Lý do mọi nhà nên cúng rằm tháng 7 trước ngày 15 âm lịch
- 09:28 25-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vì sao cúng rằm tháng 7 trước ngày 15 âm lịch?
Cúng rằm tháng 7 phải trước ngày 15 Âm lịch. Ảnh minh họa. |
Cùng với rằm tháng Giêng thì rằm tháng 7 luôn là một trong những ngày rằm lớn nhất trong năm. Và hầu hết mọi nhà đều không cúng thổ công, gia tiên, ông bà đúng ngày rằm. Ngược lại, mọi người đều cúng trước ngày rằm tháng 7 khoảng 1 tuần hoặc trước đó vài ngày.
Lý do là bởi, rằm tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là ngày lễ Vu Lan (báo hiếu). Rằm tháng 7 âm lịch cũng là ngày lễ cúng cô hồn hoặc còn gọi là ngày xá tội vong nhân.
Chính vì thế, người Việt Nam thường quan niệm, nếu lễ cúng thực hiện vào chính ngày rằm tháng 7 sẽ không tốt. Bởi khi ấy, sẽ có rất nhiều vong hồn được "thả" đi lang thang. Tổ tiên và người nhà của họ ở thế giới bên kia sẽ có thể không nhận được gì của con cháu cúng tế.
Trong lễ cúng rằm tháng 7, vì thế họ cũng phân chia rạch ròi 2 lễ cúng quan trọng. Đó chính là lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn. Nếu như lễ Vu Lan là lễ để cầu siêu cho cha mẹ và ông bà bảy đời và báo hiếu thì lễ cúng cô hồn là lễ để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng nhằm làm phúc. Vì thế, bạn tuyệt đối không được nhầm 2 lễ này với nhau.
Chính bởi điều này mà mọi nhà thường chuẩn bị thịnh soạn mâm cúng thổ công, gia tiên ông bà và cúng trước ngày rằm tháng 7 vài ngày.
Thậm chí, cứ từ ngày mùng 10 đến trước ngày chính rằm, các gia đình cúng xong cũng thường hóa vàng mã trước ngày này. Họ tin rằng, nếu cúng ngày chính rằm tháng Bảy, do Phật tổ xá tội vong nhân trong vòng 1 ngày, mọi linh hồn kể cả tội lỗi, quỷ dữ dạ xoa đều được tự do.
Nên nếu cúng các cụ đúng ngày này thì sợ bị những linh hồn này phá phách, rước thêm âm binh và cô hồn vào trong nhà mình cho dù ta đã cúng cháo cho họ. Vậy nên các cụ có thể không nhận được gì con cháu cúng tế.
Cũng theo quan niệm dân gian thì vào ngày rằm tháng 7 sẽ có rất nhiều vong hồn được "thả" đi lang thang nên nếu ta hóa vàng mã vào ngày chính rằm thì sẽ bị cướp, giật mất người thân khó nhận.
Do vậy trên quần áo, đồ đạc hàng mã thường sẽ ghi rõ tên người nhận, khi cúng cũng đọc rõ tên và xin phép các thần linh thổ địa cho phép vong vào nhận đồ, cúng trước và hóa trước để người thân dễ nhận được.
Những lưu ý không nên bỏ qua
Các gia đình nên coi rằm tháng 7 là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện. Ảnh minh họa |
Trên Vietnamnet, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho biết, nhiều người gọi Rằm tháng 7 là “Tết quỷ” nhưng thật ra khái niệm này xuất phát Trung Quốc. Trong dân gian, người Việt gọi đây là dịp “Địa quan xá tội” hay “Xá tội vong nhân”.
Theo đó, cứ đến ngày Rằm tháng 7 (15-7 âm lịch), Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, thường là trở về tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát.
Đến sau 12 giờ đêm ngày 15/7 thì các ma quỷ phải quay trở về địa ngục. Vì thế vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch người Việt thường sắm cỗ cúng “cô hồn” để các hồn ma không quấy phá.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh đây là tập tục được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các gia đình nên coi như đây là dịp cúng bái tưởng nhớ đến tổ tiên, tích cực làm việc thiện chứ không nên sa đà, hoang phí đốt vàng mã, mâm cao cỗ đầy.
Theo nhà nghiên cứu này, mâm cỗ cúng cô hồn thường có: 1 đĩa muối, gạo, cháo trắng loãng, giấy áo, giấy tiền, mía, bánh kẹo tiền mặt (tiền thật), trái cây 5 màu, khoai lang lục, 3 ly nước, 3 cây nhang và 2 ngọn nến.
Ông cho biết, sở dĩ không thể thiếu cháo loãng vì dân gian quan niệm rằng, những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Muối và gạo sau khi cúng xong phải rải xuống đường mang ý nghĩa tiễn cô hồn đi.