Nghẹn lòng nỗi đau của chàng trai Sơn La nhiều đêm không ngủ vì nhớ vợ và đứa con chưa kịp chào đời
- 09:01 17-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cách đây 2 ngày, tôi có dịp theo Đoàn Thanh niên Bộ Y tế lên cứu trợ đồng bào khó khăn sau lũ quét ở huyện Mường La (Sơn La). Đã hai tuần sau trận lũ quét đi qua nhưng hậu quả của thiên tai để lại quá nặng nề, cuộc sống của người dân khó khăn chồng chất.
Ngày trước, tôi chỉ biết, cảm nhận được mức độ tàn khốc của thiên tai mà người dân ở các tỉnh như Yên Bái, Sơn La hứng chịu qua mạng xã hội, báo chí… Có cơ hội được đặt chân đến nơi đây tôi mới nhìn rõ hơn về cuộc sống khổ cực của người dân vùng lũ. Họ không còn nhà để ở, không còn gạo để ăn, tất cả đã bị lũ cuốn trôi.
Huyện Mường La vào những ngày này có đông đảo đoàn tình nguyện từ nhiều tỉnh thành trong nước lên cứu trợ. Xã Nặm Păm là nơi thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét. Đoàn tình nguyện chúng tôi cũng đến đây để chia sẻ khó khăn với đồng bào.
Suốt quãng đường 8km từ thị trấn vào trung tâm xã là ngổn ngang gạch đá, để đi được vào đến đó chỉ có hai cách là đi xe tải ben hoặc đi bộ. Dọc đường đi lâu lâu chúng tôi lại bắt gặp một ngôi nhà chỉ còn một bức tường, xe máy bị vùi dưới đất…
Đường vào xã Nặm Păm di chuyển khó khăn. Ảnh: Ngọc Thi |
Đau xót hơn, nghe người dân địa phương nơi đây kể lại, trước đây Nặm Păm là một vùng đất xinh đẹp như thiếu nữ miền ngược với sông suối hiền hòa. Xung quanh con đường là những ngôi nhà sàn của đồng bào đan xen những thửa ruộng xanh bát ngát. Và người dân nơi đây thì cần cù, chăm chỉ hiền lành như đất.
Còn giờ đây, chúng trở nên hoang tàn, ngổn ngang, nhà văn hóa, điểm trường học và nhiều công trình bị phá hủy. Có nhiều bản trong vùng đất ấy đang bị cô lập hoàn toàn, nhà cửa bị cuốn trôi. Nhiều đứa trẻ ở tuổi "biết ăn, biết ngủ là ngoan" vĩnh viễn mất đi những đấng sinh thành.
Đi cùng chuyến xe với chúng tôi có anh Lò Văn Cu và em Lò Văn Hóa (Bản Hốc). Họ là hai chú cháu. Hôm đó, họ lên trung tâm xã vì được thông báo có đoàn tình nguyện về cứu trợ, tặng quà cho những gia đình mất người thân, nhà cửa cuốn trôi sau lũ.
Xã Nặm Păm ngồn ngang gạch đá, nhiều nhà cửa người dân bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: Ngọc Thi |
Anh Cu năm nay 31 tuổi, có dáng người nhỏ thó, khuôn mặt buồn rười rượi. Người đàn ông nói tiếng phổ thông câu được câu không.
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều lúc anh lại lấy tiếng dân tộc thế vào những từ phổ thông mà mình không biết. Có lẽ, anh nói rõ và to nhất là hai từ “cảm ơn” khi nhận được những món quà của các đoàn tình nguyện.
Anh kể, đêm hôm đó lũ về, anh và người vợ của mình cũng thu xếp tư trang cần thiết để di dời đến nơi an toàn. Nhưng không may mắn, trên đường di chuyển vợ anh và con gái đầu hơn 1 tuổi bị lũ cuốn trôi. Vợ anh đang mang bầu đứa con thứ hai. Bản thân anh cũng bị nước lũ cuốn đi nhưng anh túm được gốc cây may mắn sống sót.
“Tôi không còn nhà nữa, giờ ở nhờ nhà mẹ đẻ thôi. Mấy ngày nay buồn lắm, nhớ vợ lắm. Tôi ở với vợ với con quen rồi, giờ ở nhà mẹ thế này không quen nên nhiều đêm ngủ không say đâu. Cứ thấy có đoàn tình nguyện lên là tôi ra xã chơi cho đỡ buồn”, anh Cu cho biết.
Anh Lò Văn Cu (bên phải) và cháu họ Lò Văn Hóa. Ảnh: Ngọc Thi |
Sau trận lũ đó, anh chẳng còn gì, mảnh đất mà ngôi nhà anh dựng trước đây hiện là đống đá không biết từ đâu đổ về. Nhưng, có lẽ, một người từng có gia đình hạnh phúc, đủ vợ đủ con giờ phải chịu cảnh côi cút, đó là nỗi đau lớn nhất.
Những ngày này, lại một lần nữa, đồng bào huyện Mường La (Sơn La) oằn mình vì lũ quét. Mưa lớn khiến giao thông tại Mường La bị chia cắt, nhiều bản làng bị cô lập, công tác cứu trợ của lực lượng chức năng gặp muôn vàn khó khăn.
Có lẽ, còn có nhiều câu chuyện đau thương giống như gia đình anh Cu mà tôi chưa biết. Thảm họa thiên nhiên không có gì ngăn nổi, trong chốc lát đã cướp đi cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc nơi đây. Những trận lũ đi qua để lại những tiếng khóc than, sự đau thương mất mát ám ảnh lòng người.