'Doanh nghiệp ôtô FDI đang lộ dần bản chất con buôn'
- 11:25 25-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đặt các nhà máy của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam, cho thấy các doanh nghiệp sản xuất ôtô trên địa bàn đang cắt giảm sản lượng sản xuất, chuyển sang nhập khẩu để phân phối.
"Ngành sản xuất xe có động cơ giảm 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng ôtô từ 5 đến 14 chỗ được sản xuất ước đạt chỉ 25.667 chiếc, bằng 91,6% so với mức 28.181 chiếc cùng kỳ 2016", số liệu từ báo cáo chỉ rõ.
Tại Hải Dương, nơi đặt nhà máy của Ford Việt Nam, thu ngân sách 6 tháng đầu năm từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 1.787 tỷ đồng, bằng 36% dự toán năm và bằng 93% cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sản lượng tiêu thụ của Ford Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này chủ yếu tiêu thụ xe nhập khẩu.
Theo báo cáo của VAMA, tính đến hết tháng 7/2017, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 10% trong khi xe nhập khẩu tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Lộ dần bản chất con buôn
Bình luận về động thái tạm ngừng hoặc dừng sản xuất, lắp ráp và chuyển qua nhập khẩu phân phối của các doanh nghiệp ôtô FDI, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tất cả đã nằm trong kế hoạch của họ.
"Khi các hãng FDI vào Việt Nam, chúng ta đã thuộc thành viên ASEAN và lộ trình giảm thuế trong khu vực các hãng đều nắm rõ. Những cam kết về nội địa hóa giúp các hãng FDI được ưu đãi về thuế rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay đến lúc Việt Nam phải giảm thuế theo lộ trình đã cam kết với các nước xung quanh thì họ chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, tiếp tục kinh doanh bán hàng. Điều này thể hiện bản chất lọc lõi, khôn ngoan và tìm mọi cách có lợi nhất cho mình của các nhà đầu tư nước ngoài", bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Hiện tại, dây chuyền sản xuất ôtô của Toyota Việt Nam tại Vĩnh Phúc chỉ lắp ráp 4 dòng xe gồm Innova, Vios, Corolla Altis và Camry. Dòng SUV Toyota Fortuner được nhập khẩu từ Indonesia và sẽ hưởng mức thuế suất 0% từ năm 2018.
Honda Việt Nam cũng chỉ lắp ráp 2 dòng xe City và CR-V. Các sản phẩm như Civic, Accord, Odyssey đều được nhập khẩu. Phiên bản mới của Honda CR-V với động cơ 1.5L tăng áp mới nhiều khả năng cũng sẽ được nhập khẩu thay vì lắp ráp trong nước.
Với Ford Việt Nam, liên doanh xe Mỹ hiện dựa vào thế mạnh của dòng bán tải Ranger nhập khẩu từ Thái Lan.
Bất chấp thị trường sụt giảm, thị phần 7 tháng đầu 2017 của các doanh nghiệp FDI như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam hay Honda Việt Nam đều tăng nhẹ so với cùng kỳ 2016. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Theo chuyên gia về lĩnh vực ôtô Nguyễn Minh Đồng, việc ngừng sản xuất, lắp ráp chuyển qua nhập khẩu là bước đi bắt buộc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi không còn ưu đãi về chính sách, các hãng không dại gì đầu tư ở Việt Nam, thay vào đó họ đầu tư mở rộng sản xuất ở những nước có nền công nghiệp ôtô và phụ trợ phát triển như Thái Lan, Indonesia hay Ấn Độ.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng với các doanh nghiệp ôtô FDI, việc gì có lợi là họ làm. Trước thời điểm thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, dung lượng thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ, việc sản xuất, lắp ráp không hiệu quả, các hãng FDI chuyển qua nhập khẩu hoặc thậm chí rút đi là viễn cảnh có thể nhìn thấy rõ.
"Sau khi chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam năm 2002 thất bại hoàn toàn, chiến lược năm 2014 đã mang đến cho các nhà đầu tư nước ngoài quá nhiều ưu đãi. Cho đến hiện tại, nền công nghiệp ôtô Việt Nam dựa trên trụ cột các FDI chỉ mất chứ không hề được", ông Ngô Trí Long nhận định.
Giảm giá nhiều, doanh nghiệp chỉ bớt lãi chứ không lỗ
Thị trường ôtô Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tiếp đón nhận những cơn bão giảm giá. Chưa khi nào giá xe giảm nhiều và liên tục trên bình diện rộng như 2017. Đây được xem là bước chuẩn bị cho năm 2018, khi thuế suất nhập khẩu từ ASEAN về 0%, đồng thời cũng là để kích cầu, cứu thị trường khỏi đà giảm sâu trong năm nay.
Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng trong bối cảnh thị trường ôtô đi xuống, các hãng xe buộc phải giảm giá nhưng họ vẫn có lợi nhuận rất nhiều, vì nếu không chắc chắn họ sẽ ngừng và không làm nữa, đặc biệt với các doanh nghiệp FDI. "Quy mô thị trường Việt Nam chưa đủ lớn đến mức họ phải chấp nhận thua lỗ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh", chuyên gia này nhận định.
"Trước đây họ được quyền bán giá rất cao. So sánh cho thấy giá ôtô ở Việt Nam cao gấp 2 lần ở Mỹ, người tiêu dùng Việt Nam phải chịu mức giá cao đến phi lý. Hiện nay, giá xe có giảm nhưng lợi nhuận của các hãng chỉ ít đi chứ không thua lỗ", bà Phạm Chi Lan nói thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá chỉ là một yếu tố quyết định đến lợi nhuận. Khi giá giảm, lợi nhuận chắc chắn giảm, nhưng với các doanh nghiệp ôtô FDI, họ sẽ có những thay đổi về sản xuất, chuyển qua nhập khẩu để bù đắp chi phí.
Trên thực tế, những mẫu xe giảm giá nhiều nhất tại Việt Nam từ đầu năm đến nay là sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước như Trường Hải hay Hyundai Thành Công. Trong bảng so sánh giá các đối thủ cùng phân khúc, sản phẩm của các doanh nghiệp FDI vẫn đang cao hơn khá nhiều.
Giá bán các mẫu ôtô của Toyota, Honda lắp ráp trong nước đắt hơn sản phẩm cùng phân khúc của Trường Hải và các nước trong khu vực. |
So với các nước trong khu vực, giá bán cho các mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam như Toyota Vios, Honda City hay Toyota Innova cũng đang cao hơn model cùng phiên bản hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Nhìn nhận về viễn cảnh thị trường trong thời gian tới, bà Phạm Chi Lan cho rằng việc nhà nước giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN về 0% trong năm 2018 theo lộ trình cam kết từ trước là một động thái tốt đối với người tiêu dùng trong nước, bởi người dân xứng đáng được mua những chiếc xe giá rẻ với chất lượng tốt. Đó cũng sẽ là một trong những yếu tố giúp nhìn nhận rõ chiến lược và sự gắn bó của từng nhà sản xuất với người tiêu dùng và thị trường Việt Nam.