Bộ trưởng Xây dựng nói về thanh tra sai phạm của Mường Thanh
- 14:51 16-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 16/8, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, trong phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đề cập cụ thể tới sai phạm, xử lý công trình xây dựng trái phép của Tập đoàn Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), đại biểu Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh "truy" trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng và Chủ tịch TP Hà Nội trong chỉ đạo xử lý.
"Có phải có buông lỏng quản lý, lợi ích nhóm nên để xảy ra tình trạng các công trình xây dựng trái phép như của Tập đoàn Mường Thanh, khiến khu đô thị Linh Đàm từ khu đô thị kiểu mẫu trở thành nơi nhếch nhác, đời sống người dân không đảm bảo...?", đại biểu Hồng nêu.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận quy hoạch đô thị hiện nay có những hạn chế, trong đó ngành xây dựng "chưa thực hiện đúng chức trách của mình". Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy như sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm đất vào các mục đích khác nhau, cấp phép xây dựng không đúng, xây dựng sai phép. “Có trục lợi hay không, tôi cho rằng về cơ bản thì không có nhưng ở một số bộ phận, một số đơn vị có tình trạng này”, Bộ trưởng Hà nói.
Với riêng sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh tại khu đô thị Linh Đàm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, cơ quan này đã thanh tra sai phạm của tập đoàn này, nhưng xử lý sai phạm sâu hơn lại thuộc về trách nhiệm của TP Hà Nội.
"Bộ đã chỉ đạo thanh tra một số vụ việc lớn, như thanh tra vụ Mường Thanh (Linh Đàm) đã nói nhiều. Còn xử lý trách nhiệm của Mường Thanh thì hiện Hà Nội đang thực hiện việc này”, ông Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan này đã thanh tra sai phạm tại dự án của chủ đầu tư Mường Thanh, còn xử lý vi phạm sâu hơn thuộc trách nhiệm TP Hà Nội. |
Giải trình thêm, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, giấy phép đầu tư các khu đô thị, chung cư trên địa bàn thành phố đều được cấp phép theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tế triển khai dự án một số chủ đầu tư đã vi phạm mật độ quy hoạch chi tiết. Ông đơn cử, khu đô thị Đại Thanh, HH của chủ đầu tư Mường Thanh đã vi phạm quy hoạch mật độ xây dựng, chiều cao công trình.
"Chúng tôi nhận trách nhiệm trước tiên thuộc về thành phố trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu giám sát, kiểm tra của lực lượng thanh tra chuyên ngành. Chủ đầu tư cũng đã cố tình vi phạm mật độ xây dựng chi tiết, trong khi thanh, kiểm tra không kịp thời", ông Chung thừa nhận.
Để khắc phục, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, vừa qua Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, thanh tra các bộ, ngành tổ chức thanh tra kiểm tra sai phạm tại số dự án này. Thành phố cũng giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương nơi có khu đô thị, thanh tra chuyên ngành... Riêng năm 2016, ông Chung cho hay đã có 18 cán bộ cấp quận, huyện, xã... bị xử lý do vi phạm trong quản lý quy hoạch, công trình xây dựng sai phép tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà bổ sung thêm, theo báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2016 có khoảng trên 15.000 trường hợp vi phạm, chiếm khoảng 12-13% xây dựng sai phép, không phép.
Nguyên nhân trước hết do giấy phép được cấp chưa đúng với quy hoạch chi tiết ở khu vực đó. Thứ hai là cấp đúng nhưng chủ đầu tư cố tình sai phạm, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chưa thanh kiểm tra, phát hiện kịp thời. Nhiều vụ đã thanh kiểm tra rồi nhưng lại chưa xử lý dứt điểm.
Giải pháp tới đây, Bộ Xây dựng sẽ có những quy định quản lý để xử lý các vi phạm hành chính về lĩnh vực này mạnh mẽ hơn, có các công cụ kiểm soát tốt hơn, chế tài có sức răn đe hơn...
Chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Hà, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị trưởng ngành xây dựng cam kết ngăn chặn triệt để tình trạng xây dựng không phép, sai phép.
Đáp lại, Bộ trưởng Xây dựng thật lòng, "cá nhân tôi không dám cam kết trong thời gian ngắn tới đây có thể chấm dứt được tình trạng này. Chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian tới cùng với địa phương trực tiếp thanh tra các doanh nghiệp có sai phạm lớn".