Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tình yêu khó tin của chàng trai phố cổ và cô gái bán hàng rong

Ngày đầu về ra ra mắt, ông Hùng được bố mẹ vợ tương lai mời một bữa cơm rau muống, mấy quả cà và bát tương.

Ông Nguyễn Đông Hùng (SN 1954, ở phố Hàng Cân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ khi lọt lòng mẹ đã mắc chứng nhược cơ. Ông khó vận động chân tay, chỉ đi được vài bước là ngã.

Sức khỏe yếu, không có khả năng lao động thế nhưng người đàn ông này đã dệt nên một câu chuyện tình yêu đẹp với người vợ kém ông 9 tuổi.

 Hai vợ chồng ông Hùng - bà Chính trong căn nhà nhỏ 9 mét vuông ở phố cổ. 
Ảnh: Hồ Mặc Mặc

Ông Hùng cho biết, năm 1984, ông kết hôn với người phụ nữ ở số 5 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Người vợ này lần lượt sinh cho ông hai người con xinh xắn, khỏe mạnh. Cuộc sống dù nghèo khó nhưng ấm cúng cứ thế trôi đi.

6 năm sau, người vợ này của ông Hùng bỗng nhiên phát bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc mê. Ông và gia đình đã đưa bà đi chạy chữa khắp nơi nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm mà bệnh tình mỗi ngày một nặng hơn.

Cám cảnh con gái điên dại, con rể sức khỏe yếu ớt, không tự lo được bản thân nên bố mẹ vợ ông Hùng đành đón con gái về nhà. Thỉnh thoảng ông Hùng nhờ người nhà đưa sang thăm vợ. Bố mẹ vợ thương con rể, khuyên nhủ ông ly hôn.

Thời gian này, một người thím của ông Hùng qua nhà chơi, thương hoàn cảnh ông yếu ớt, “gà trống nuôi con” bà có ý làm mối cho ông Hùng con gái của bạn mình.

Cô gái này tên là Trần Thị Chính (SN 1963, quê Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội), có phần muộn chồng so với các bạn cùng trang lứa, hằng ngày bán hoa quả rong ở Hà Nội.

Năm 1990, cuộc gặp gỡ được người họ hàng bí mật sắp xếp. Một buổi chiều, bà thím rủ ông Hùng ra ngoài phố chơi. Họ đang ngồi uống nước thì bà thím gọi một cô gánh hoa quả rong vào.

Ông Hùng ngỡ thím mua hoa quả nên chẳng để ý, gần như cả buổi hôm đó ông Hùng chỉ ngồi im nghe bà thím nói chuyện với cô gái.

Trong lòng ông cũng chẳng đọng lại ấn tượng gì về người con gái đó. Về nhà ông Hùng mới biết đấy là người bà thím định giới thiệu cho mình. Nhưng ông Hùng cương quyết không muốn đi bước nữa.

Ông Hùng chuẩn bị cốc cho vợ đi bán nước. Ảnh: Hồ Mặc Mặc

Về phần bà Chính, bà cũng chẳng mặn mà, vì biết hoàn cảnh người đàn ông mình gặp đang có vợ. Bẵng đi mấy năm sau, hai người cũng quên mất câu chuyện mai mối hôm nào.

Thời gian này, bố mẹ vợ ông Hùng thấy con gái bệnh nặng khó có thể chữa được, gọi ông Hùng sang khuyên ông Hùng ra tòa ly hôn. Thấy ông Hùng lưỡng lự, bố mẹ vợ liền tự làm đơn xin ly hôn cho con gái gửi ra tòa. Ly hôn xong, bố mẹ vợ đón con gái về còn cậu con trai để lại cho ông Hùng nuôi.

Một hôm bà thím mời đến chơi nhà ông Hùng một vị khách, cô gái này không ai khác là người con gái bán hoa quả. Bà thím đặt thẳng vấn đề, bảo ông Hùng lấy vợ còn có người chăm sóc con.

Về phần ông Hùng, gia đình giục giã, mọi người ra sức vun vào nên ông Hùng gật đầu đồng ý tìm hiểu bà Chính, người phụ nữ bán hoa quả trên phố.

Đó là năm 1994, như vậy sau 5 năm quen biết từ buổi đầu gặp gỡ, ông Hùng và bà Chính mới chính thức nói chuyện với nhau. Lần này, ông Hùng mạnh dạn nói: “Chính làm bạn với tôi thì làm, không thì thôi”.

