Bộ, ngành chậm di dời khỏi nội đô 'vì thiếu nguồn lực'
- 16:36 16-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 16/8, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Trước câu hỏi về việc thực hiện chủ trương chuyển trụ sở các Bộ, ngành, bệnh viện, trường học ra ngoại thành đang thực hiện rất chậm, ông Hà nói Hà Nội đã có quy định chi tiết về mục tiêu di dời, nguyên tắc và trách nhiệm các bộ ngành. Tuy nhiên, tiến độ công việc trên rất chậm do bố trí đất quy hoạch để di dời “không đơn giản”. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan cũng chưa có đề án cụ thể về kế hoạch di dời.
Ông Hà thông tin, qua rà soát có 13 Bộ, ngành phải di dời từ nội đô ra khu vực Mễ Trì, Tây Hồ Tây và mọi phương án đã được tính toán, chỉ còn vấn đề nguồn lực rất khó, "trừ một số trường hợp rất đặc biệt, còn lại không thể dùng ngân sách đầu tư công để di dời”.
“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục trao đổi với Hà Nội, báo cáo Chính phủ phương án địa điểm mới, đảm bảo đủ điều kiện nhưng cũng không cần ở vị trí đất sinh lợi quá cao”, ông Hà cho hay.
Bộ Nội vụ đã thực hiện chủ trương di dời trụ sở đến nơi mới. Ảnh: Võ Hải. |
Theo Bộ trưởng Xây dựng, việc di dời trụ sở Bộ, ngành ở nội đô sẽ được áp dụng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực xã hội, do vậy nếu có cơ chế giá đất tốt thì "đủ sức làm".
Chung cư “bọc kín” các tuyến đường
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chất vấn tình trạng cấp phép xây dựng ở cửa ngõ các đô thị lớn khiến chung cư "bọc kín" các tuyến đường, "do buông lỏng quản lý hay lợi ích nhóm?".
"Ùn tắc giao thông gây thiệt hại rất lớn, nguyên nhân chủ yếu là cấp phép các khu đô thị với mật độ lớn ở cửa ngõ thành phố", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu vấn đề.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 16/8. Ảnh: Quochoi. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hà thừa nhận hiện tượng nhóm lợi ích trong việc cấp phép xây dựng khu đô thị, khu chung cư ở trung tâm cũng như ngoại ô của thành phố lớn, gây quá tải hạ tầng.
"Nếu thực hiện đúng các quy định về quản lý phát triển, tuân thủ quy hoạch và giấy phép xây dựng thì sẽ đảm bảo yêu cầu về mật độ, hệ số sử dụng đất, không có hiện tượng quá tải dân số dẫn tới hệ luỵ như vừa qua", ông Hà nói.
Cũng theo Bộ trưởng Xây dựng, việc xây dựng các khu đô thị không đồng bộ với hạ tầng giao thông là thực tiễn và thuộc trách nhiệm các địa phương.
Quy hoạch đường thẳng thành cong
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý chỉ ra là tình trạng buông lỏng quy hoạch đã biến đường thẳng thành cong, sân golf trong sân bay... “Dĩ nhiên trách nhiệm địa phương là chính, nhưng Bộ Xây dựng qua kiểm tra thực tế, cần thiết thì trình Chính phủ ban hành quy định quản lý cho hiệu quả”, bà Thuý nói.
Đồng ý với đại biểu Thuý là tổ chức thực hiện quy hoạch có bị buông lỏng, Bộ trưởng Hà đặt ra câu hỏi “có trục lợi hay không” và tự trả lời "về tổng thể thì cơ bản không có, nhưng ở một số trường hợp cụ thể, có biểu hiện lợi ích nhóm trong xây dựng quy hoạch".
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ về việc Bộ trưởng có cam kết chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, Bộ trưởng Hà chia sẻ đây là vấn đề rất khó.
“Chúng tôi nhận trách nhiệm của mình về việc này, nhưng cá nhân tôi, dù hết sức trách nhiệm cũng không dám cam kết trong một thời gian ngắn tới đây có thể giảm được tình trạng này”, Bộ trưởng giãi bày.