Câu chuyện 'con gái mà lấy chồng xa, một là mất giỗ, hai là mất con' khiến những cô gái lập nghiệp xứ người nhói lòng
- 22:12 22-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Là một câu chuyện được kể từ một cô gái sinh năm 1988 người Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình gia giáo và khá giả, bản tính thông minh cộng với sự chăm chỉ giúp cô có được tấm bằng đại học loại xuất sắc khi ra trường.
Dù bố mẹ đã nhờ một vài mối quan hệ để xin việc tại một cơ sở ở Nghệ An, tuy nhiên, với ý chí, tham vọng cao ngút ngàn của một cô gái 22 tuổi rằng sẽ bám trụ Hà Nội để thay đổi cuộc sống kiểu công chức bình thường như gia đình, tìm kiếm một kiểu sống hiện đại hơn, cô đã xin bố mẹ cho ở lại Hà Nội.
Và rồi, cô cũng xin vào công ty xuất nhập khẩu, công việc giống như những gì bản thân mong ước, một môi trường thật sự năng động cho cô thể hiện năng lực. Tại đây, cô cũng gặp và yêu người chồng hiện tại. Anh khi đó là kế toán trưởng của một phòng ban, bố anh là giáo viên đại học, mẹ là bác sĩ, gia đình cũng thuộc dạng có điều kiện.
Quyết định ở lại thành phố lập nghiệp rồi lấy chồng ở đây cũng đồng nghĩa với việc sẽ rất ít khi cô gái được về thăm gia đình. Ảnh minh họa: Internet. |
Cô viết: 'Đọc đến đây có lẽ nhiều bạn nghĩ, chị kể chị đang khóc chắc lại là chồng bồ bịch lăng nhăng. Nhưng không phải các em ạ, chị đang buồn cho bản thân chị.
Sau khi chị ra trường đi làm một thời gian, ở quê bà ngoại chị ốm nặng. Từ nhỏ tới lớn, chị em chị luôn sống có bà bên cạnh. Đi học Tết hay hè về bà đều cho tiền, tuy ít ỏi nhưng chị cảm thấy rất quý và thương bà rất nhiều. Thời gian bà ốm, cũng vì công việc bận rộn nên chị không thể sắp xếp thời gian về thăm bà được, chứ không phải như thời đang học đại học. Mỗi tối về muộn, thỉnh thoảng chị kịp gọi dăm ba câu hỏi han bố mẹ, em và bà.
Bà ngoại ốm nặng khoảng 3 tháng sau thì bà mất, khi bà mất công ty cũng cho chị đi phép được 3 ngày. Khi về đến nhà thì mọi người đang chờ để mang bà đi hỏa táng, chị cũng không thể nhìn được bà lần cuối cùng, mọi người đều nói rằng bà rất mong chờ và cứ gọi tên chị. Chị đã khóc vì ân hận, trách móc bản thân.
Rồi mọi việc lại trôi qua. Chị lấy chồng, ở riêng và sinh bé trai đầu lòng. Hết tháng ở cữ mẹ chồng và chồng chăm thì mẹ chị ra để chăm cháu đến khi con chị 5 tháng, thực ra là mẹ cũng đi đi về về Vinh - Hà Nội. Mẹ chị bị bệnh tiền đình, say xe, mỗi lần đi ra đây đều nằm liệt cả ngày rồi mới tỉnh dậy chơi với cháu. Chị thương mẹ vô cùng, cứ nghĩ vì mình mà lại làm khổ mẹ. Khi con được hơn 5 tháng, mẹ chị về, chị thuê giúp việc rồi đi làm, ông bà nội cũng thỉnh thoảng sang chơi với cháu.
Sau đó vài tuần chị nhận tin ông nội của chị ở quê lại bị tai biến nặng, chị xin về thăm ông, nhưng nhà chồng không cho, nói rằng con đang nhỏ. Ông bị tai biến nặng nên phải sống thực vật, mặc dù nhà của các cậu các o (các cô) ở gần nhưng bố mẹ chị cũng rất vất vả sang chăm ông, trực viện… Ngồi lủi thủi chị lại suy nghĩ, lại khóc, lại ân hận…
Một năm sau, ông cũng qua đời, chị cũng phần vì con nhỏ, phần vì công việc nên không thể về được, đành đợi gần Tết thu xếp về quê cùng chồng và con rồi thắp hương cho ông. Khi đó, ngồi trước mộ ông chị khóc nức nở, vì nghĩ mình là đứa cháu bất hiếu, vì không lo được gì cho ông bà.
Bây giờ chị đang mang bầu bé thứ 2, vì thằng anh mới 4 tuổi rưỡi nên mẹ chị lại phải đi Vinh - Hà Nội chăm cháu. Bầu được 5 tháng, bố chị lại bị cao huyết áp, ngất xỉu phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Mình xin mẹ chồng về chăm bố vài ngày, nhà chồng chị đồng ý. Nhưng sau đó mẹ chồng chị phải đi cấp cứu vì bà bị bệnh tim, chồng lại đi công tác xa, 2 chị gái chồng thì 1 người sống trong Sài Gòn, một người đang định cư ở nước ngoài nên một lần nữa chị lại phải ở lại nấu cháo, trực viện mẹ chồng mà không thể về quê chăm bố đẻ.
