Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thành cổ - Di tích cấp quốc gia bị lãng quên

Thành cổ Nghệ An thuộc lãnh thổ của ba phường là Cửa Nam, Đội Cung và Quang Trung. Đây là di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia theo quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/1/1998 của Bộ Văn hóa -
Thông tin.

 Kiến trúc cổ, đồ sộ...

Kiến trúc một thời…

Thành được xây dựng vào năm 1804 dưới triều Gia Long và được xây bằng đất. Cho đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) mới được xây lại bằng đá ong theo kiểu Vô băng (tên một tướng Pháp có thiết kế kiểu này). Thành có tường cao 4.8m bao xung quanh có hào sâu 8 thước (3.20m) và rộng 7 trượng (28m). Thành có 6 cạnh, chi vi dài 603 trượng (2.412m); cao 1 trượng, 1 tấc. 5 thước (4.42m); diện tích 420.000m2. Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hóa, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.

Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Cửa tả hướng về phía Đông. Cửa hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía Đông hành cung có dinh Thống Đốc, phía nam có dinh Bố Chánh và Án Sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía Bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía Tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.

Việc chọn đất và hướng xây thành là dựa trên thuyết phong thủy của phương Đông. Phía đông nam thành là dãy núi Hồng Lĩnh gắn liền với huyền thoại 100 con chim phượng hoàng đi tìm tổ ấm, phía tây thành là dãy Thiên Nhẫn với 1000 đỉnh, phía trước mặt có dãy Lam Thành với 3 ngọn Triều Khẩu, Phượng Hoàng, Nghĩa Liệt đứng kề ngã ba tam chế của sông Lam, làm tiền án, ngay phía trước mặt là sông Cồn Mộc quanh co đổ ra ngã ba Hạc làm tiền thủy.

 

 ... chứng tích lịch sử sừng sững với thời gian.

Ba lần quy hoạch, trùng tu…

Thành cổ Nghệ An là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử từ thời nhà Nguyễn cho đến cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Ngày nay, trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại ba cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh và Thành phố đã khôi phục, trùng tu lại 2/3 cổng thành đồng thời quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hóa lớn của Thành phố gọi tên là Công viên Thành cổ Vinh với quần thể các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa đa dạng, phong phú và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An cho biết, sau 3 lần quy hoạch, dự án trùng tu bảo tồn thành cổ Vinh vẫn chưa hoàn thành. Hiện thành mới chỉ trùng tu được cửa tả và cửa tiền nhưng bị dư luận phản đối do đánh mất tính cổ kính vốn có. Riêng cửa hữu chưa được trùng tu do không giải phóng được mặt bằng. Trong khu vực thành cổ Vinh có một số cơ quan và hơn 1000 hộ dân sinh sống. Tình trạng người dân lấn chiếm, gây ô nhiễm diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác trùng tu bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia này.

 

 

 

 Bước chậm lại để cảm nhận về lịch sử một thời

Năm 1998, Thành cổ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, song đến nay chưa được cắm mốc khoanh vùng bảo vệ đầy đủ theo luật. Cửa hữu thành cổ là cơ sở rửa xe của gia đình bà Phạm Thị Hường, khối 3, phường Cửa Nam. Phần đất của bà Hường làm nhà từ năm 1980 và được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005. Cuối năm 2013, UBND Thành phố Vinh đã thu hồi, hủy bỏ bìa đất này nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục đền bù, tái định cư cho gia đình bà ra khỏi khu vực di tích. Cũng liên quan đến việc xâm hại di tích, cửa tiền thành cổ (sát sân bóng Vinh, hướng về phía Nam) tuy đã được khoanh vùng bảo vệ, nhưng với địa thế rộng rãi nên khu vực này thường xuyên được dựng rạp đám cưới, chân cổng thành trở thành nơi đặt bếp nấu ăn…

Thành Vinh là một công trình kiến trúc thành lũy thời Nguyễn có tầm cỡ và quy mô. Sau những biến cố lớn lao của lịch sử thành Vinh không còn nguyên vẹn hình dáng ban đầu nhưng mãi là niềm tự hào của người dân thành phố và nhân dân cả nước về quá khứ hào hùng của dân tộc ta. Thiết nghĩ, thành cổ Vinh nên được tu tạo lại theo dự án để xứng đáng với vị thế lịch sử của mình và trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn du khách.