Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ nỗi buồn… bằng khen: Gần 300 trường hợp chết mà chưa nhận tiền

Tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng đang “bí” cách giải quyết chế độ trợ cấp một lần khi mà gần 300 đối tượng có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen đã… chết.

Thông tin từ phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đến nay địa phương đã lập hồ sơ và có tiền để chi trả chế độ một lần cho hơn 3.000 trường hợp theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, về trợ cấp một lần đối với những người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng bằng khen (QĐ 24).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả thì có gần 300 đối tượng đã chết, mà không còn thân nhân nên tiền bị “treo” lại. Bởi theo QĐ 24 khi đối tượng đã chết thì chỉ thân nhân là vợ hoặc chồng, con đẻ mới được nhận tiền.

Vì thế có nhiều đối tượng đã chết, không còn thân nhân nên cháu, anh em trai làm hồ sơ nhưng cũng không được nhận chế độ trợ cấp một lần.

 Ông Đặng Hữu N. đã mất nhưng do không có thân nhân nên tiền chế độ trợ cấp một lần đang bị “treo” lại.

Đơn cử như trường hợp ông Đặng Hữu N., thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc năm 2007 được tặng Bằng khen vì có thành tích trong kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Sau khi ông N. mất, do không có thân nhân nên anh trai là Đặng Hữu Đơn đã làm hồ sơ để truy tặng. Tuy nhiên, dù đã được xét duyệt nhưng vì không thuộc đối tượng thân nhân nên hiện nay, hồ sơ của ông vẫn chưa được chi trả theo QĐ 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Lộc thừa nhận, đang xin ý kiến cấp trên để chi trả tiền trợ cấp cho gần 300 trường hợp đã chết.

Tuy nhiên cũng theo vị lãnh đạo này, khi không còn thân nhân thì Nhà nước nên có những văn bản bổ sung, để chi trả tiền trợ cấp này cho hàng thừa kế khác trong dòng họ của các đối tượng đã chết.

Trước đó, báo điện tử Người Đưa tin có bài viết phản ánh, đến nay Nghệ An đã chi trả trợ cấp một lần theo QĐ 24 cho 32.468 trường hợp với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.

Nhưng tại địa phương này cũng đang còn hơn 45.000 đối tượng nhận bằng khen và 2.690 trường hợp nhận huân, huy chương kháng chiến mà chưa nhận chế độ trợ cấp một lần.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc sở LĐ -TB&XH Nghệ An thừa nhận: “Có 3 vướng mắc trong quá trình chi trả theo QĐ 24 đó là, bằng khen không có thân nhân để nhận tiền chi trả, đối tượng đã chuyển đi nơi khác không liên lạc được hoặc nhiều trường hợp bằng khen đã rách nát, không làm được hồ sơ”.