Dùng miếng dán chống say xe, trẻ loạn thần, nguy kịch
- 15:03 07-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khi những miếng dán chống say xe này được khuyến cáo chỉ dùng cho trẻ từ tám tuổi.
Liên tiếp nhiều trẻ nhập viện
Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện vì tác dụng phụ của miếng dán chống say xe. Bé P.Đ.H. (bốn tuổi, quê Long An) thường bị say xe, nôn ói. Mẹ bé ra tiệm thuốc Tây, mua miếng dán chống say xe về dán sau tai cho con. Vừa lên tới TP.HCM, bé H. nói nhảm, hoảng loạn.
Gia đình vội vàng chở bé vào bệnh viện cấp cứu. Nghi ngờ bệnh nhi có biểu hiện rối loạn tâm thần, các bác sĩ chuyển bé đến khoa Nhiễm - thần kinh theo dõi. Tại đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh xác định, bệnh nhi bị tác dụng phụ của miếng dán chống say xe: “Cháu bé được theo dõi sát huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn, chờ cho thuốc hết tác dụng phụ. May mắn tình trạng chưa tới nỗi nào, các triệu chứng rối loạn tâm thần chỉ là nhất thời, sau hai ngày nằm viện bệnh nhi đã hồi phục và xuất viện”.
Miếng dán chống say có thể khiến trẻ nguy kịch |
Sau trường hợp của bé H., Bệnh viện Nhi Đồng 1 lại tiếp nhận thêm hai ca liên quan đến miếng dán chống say xe. Một bé năm tuổi, bé còn lại bảy tuổi, ngủ li bì, lơ mơ và nói sảng sau khi dán miếng chống say xe khoảng 1 - 2 giờ.
Từ ngủ li bì đến mê sảng
Liên quan đến tác dụng phụ của miếng dán chống say xe đối với trẻ nhỏ, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, nhiều phụ huynh có thói quen ra tiệm thuốc Tây hỏi mua thuốc chống say xe dùng cho con, nhưng không đọc hướng dẫn sử dụng. Có những hoạt chất không thích hợp với trẻ nhỏ, liều lượng sử dụng cho người lớn và trẻ em cũng khác nhau, nhưng cha mẹ dễ dàng xuề xòa bỏ qua.
Trường hợp phải cấp cứu mà bác sĩ Nguyên Anh ấn tượng nhất là bé trai bảy tuổi, tên N.M.C., đi máy bay từ Nghệ An vào TP.HCM cùng cha mẹ. Biết con hay say xe, người mẹ đã dán miếng dán chống say xe phía sau hai bên tai cho bé. Khi máy bay chưa hạ cánh, bé C. có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nhưng mọi người lại lầm tưởng do miếng dán chưa đủ “đô” nên bé vẫn bị say máy bay. Đáp xuống TP.HCM, vừa rời khỏi sân bay, bé C. bỗng nói sảng.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé không nhận ra cha mẹ. “Mẹ của bé không thể hình dung được miếng dán chống say xe lại gây ra hậu quả như vậy. Chị ấy lựa chọn miếng dán vì tưởng rằng tác động từ ngoài da sẽ an toàn hơn thuốc uống”, bác sĩ Nguyên Anh kể.
|
Một số phụ huynh cũng từng hú hồn sau khi dùng miếng dán chống say xe cho con. Chị L.M.P. (huyện Nhà Bè, TP.HCM) chia sẻ: “Cách đây một tuần, cả nhà đi Phan Thiết chơi, hai mẹ con tôi bị say xe nên đều sử dụng miếng dán. Vừa dán xong chưa đầy một tiếng, con gái sáu tuổi của tôi kêu khó chịu, suốt dọc đường cho tới cả ngày hôm đó bé ngủ li bì”.
Thử ra tiệm thuốc hỏi mua, chúng tôi được nhân viên bán cho hộp miếng dán chống say xe màu xanh dương với giá 26.000đ, bên trong là hai gói, mỗi gói chứa một miếng dán hình tròn. Cô nhân viên chỉ dặn dò, dán trước khi đi tàu xe 1 - 4 giờ, thuốc mới phát huy tác dụng.
Khi chúng tôi hỏi miếng dán này dùng được cho trẻ em không, cô nhân viên bảo cứ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên hộp. Một phụ nữ mua thuốc bên cạnh nghe chuyện nhanh nhảu chỉ dẫn: “Trẻ con thì cho dùng một nửa liều của người lớn, cắt đôi cái miếng đó ra mà dán”.