Đi làm về, chị đón con, may mà bác giúp việc lo việc nhà và nấu sẵn cháo, ăn vội bát cơm chị lại chạy lên viện đưa cho mẹ chồng, trực bà đến 10h đêm thì bố chồng đến thay cho về. Và giờ là 2h sáng, sau khi hoàn thành được đống giấy tờ mai nộp sếp, chị sang phòng con ngó xem nó ngủ chưa, lại quay về phòng làm việc lủi thủi ngồi khóc.
Đúng là bố mẹ chị mất con thật các em ạ, lo cho con ăn học nên người, khi trưởng thành chưa kịp đền đáp công ơn bố mẹ thì lại tất bật lo cho một gia đình xa lạ khác. Ảnh minh họa: Internet. |
Các em ạ, chị không vơ đũa cả nắm, cuộc sống có người này người kia, nhưng đúng là thiệt thòi nhất là con gái lấy chồng xa bố mẹ. Bố mẹ nuôi cho ăn học, lớn khôn thành người, học đại học nhiều ước mơ hoài bão, những vẫn ở trong vòng tay bố mẹ thì cuộc sống vẫn còn màu hồng, vẫn còn mơ ước và lắm dự định cao ngút trên trời. Nhưng lấy chồng xong, bố mẹ mình mất đi một đứa con, cho dù nhiều dự định nhưng việc lấy chồng sinh con cũng là một rào cản của người phụ nữ các em ạ, con đường để hiện thực hóa cái giấc mơ màu hồng đó ngày càng gian nan hơn.
Đàn bà không giống như đàn ông. Chưa kể cuộc sống vợ chồng có lúc thế này thế khác, lúc cơm không lành canh không ngọt, cãi vã giận hờn không biết chia sẻ cùng ai, cứ giữ trong lòng không bao giờ kể cho bố mẹ mình vì sợ bố mẹ buồn, càng không dám kể cho bố mẹ chồng, chỉ nhìn vào 2 đứa con mà tự an ủi mình…
Bây giờ chị mới thấm thía câu nói 'con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần mẹ cũng mang cho, con gái mà lấy chồng xa, một là mất giỗ, hai là mất con'. Đúng là bố mẹ chị mất con thật các em ạ, mỗi lần nghĩ tới gia đình là tim chị đau thắt lại. Lo cho con ăn học nên người, khi trưởng thành chưa kịp đền đáp công ơn bố mẹ thì lại tất bật lo cho một gia đình xa lạ khác.
Đừng có nói là do số phận, hay vì yêu một chàng trai mà đổ lỗi duyên số không thể về gần bố mẹ, tất cả là do mình quyết định và chọn lựa các em ạ. Về gần bố mẹ, ăn ít đi một tý, tiêu ít đi một tý nhưng được chăm sóc bố mẹ, thỉnh thoảng mua cái quà cái bánh cho bố mẹ, còn hơn là đến tháng gửi tiền về rồi khi bố mẹ nhắm mắt xuôi tay cũng không thể ở bên.
Mặc dù biết cuộc sống là phải ước mơ hoài bão, nhưng cái ước mơ mỗi thời điểm nó sẽ khác nhau, như cái gu âm nhạc của mỗi thế hệ, cứ mỗi lớn lại bớt trẻ trâu đi. Đến khi chị hiểu ra thì mọi thứ không thể thay đổi được. Nên chị khuyên các em rất chân thành, hãy nghĩ đến bố mẹ các em trước.
Đây là cảm xúc của chị, chị viết ra để nhẹ nỗi lòng. Sáng mai chị vẫn phải đi làm, tối về vẫn trực viện mẹ chồng và bố chị cũng vẫn đang nằm viện. Buồn, thật sự rất buồn và hối hận…'.
Câu chuyện trên của cô khi được đăng tải trên một trang confession đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng. Dù chưa xác minh được tính thực hư, song có lẽ bởi nó chạm tới tâm sự của rất nhiều những cô gái lấy chồng xa xứ nên có vô số lời bình luận và chia sẻ bày tỏ sự đồng cảm.
Tính đến nay, sau khoảng 1 ngày đăng tải, câu chuyện này đã có tới hơn 22.000 lượt like, gần 2.000 lượt chia sẻ và hàng nghìn lượt người bình luận khác.
Nhiều cô gái trẻ không khỏi tỏ ra ngậm ngùi, đồng cảm. Dù học hành thành đạt, dù thông minh xinh đẹp, nhưng bởi vì bản tính muốn vươn lên, muốn thoát ra khỏi những góc 'ao làng' mà lựa chọn lập nghiệp nơi xứ người, xa gia đình, xa bố mẹ, để rồi không biết bao nhiêu lần yếu đuối, hối hận vì trong những thời khắc quan trọng, khi cha đau mẹ ốm, khi nhà mẹ đẻ giỗ chạp cưới xin… vẫn chẳng thể có mặt kịp lúc, không ít người vì thế mà mang nỗi ân hận suốt đời.
Dù vậy, cũng có những người đưa ra lời khuyên, rằng mỗi người có một số phận, có cá tính cũng như ý chí riêng. Với phụ nữ, an phận thủ thường là điều tốt, tuy nhiên một người phụ nữ hiện đại chắc chắn phải là một người biết vươn lên, dù trên chặng đường đời rất dài ấy.
Họ sẽ có lúc yếu đuối, sẽ có lúc rất nhớ nhà, sẽ có lúc tủi thân bật khóc… nhưng chắc chắn không được bỏ cuộc. Vì đó là lựa chọn, vì đó là cuộc sống, và vì phía sau họ vẫn còn một gia đình nữa!