Vườn cây bạc tỷ và nỗi lo 'chết trên kho báu vô giá'
- 16:26 23-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thu bạc tỷ từ trồng thảo dược
Những năm gần đây, thay bằng trồng lúa, trồng cây cảnh, người dân một số vùng ở Nam Định chuyển sang trồng cây dược liệu đinh lăng. Bởi với họ, đây không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây giúp họ làm giàu.
Ông Lâm Văn Tinh, xóm 10 xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định), một trong rất nhiều hộ chặt bỏ cây cảnh để trông đinh lăng cho biết, cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ chăm sóc, kinh phí đầu tư ban đầu ít. Khi trồng chỉ cần bón một ít phân chuồng để mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt.
Nếu trồng một sào, 3 năm sau cho thu nhập từ 150-70 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi một năm cho thu nhập ròng 19-21 triệu đồng/năm (tương đương 520-580 triệu đồng/ha/năm). Vì vậy, trồng và chế biến đinh lăng đang được xem là “nền kinh tế xanh” của địa phương.
Nhờ trồng các loại cây thảo dược mà nhiều nông dân thoát được cảnh nghèo đói, thu bạc tỷ |
Tương tự, ông Phạm Quốc Hoàn, người nông dân được mệnh danh là tỷ phú với vườn đinh lăng hơn 4 mẫu cho biết, ông trồng cây đinh lăng từ năm 1994 và loại cây dược liệu này đã không phụ lòng người tâm huyết với nó. Thế nên, đứa con trai út của ông, sau khi tốt nghiệp đại học, đang có ý định ở lại quê hương, tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng của gia đình.
Chỉ vào vườn đinh lăng 3 tuổi của mình, ông chia sẻ: “Đã có thương lái trả tôi 1 tỷ, nhưng tôi không bán. Tôi cứ để đó, để càng lâu càng có giá, hơn nữa, tôi còn tận dụng lấy giống trồng gối vụ”.
Thực tế, tại Hội thảo “Thảo dược thiên nhiên với sức khỏe con người”, bà Trần Thị Hồng Phương, đại diện Cục Quản lý y dược cổ truyền, cho biết, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở nước ta cực kỳ lớn. Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng,... đều là những tỉnh có lợi thế về phát triển cây dược liệu.
Bà Phương thừa nhận, nuôi trồng dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, gấp 3-10 lần trồng lúa. Đơn cử, hiện nay nguồn đinh lăng được nuôi trồng ở Nam Định, giá trị thu được là 900 triệu/ha;, dương quy cho thu 500-900 triệu/ha, sinh địa thu 300-400 triệu/ha,...
Làm theo chuỗi, tránh bị thu gom tận diệt
Theo bà Phương, thời gian tới, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp trong việc trồng và phát triển dược liệu; thực hiện xây dựng các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất tới thu hoạch, chế biến và phân phối ra thị trường, tránh tình trạng với xuất dược liệu thô với giá rẻ.
“Xuất khẩu dược liệu thô giá trị rất thấp. Vừa rồi chúng ta thấy có rất nhiều thương lái Trung Quốc sang thu mua tận diệt nguồn dược liệu quý hiếm của Việt Nam. Sau đó, họ đưa về nước dùng công nghệ cao xử lý rồi lại đưa sang Việt Nam bán với giá đắt đỏ”, bà Phương chia sẻ.
Các chuyên gia cho rằng, nên sản xuất dược liệu theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, tránh bị thương lái Trung Quốc gom mua với giá rẻ |
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, đã đến lúc cần quan tâm đúng mức đến việc khai thác những giá trị tiềm ẩn của cây thuốc, từ khâu bảo tồn, trồng trọt, khai thác đến thu hái, sản xuất, chế biến, phân phối. Hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín này, chúng ta có thể biến nguồn dược liệu quý thành hành hóa có giá trị cao, được tiêu thụ rộng rãi. Đây vừa là giải pháp hữu hiệu nâng cao sức khỏe toàn dân, vừa góp phần cân bằng hệ sinh thái và phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Tiến, với điều kiện thiên nhiên nhiều ưu đãi, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn dược liệu. Song, nhiều loại dược liệu quý có thể thuốc chữa bệnh nhưng chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị, dẫn đến hiệu quả thấp hay khai thác chế biến còn bất cập nên có nguy cơ cạn kiệt; đặc biệt, việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến dược liệu còn manh mún.
Bà Thái Hương chủ thương hiệu TH true Herbal cho hay, Việt Nam cũng là 1 trong 15 nước trên thế giới có trong bản đồ dược liệu. Tuy nhiên, người Việt Nam lại đang chết trên kho tàng vô giá về dược liệu, thảo dược vì không biết khai thác và giữ gìn.
“Thế nên, chúng tôi sẽ đi theo hướng organic, sạch từ trên núi có độ cao từ 1.000-1.500m so với mực nước biển. Ở đó có nguồn nước đầu nguồn rất sạch, đất cũng sạch như các vùng núi ở Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang”. Hiện doanh nghiệp của bà đã trồng được 15.000 ha diện tích thảo dược và sắp tới sẽ mở rộng thêm.
“Chúng tôi đề xuất làm kinh tế thảo dược dưới tán rừng đặc dụng và có thể kết hợp làm du lịch sinh thái”, bà Hương cho hay. Mô hình hoạt động sẽ theo chuỗi, nông dân trồng, thu hái, còn doanh nghiệp có kỹ thuật khoa học, có thị trường tiêu thụ, lại hạn chế được nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc). Hai bên kết hợp với nhau sẽ tạo hiệu quả cao hơn. Mô hình này đã thực hiện thành công tại Nghệ An.