Thấy ông Hùng tìm hiểu mình mà lại có thái độ nói năng như vậy nên bà Chính bực lắm, bà định khước từ ông.

Nhưng từ giây phút nhìn thấy ông Hùng ngồi một chỗ ôm cậu con trai, trong lòng bà dấy lên một cảm xúc khó tả - bà muốn dành sự quan tâm, chăm sóc của mình cho hai bố con ông Hùng.

Đến lần thứ ba gặp mặt, dù trong lòng cũng phần nhiều ưng thuận nhưng bà Chính vẫn từ chối chuyện hôn sự với ông Hùng. Bà sợ bố mẹ mình không chấp nhận cho bà lấy người từng có một đời vợ.

Ông Hùng quả quyết: “Chính cứ nhận lời tôi, rồi tôi về thưa chuyện với bố mẹ”. Mấy hôm sau ông Hùng ăn mặc chỉnh tề, về thăm nhà bà Chính với người thím. Ngày đầu về ra mắt nhà người yêu, ông Hùng được bố mẹ vợ mời một bữa cơm toàn rau muống, với mấy quả cà và bát tương.

Ông Hùng nói: “Bình thường buổi đầu ra mắt, người ta làm mâm cơm thịnh soạn tiếp đãi đằng này các cụ chỉ làm bữa cơm rau muống tiếp tôi.

Sau này tôi mới biết, các cụ muốn thử xem tôi có phải người chịu đựng được khổ cực không. Vì các cụ sợ con trai phố cổ quen sống sung sướng, sau này khổ không chịu được lại làm khổ con gái cụ”.

Tính từ lúc ông Hùng và vợ gặp mặt chính thức đến khi lấy nhau là 3 tháng. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng để đến được với nhau, gia đình ông Hùng phải chịu sự thử thách của nhà gái.

Ông Hùng kể: “Ngày dạm ngõ, bố mẹ tôi chuẩn bị cơi trầu về xin phép gia đình bà ấy. Không ngờ bố mẹ vợ giữ bố mẹ tôi ở chơi nhà một tuần”.

Theo ông Hùng cho biết, thời điểm đó gần nhà bà Chính có trường hợp cô gái bị lừa tình. Cô gái này yêu một anh, có bầu. Ngày dạm ngõ, anh ta (vốn là người đã có vợ con đề huề) thuê người đóng giả bố mẹ đến ra mắt, xin phép cưới. Sự việc bị vỡ lở, anh ta tắt liên lạc với cô gái đó luôn.

Sự việc này lan truyền khắp vùng, khiến gia đình nào có con gái muốn lấy chồng xa cũng rất dè dặt.

Vẫn theo ông Hùng, bố mẹ vợ giữ thông gia tương lai ở nhà một tuần để kiểm tra, nếu là người đóng thế thì sẽ bồn chồn từ chối. Bố mẹ ông Hùng biết họ thử, vui vẻ ở lại, còn nói: “Chúng tôi người thật, việc thật, cho chúng tôi ở đây cả tháng cũng được”.

Đám cưới ông Hùng và bà Chính được tổ chức đơn giản, ấm cúng ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội). Về nhà chồng, bà Chính chăm sóc và nuôi dưỡng người con trai chồng như con đẻ. Bà sinh với ông Hùng được 2 người con, một trai, một gái.

Nhà đông con, vợ chồng bà được bố mẹ, anh em chia cho chút tiền mua một căn nhà 9 mét vuông ở Hàng Cân sinh sống cho đến nay.

Nhiều năm nay, kinh tế gia đình vẫn phụ thuộc vào quán nước chè của bà. Bà Chính bị bệnh tim, sức khỏe yếu. Ban ngày bà quanh quẩn ở nhà, đến chiều tối mới dọn hàng ra bán cho đến đêm. Mỗi ngày thu nhập cao nhất của bà được khoảng 50 nghìn đồng, đủ cho gia đình rau cháo qua ngày.

Ông Hùng tuy được Nhà nước trợ cấp mỗi tháng 700 nghìn đồng nhưng muốn đủ chi phí cho cậu con trai út Nguyễn Đức Anh (SN 2001) được đến trường, hai vợ chồng ông bà vẫn phải đi vay mượn đóng học phí cho con rồi trả dần hàng tháng...

"Tôi chưa bao giờ ân hận khi lấy ông ấy. Dù nghèo nhưng hai vợ chồng tôi rất yêu thương nhau, chẳng bao giờ cãi vã... ", tiễn chúng tôi về, bà Chính vui vẻ tâm sự.