Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Con mắc bệnh tự cắn xé bản thân, cha mẹ đưa đi thầy cúng trừ tà

Thấy mỗi lần con ăn vào là ói ra ngay, có các cơn đau quằn quại và gần như không đi cầu suốt nửa năm, nghĩ con bị tà ma nhập, bố mẹ liền đưa bé đi cúng thầy để trừ tà.

Cách đây chừng 6 tháng, bé Quỳnh An (13 tuổi, ngụ Bình Dương) bị nóng sốt sau khi đi chơi về. Khi hết mệt, Quỳnh An lại thường xuyên thèm ăn, nhưng mỗi lần ăn vào, bụng của bé căng cứng, đau nhức, bị ói ra ngay.

Càng ngày các cơn đau bụng xuất hiện nhiều hơn, bé An bị sụt cân trầm trọng. Nghĩ con bị trúng tà ma, gia đình vội đưa bé tới thầy cúng để trừ tà. 3 tuần sau, bé lại càng gầy gò hơn.

 Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm hỏi sức khỏe bệnh nhi sau ca phẫu thuật

Lúc này, bố mẹ mới đưa con đi nhập viện ở TP.HCM. Bé được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh về dạ dày và được điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, suốt 2 tháng chữa trị, tình trạng bé không thuyên giảm.

Bé lại được chuyển tới bệnh viện nhi. Bác sĩ nhận định bị bệnh tâm lý nên giới thiệu đến một trung tâm điều trị, song sức khỏe bệnh nhi không có tiến triển.

Từ trọng lượng 34kg trước lúc bị bệnh, hơn nửa năm sau, Quỳnh An chỉ còn 24kg, cơ thể suy kiệt đến không còn tự đi lại được.

Dù vẫn có cảm giác thèm ăn, nhưng cứ ăn vào là lại nôn ói. Khi các cơn đau ập tới, bé khó chịu nên tự cấu xé bản thân.

Gần đây, gia đình đưa bé tới bác sĩ Nguyễn Hữu Chí - Trưởng khoa Siêu Bệnh viện Nhi đồng 1 để thăm khám. Và vị bác sĩ này đã tìm ra căn bệnh của bé, đó là hội chứng kìm mạch máu (động mạch treo tràng trên).

Bác sĩ Chí cho hay, ngay khi kiểm tra đã phát hiện những dấu hiệu bất thường khi động mạch chủ đè lên tá tràng gây tắc tá tràng đồng thời kẹp luôn cả tĩnh mạch thận khiến bệnh nhi bị tiểu máu.

Thời điểm được đưa vào viện, bé đã suy kiệt cơ thể, nên các bác sĩ đã tiến hành chăm sóc tích cực về dinh dưỡng cho bệnh nhi. Dinh dưỡng được truyền qua tĩnh mạch, truyền nước.

Khi sức khỏe bệnh nhi ổn hơn, ê-kíp bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật bắc cầu lại mạch máu để giải phóng vị trí bị tắc.

 

Sau mổ, bé Quỳnh An thoát khỏi tình trạng đau đớn. Việc ăn uống, đi vệ sinh dần trở lại bình thường, trọng lượng cơ thể bắt đầu tăng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, kìm mạch máu hay còn có tên gọi khác “động mạch mạc treo tràng trên” là hội chứng do bất thường vị trí hệ thống mạch máu ổ bụng đe dọa tính mạng nghiêm trọng hiếm gặp.

Hội chứng này đặc trưng bởi sự chèn ép đoạn thứ ba của tá tràng giữa động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên gây tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần tá tràng cấp tính, mạn tính hoặc không liên tục.

Người mắc hội chứng trên thường gặp các biểu hiện: no sớm, đau bụng, buồn nôn, ói mửa, thể trạng gầy gò, gù vẹo cột sống…

Bệnh rất ít gặp nên đang gây ra nhiều khó khăn trong chẩn đoán chuyên môn đối với chính các bác sĩ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đã tiếp nhận 7 trường hợp mắc hội chứng kìm mạch máu.