Đường công danh hiển hách của Hà Văn Thắm - đại gia "ngã ngựa" sắp hầu tòa lần 2
- 21:16 11-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bước tới đỉnh cao
Bị can Hà Văn Thắm, 45 tuổi, là cựu Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (Ocean Hospitality), Chủ tịch CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), từng tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại, Thạc sĩ trường Đại học Columbia Commonwealth (USA) và Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ Paramount, Mỹ.... Ông này sinh ra và lớn lên tại xã An Hà, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
Khi mới 21 tuổi (giai đoạn năm 1993- 1997), Hà Văn Thắm đã mở công ty và là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Bình Minh.
Từ năm 1997 đến năm 2001 Hà Văn Thắm giữ vai trò Tổng Giám đốc Cty TNHH VNT. Sau đó là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng.
Kể từ năm 2007, Hà Văn Thắm đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đại Dương.
Ông Hà Văn Thắm khi còn ở đỉnh cao. |
Hà Văn Thắm từng sở hữu khối tài sản lớn bao gồm cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo... Cho đến năm 2012, ông là người giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu OGC trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Cho tới tháng 1/2014, ông giữ vai trò là Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank), Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS)...
Tính tới năm 2014 Hà Văn Thắm với tổng tài sản ước tính trên 1 tỉ USD và được cho là người giàu có thứ hai sau ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Khi ở đỉnh cao, Hà Văn Thắm đã “ôm” các danh hiệu: Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu; Cúp Thánh Gióng năm 2009; Nhận bằng khen và cúp Vì sự nghiệp Văn hóa doanh nhân Việt Nam và Hà Văn Thắm cũng là một trong mười doanh nhân trẻ được vinh danh Giải thưởng Sao Đỏ 2011.
Sa lầy
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Hà Văn Thắm một bước xuống vực sâu bởi những quyết định sai lầm, vi phạm pháp luật tại Oceanbank.
Như đã nói, nếu không có gì thay đổi thì ngày 28/8 tới Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm phải ra trước vành móng ngựa. Đây sẽ là lần thứ 2 Hà Văn Thắm bị xét xử để làm rõ các hành vi vi phạm bị cáo buộc đã gây ra.
Hà Văn Thắm khi phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật. Ảnh: Hà Châu |
Những việc làm trái pháp luật khi điều hành hoạt động Oceanbank của Hà Văn Thắm đã không qua mặt được cơ quan bảo vệ pháp luật.
Dấu hiệu của đêm đen bắt đầu bao phủ cuộc đời Hà Văn Thắm đã hiển hiện rõ khi cuối tháng 10/2014, Ngân hàng Nhà nước cho biết là đã phát hiện một số vi phạm nghiêm trọng của cá nhân Hà Văn Thắm và đình chỉ quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch, thành viên HĐQT ngân hàng Oceanbank với Hà Văn Thắm.
Ngày 24/10/2014, Hà Văn Thắm đã bị khởi tố, bắt giam để phục vụ công tác điều tra. Theo xác định của cơ quan điều tra, các quyết định của Hà Văn Thắm đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm tổn hại cho Oceanbank trong giai đoạn trước năm 2014.
Hà Văn Thắm bị truy tố về các tội danh: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Theo cáo trạng, cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của Oceanbank, đồng thời giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc của Oceanbank.
Đầu năm 2009, Sơn và Thắm bàn bạc về việc huy động vốn cho Oceanbank. Sơn đã chủ động đề nghị với Thắm về việc Oceanbank phải chi cho mình ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí.
Hà Văn Thắm chấp nhận đề nghị của Nguyễn Xuân Sơn. Nhưng để có tiền chi cho Sơn, Oceanbank phải tăng lãi suất khi cho vay nhằm đảm bảo ngân hàng không bị lỗ, trong khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) lại quy định trần lãi suất, nên muốn “vượt trần” thì cần có một công ty sân sau đứng ra thu phần chênh lệch này.
Cơ quan chức năng xác định tổng số tiền OceanBank bị thiệt hại là hơn 1.500 tỷ đồng và Hà Văn Thắm phải chịu trách nhiệm chính về số tiền trên.
Trong phiên xử sắp tới (dự kiến ngày 28/8), thẩm phán Trần Nam Hà sẽ ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa dự kiến kéo dài gần 1 tháng.
Vụ án này có 51 bị cáo sẽ bị đưa ra xét xử các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản; Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các bị cáo này có 34 người nguyên là Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch Oceanbank, là người tiếp nhận chủ trương từ Hội sở, sau đó phân công, chỉ đạo nhân viên tại chi nhánh chi lãi ngoài cho khách hàng, giúp sức cho hành vi làm trái trong việc chi lãi ngoài, gây thiệt hại cho Oceanbank.
Trước đó, ngày 8/3, sau nhiều ngày xét xử, HĐXX cấp sơ thẩm đã quyết định tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án vì cho rằng, còn nhiều điểm không thể làm rõ tại tòa.