Thuế sẽ đánh mạnh vào người giàu
- 09:16 11-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo chuyên đề thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai và bất động sản (BĐS). Trong báo cáo này, Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu, xây dựng luật thuế tài sản hoặc thuế BĐS. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.
“Đánh thuế tài sản là cần thiết”
Theo Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi tại nhiều nước, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt thuế sử dụng đất là một trong những nguồn thu lớn của ngân sách. “Nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và nước thấp nhất là 1%. Nguồn thu từ thuế tài sản cũng chiếm khoảng 0,6% GDP tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi” - Bộ Tài chính dẫn chứng.
Hơn nữa, Bộ Tài chính nhấn mạnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng liên tục trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020. “Việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư BĐS của người dân có xu hướng tăng lên. Để hạn chế đầu cơ, sử dụng BĐS lãng phí, việc nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản là cần thiết” - Bộ Tài chính giải thích.
Đánh thuế như thế nào?
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, chia sẻ thuế tài sản không đánh trên số lượng các nhà mà thuế này đánh trên giá trị tài sản mà người ta có được. Tài sản đó không chỉ có nhà, BĐS mà còn có các tài sản khác như vốn đầu tư vào doanh nghiệp (DN), giá trị DN, du thuyền, máy bay... “Qua đó nhằm kiểm soát tài sản và đóng góp nguồn thu ngân sách trên cơ sở những người có tài sản lớn đóng góp cho Nhà nước” - bà Cúc nói.
Theo Bộ tài chính, việc đánh thuế người nắm giữ nhiều tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế. Trong ảnh: Người dân tìm mua nhà tại một dự án bất động sản ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Theo bà Cúc, nếu thực hiện tính thuế tài sản thì sẽ tính trên giá trị quy đổi bằng tiền theo một tỉ lệ và tỉ lệ này thường thấp để kiểm soát tài sản. Ví dụ một số nước đánh thuế nhà đất, ô tô, du thuyền, tiền gửi tiết kiệm… Ở mỗi loại tài sản sẽ có từng tỉ lệ nhất định để tính thuế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cũng nêu quan điểm việc đánh thuế BĐS là cần thiết. Nếu đưa vào áp dụng, sắc thuế này sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh, chống đầu cơ, tăng nguồn cung và cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở, đặc biệt tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cần thận trọng
Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng không nên đánh thuế đối với nhà ở thương mại dưới 1 tỉ đồng và trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ hai trở đi thì áp dụng thuế suất tài sản phụ trội tùy theo số lượng và giá trị tài sản.
Đại diện HoREA cũng nhấn mạnh cần đánh thuế nhắm vào diện tích căn nhà và điều chỉnh tùy đối tượng cụ thể để đảm bảo công bằng. Không nên đánh thuế đối với một số đối tượng như nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỉ đồng, nhà cấp bốn trở xuống, các hộ gia đình dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM dưới mức bình quân 10 m2/người) nay mua thêm nhà thứ hai, thứ ba... nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này cũng chỉ dưới 200 m2.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng ủng hộ việc đóng thuế nhà đất từ căn thứ hai trở đi và thuế thu nhập vượt trội khác để thực thi công bằng xã hội như nhiều quốc gia khác. Bởi theo cơ cấu thu thuế của các nước phát triển thì thuế tài sản và thu nhập cá nhân chiếm 60%-70% nguồn thu; còn ở Việt Nam thì ngược lại, nguồn thu từ nhóm nhà giàu này chỉ chiếm khoảng 10%.
“Điều này có nghĩa là rất đông người trung bình và nghèo phải gánh thuế cào bằng cho số rất ít người giàu hưởng lợi trên nền kinh tế bằng cách sở hữu nhà đất cả đống nhưng không phải nộp thuế, tiền gửi nhà băng nhận lãi chục tỉ cũng không nộp thuế” - ông Hiển nói.
Nhiều ý kiến khác thì băn khoăn làm thế nào xác định được ngôi nhà thứ hai để đánh thuế tại Việt Nam, bởi người dân có thể lách luật bằng cách để các thành viên trong gia đình đứng tên. Đó là chưa kể các thủ tục mua bán BĐS được thực hiện bằng văn bản giấy, khó quản lý.
Ba phương án tính thuế nhà ở Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa nêu rõ các phương án đánh thuế cụ thể. Tuy nhiên, trước đây bộ này từng đưa ra ba phương án tính thuế nhà ở. Cụ thể, phương án 1: Những người sở hữu nhà ở trên 200 m2 sàn xây dựng phải chịu thuế 1.000-4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà. Phương án 2: Thu thuế theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỉ đồng phải chịu thuế 0,03%. Phương án 3: Chỉ thu thuế nhà ở đối với người sở hữu căn nhà thứ hai trở đi theo thuế tuyệt đối 1.000-4.000 đồng/m2/năm tùy từng loại nhà nhưng không thu thuế đối với nhà dưới hai tầng. Ai sẽ bị tác động? Theo phó tổng giám đốc một công ty BĐS lớn tại TP.HCM, việc sở hữu nhiều BĐS bị đánh thuế thì sẽ có những đối tượng bị tác động. Trong đó đối tượng chịu tác động mạnh nhất là khách hàng, bởi nếu bị thu thuế từ căn nhà thứ hai thì nhiều khả năng họ sẽ nhụt chí trong việc có nên hạ quyết tâm mua. Chủ đầu tư cũng không thể tránh khỏi tác động. Bởi một khi người mua nhà đắn đo khi “xuống tiền” đầu tư vào căn nhà thứ hai thì chắc chắn mãi lực sẽ giảm và điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao Vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có 2-3 nhà trở lên. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2017 vẫn chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu, không chỉ vì ngân sách khó khăn mà các nước họ đã đánh thuế này từ nhiều năm nay rồi. |