường tiểu học Nghĩa Phúc 1 (Nghĩa Phúc, Tân Kỳ, Nghệ An) cho hay: “ Tôi ra trường 2002, cũng chạy vạy đủ đường, nhờ vả đủ mối quan hệ thì bắt đầu được ký hợp đồng với huyện Tân Kỳ sau quãng thời gian 4 năm huyện không triển khai hợp đồng.

Ngày đó, với cơ chế của một giáo viên hợp đồng, số tiền lương tôi nhận được là 250 nghìn đồng/tháng. Cho đến những năm sau thì tăng dần lên 350 nghìn/tháng, 500 nghìn và đến những năm gần đây thì được 1,5 triệu.

Vợ tôi làm một nông dân chính gốc, với vai trò trụ cột gia đình hưởng mức lương giáo viên hợp đồng tôi không thể nào mà lo cho vợ con được.

Vì thế, ngoài giờ lên lớp, tôi đi làm thêm như trồng rừng, làm ruộng và xin đi làm thợ xây. Cứ công việc gì chân chính mà kiếm được tiền là làm”.

 

 Thầy Hoàng Anh Thái - giáo viên trường tiểu học Nghĩa Phúc 1 (Nghĩa Phúc, Tân Kỳ, Nghệ An)


Chia sẻ thêm về những đắng cay của giáo viên hợp đồng, thầy Hoàng Anh Thái ngậm ngùi: “Cũng kể từ đó, năm nào tôi cũng thấp thỏm chờ được ký hợp đồng mỗi khi hợp đồng sắp hết hạn.

Đến năm 2005, sau thời gian cống hiến và “chạy vạy” tôi bắt đầu được đóng bảo hiểm nhưng sau chưa đầy 2 năm thì bị chấm dứt việc đóng bảo hiểm.

Khốn khổ hơn nữa, tới năm 2008 UBND huyện Tân Kỳ chấm dứt hợp đồng với tất cả giáo viên trong huyện.Từ đây mỗi giáo viên phải tự tìm trường để xin ký hợp đồng cho bản thân mình.

Cứ thế năm này qua năm khác hai từ "hợp đồng” là nỗi ám ảnh của giáo viên chứ đừng nói đến hai từ “sang chảnh” như biên chế. Nhiều giáo viên “mai phục” mãi nhưng cũng không được ký hợp đồng.

Như tôi, luôn luôn phải tỏ ra thân thiện, được lòng các lãnh đạo để không bị gây khó khăn mỗi khi hợp đồng sắp hết hạn, mặc dù gần 20 chục năm công tác, chuyên môn cũng chẳng thua kém ai.

Ở huyện Tân Kỳ ngoài tôi còn có những giáo viên 21 năm sống đời giáo viên hợp đồng. Cứ từ hợp đồng dài hạn cho xuống ngắn hạn và rồi “hết hạn” trong nghề luôn. Có những giáo viên trên 20 năm hợp đồng nay cũng lại đang mong hai tiếng hợp đồng, cũng có những người mòn mỏi chờ đợi mãi không được nên đã chuyển nghề”.

“Cơ cực quá nhiều khi cũng muốn chấm dứt “duyên nợ” với nghề nhưng rồi tiếc vì năm nào cũng là giáo viên giỏi của trường, 4 năm là giáo viên giỏi huyện, sáng kiến cũng bậc 3 huyện, chỉ đam mê với việc đứng trên bục giảng, cầm phấn trắng và giảng bài. Vì thế nên lúc nào tôi cũng sống và làm việc trong cảnh đợi chờ biên chế nhưng đợi chờ mãi mà chỉ thấy… mất hút”, thầy Hoàng Anh Thái cho hay.

 Nhiều giáo viên giỏi đã chấm dứt "duyên nợ" với nghề vì chờ đợi quá mệt mỏi (ảnh minh họa)


Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thu Trang – giáo viên Tiểu học tại một trường thuộc Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho hay: “Cầm tấm bằng sư phạm ra trường năm 2010 tôi cũng chạy vạy khắp nơi để xin việc đến năm 2012 thì xin được đi dạy. Bạn bè học cùng ĐH tôi thời ấy có điều kiện là “chạy” được vào biên chế hết.

Bố mẹ thuần nông, nhà không có điều kiện nên tôi chỉ xin được làm giáo viên hợp đồng. Dạy hợp đồng thì nghỉ hè sẽ không có lương, đầu năm lại còn phải đến nhà thầy hiệu trưởng để xin được ký hợp đồng tiếp.

Tiền lương của giáo viên hợp đồng chỉ đủ để duy trì sinh hoạt, tiết kiệm được một chút thì lại để dành để sang năm “chạy” để được tiếp tục ký hợp đồng. Ở trường mình cũng có nhiều giáo viên dạy hợp đồng mãi nhưng không được vào biên chế nên…bỏ nghề mặc dù chuyên môn của các thầy cô ấy rất tốt”.