Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tâm sự cay đắng của giáo viên “đổi tình” để được…vào biên chế

“Ngoài tôi ra, nhiều giáo viên khác cũng phải đánh đổi không chỉ tiền và cả những thứ khác nhau chỉ để được “vào biên chế”, cô N.TT xót xa.

Câu chuyện cay đắng của một giáo viên chấp nhận quan hệ với thầy hiệu phó để được vào biên chế đã khiến dư luận dậy sóng những ngày qua.

Theo đó, để được vào biên chế ngành giáo dục, cô N.T.T. (SN 1984, nguyên giáo viên hợp đồng theo tháng của một trường tiểu học tỉnh Đắk Lắk) đã chấp nhận quan hệ tình cảm với thầy hiệu phó của trường này.

Điều đáng nói, thầy hiệu phó nhà trường đòi quay lại clip ghi lại cảnh hai người yêu thương nhau để làm kỷ niệm và cô T. đã đồng ý. Một thời gian dài sau, cô T. đòi chia tay thầy hiệu phó vì sợ gia đình và đồng nghiệp phát hiện thì thầy này đã liên tục nhắn tin đe dọa và đánh cô T.

Do đó vị hiệu phó này đã che mặt mình và tung toàn bộ clip sex của hai người lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình của cô T.

 Giáo viên phái chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để...vào biên chế (ảnh minh họa)

Chiều 23/8, chia sẻ với PV báo điện tử Infonet, cô N.T.T. nói trong cay đắng: “Năm 2007, tôi tốt nghiệp Cử nhân Giáo dục Tiểu học tại ĐH Tây Nguyên. Thế nhưng chật vật mãi cũng không xin vào được cơ sở giáo dục nào.

Đến năm 2013, do một số mối quan hệ quen biết của chồng, tôi xin vào dạy hợp đồng tại một trường tiểu học theo diện hợp đồng 1 năm. Thân phận giáo viên hợp đồng xót xa lắm, trong trường giáo viên hợp đồng cũng không có tiếng nói gì.

Dù tiền lương ít ỏi không đủ trang trại cuộc sống, thế nhưng mỗi lần hết thời hạn hợp đồng những giáo viên như chúng tôi lại phải mất thêm một khoản tiền hoặc đánh đổi một điều gì đó để có thể tiếp tục được gia hạn hợp đồng. Vì thế, nỗi lo gia hạn hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lúc nào cũng thường trực trong tâm trí tôi.

Dù đã đứng lớp được gần 4 năm, với những lứa học sinh chất lượng khá cao nhưng tôi vẫn là thân phận giáo viên hợp đồng từng năm một. Mỗi tháng tôi chỉ nhận được số tiền lương là hơn 3 triệu một chút, trừ tiền xăng xe, ăn uống thì cũng chẳng còn đáng bao nhiêu. Dù thế, tôi vẫn cố bám trụ với hy vọng một ngày nào đó được biên chế”.

Cô T. ngậm ngùi: “Biên chế với giáo viên là một điều gì đó xa vời lắm. Để được vào biên chế, bản thân tôi đã chịu sự uy hiếp từ phía thầy hiệu phó nhà trường và cuối cùng là câu chuyện đau đớn như hôm nay. Tôi biết, ngoài tôi ra, nhiều giáo viên khác cũng phải đánh đổi không chỉ tiền và cả những thứ khác nhau chỉ để được “vào biên chế”.

Nói thật, đứng trên bục giảng với thân phận giáo viên hợp đồng phải đối phó với vô vàn nỗi khó khăn. Đầu tiên là giáo viên lâu năm soi mói, để ý, gây khó dễ. Rồi được mấy đồng lương phải làm sao để vừa lòng đồng nghiệp và quan trọng là vừa lòng lãnh đạo. Ngày lễ, cũng phải “cái nọ, cái kia” đến nhà lãnh đạo”.

Dù là nạn nhân của cuộc chạy đua vào biên chế, sau những đau đớn ê chề thế nhưng khi hỏi, chị có muốn tiếp tục làm giáo viên không, chị T vẫn một mực: “Đương nhiên rồi, tôi vẫn khát khao được đứng trên bục giảng vì tôi rất yêu trẻ, tôi cũng rất mong được vào biên chế của một trường nào đó để cuộc sống ổn định hơn. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ từ bỏ bục giảng và thôi khát khao được vào biên chế. Hiện nay tôi không còn dạy ở trường tiểu học này từ tháng 10/2016. Dù vậy tôi vẫn đi dạy cho một trung tâm và làm đủ nghề khác nhau để duy trì cuộc sống chờ một ngày…được vào biên chế.

Được vào biên chế, giáo viên chúng tôi được hưởng nhiều chế độ và quan trọng hơn là sự ổn định để có thể an tâm chăm lo cho gia đình. Là một giáo viên hợp đồng lâu năm, tôi đã thấm thía đầy đủ những ê chề, áp lực của giáo viên hợp đồng. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng trong tình trạng lo lắng về việc sẽ bị chấm dứt hợp đồng”.