Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Theo dấu voi rừng ở miền Tây Nghệ An

Theo ước tính về chuyên môn của cơ quan chức năng, thì Nghệ An còn 6 đàn voi sinh sống, là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng voi hoang dã (với khoảng 15 con).

Tuy nhiên, trong số này chỉ có 2 đàn voi là có nhiều hơn 1 con, những đàn còn lại thực chất chỉ là 1 con di chuyển đơn độc suốt hàng chục năm qua sau khi những con trong đàn đã bị giết hại.

Theo Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số lượng cá thể và cơ cấu đàn voi tốt nhất hiện chỉ còn ở 3 tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, và Đồng Nai. Trong đó, tỉnh Nghệ An còn khoảng 15 con. Tỉnh Đồng Nai còn một đàn khoảng 10 con phân bố chủ yếu ở khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên. Tỉnh Đắk Lắk có đàn voi khoảng 83 -110 con. Các tỉnh còn lại, voi chủ yếu sống đơn lẻ.

 Đàn voi 6 con ở khu vực Đông Nam Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng theo số liệu Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, những năm gần đây, voi hoang dã ở Việt Nam đang suy giảm một cách đáng báo động. Nếu như cách đây hơn 30 năm, các nhà bảo tồn động vật ước tính có khoảng 2.000 con voi hoang dã sinh sống trên địa bàn cả nước, thì hiện nay chỉ còn khoảng 70 - 130 con voi, tập trung chủ yếu ở 17 khu vực.

Nhiều nơi, chỉ cách đây vài chục năm, có đến hàng trăm con voi rừng sinh sống, nhưng đến nay không còn nhận được bất cứ thông tin nào về sự tồn tại của chúng.

Tại Nghệ An, voi chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi có diện tích rộng thứ 2 trong 31 vườn quốc gia trên cả nước. Vườn Quốc gia Pù Mát chỉ đứng sau Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) về diện tích, cũng là nơi đang tập trung khoảng 2/3 số lượng voi trên toàn quốc.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho hay, có khoảng 12 con voi, chia thành 3 đàn độc lập đang sống trong vườn. Đàn thứ nhất sinh sống ở khu Tây Bắc Pù Mát, thường xuyên hoạt động ở Khe Thơi, Khe Mặt, núi Phu Lòm, núi Pù Xám Liệm thuộc địa phận các xã Tam Hợp, Tam Quang (huyện Tương Dương).

“Đàn này có khoảng 5 con. Khu vực sinh sống của chúng chủ yếu ở tận rừng sâu, cách các bản làng khoảng một ngày đi bộ, nên rất ít khi đụng độ với người dân” - ông Cường nói. Năm 1998, cơ quan chức năng đã cho đặt bẫy máy ảnh tại khu rừng nghi có đàn voi sinh sống. Tuy nhiên mãi đến năm 2001, máy ảnh mới chụp được cảnh đàn voi đang di chuyển.

Những bức ảnh đen trắng, chụp trong buổi tối cho thấy 5 con voi gồm 2 con lớn, 2 con vừa trưởng thành và 1 con voi nhỏ đang trượt xuống dốc núi tìm thức ăn. Từ đó đến nay, chưa một bức ảnh nào ghi lại được đàn voi này. “Chỉ có một lần người dân ở xã Tam Hợp báo có thấy đàn voi, nhưng không chắc có mấy con. Chúng tôi vẫn thường phải lần theo dấu chân voi, và xác định đàn này vẫn giữ số lượng tương tự như trước đây”, ông Cường nói.

Cách đàn voi này khoảng 2 ngày đi bộ, ở giữa Vườn Quốc gia Pù Mát, thuộc khu vực gần khe Bu, khe Choăng (ở các xã Châu Khê, Yên Khê, Lục Dạ, huyện Con Cuông) là địa bàn sinh sống của đàn voi nay chỉ còn 1 con. Đàn voi này trước đây ít nhất có một cặp được ghi nhận, tuy nhiên đến năm 1996, con đực bị sát hại. Từ đó đến nay, con voi cái sống trong cảnh đơn độc, mặc dù nó vẫn đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Đến mùa động dục nhưng không có voi đực, con voi này thường ra các bản gần đó quấy phá. Tuy vậy, con voi này vẫn được đánh giá là thuần so với những đàn voi khác ở Nghệ An. Gần đây nhất, đêm 13/3/2017 một nhóm công nhân làm đường tại khu vực bản Khe Nóng B, xã Châu Khê (huyện Con Cuông) nằm nghỉ ở lán. Đến khoảng 22h, nghe tiếng động của cây cối, mọi người tỉnh giấc soi đèn và thấy con voi lớn đứng gần chiếc máy múc.

Ban đầu mọi người sợ voi tấn công, nhưng khi một công nhân tiến đến gần cất tiếng nói "cất cái vòi đi, đừng quất nhé...", thì con voi đứng im. Thấy con voi hiền lành nên những người này liền soi đèn trêu đùa. Sau gần 4 giờ đồng hồ kể từ lúc nhóm công nhân tiếp cận, voi bỏ vào rừng khi một người dùng điện thoại mở nhạc có tiếng voi rừng kêu.

 Một con voi đực nhỏ ở Tây Bắc Pù Mát được chụp từ bẫy máy ảnh cách đây 16 năm. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, phía Đông Nam Vườn Quốc gia Pù Mát là khu vực sinh sống của đàn voi 6 con. Đàn voi này thường di chuyển từ xã Môn Sơn (huyện Con Cuông), đến một số bản như Cao Vều, Bãi Lim… (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn), rồi xuống tận các xã Thanh Đức, Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương) để tìm thức ăn.

Năm 2010, người dân ở bản Cao Vều trong lúc làm rẫy phát hiện một con voi cái đang đẻ con trong rừng. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, con voi đực đầu đàn bị sát hại để lấy ngà, nên số lượng đàn voi này vẫn được giữ nguyên. Hiện tại, đàn voi này chỉ còn 2 voi đực nhỏ, 2 voi mẹ, 1 voi con và 1 con chưa xác định được giới tính.

Ngoài Vườn Quốc gia Pù Mát, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có 3 đàn voi khác sinh sống. Tuy nhiên, mỗi đàn hiện chỉ còn 1 con đơn độc sau khi những con khác đã bị sát hại từ nhiều năm trước. Vì vậy mà các đàn voi này không còn khả năng phát triển.

Tại ranh giới Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, thuộc khu vực các xã Bắc Sơn, Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp) là địa bàn sinh sống của con voi cái khoảng hơn 30 tuổi. Hơn 10 năm trở lại đây, con voi này thường xuyên xung đột với người dân địa phương, làm bị thương nhiều người cũng như thiệt hại nặng về hoa màu, nhà cửa.

Trong khi đó, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cơ quan chức năng xác định có ít nhất một con voi thường xuyên hoạt động ở khu vực giáp ranh giữa huyện Quế Phong, tỉnh Thanh Hóa và nước bạn Lào. Con voi này hiện vẫn chưa xác định được giới tính. Trong khi đó, theo ông Trần Xuân Cường, tại khu vực rừng ở xã Xá Lượng (huyện Tương Dương), một con voi cái lớn vẫn thường xuyên xuống làng mạc tìm kiếm thức ăn.

 Đàn voi ở khu vực Đông Nam Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Tiến Hùng

Nghệ An được đánh giá là một trong những khu vực có sinh cảnh tốt nhất cho voi rừng sinh sống. Theo khảo sát của Vườn quốc gia Pù Mát, ở Nghệ An đã phát hiện 62 loài thức ăn của voi, trong đó có 51 loài cây rừng và 11 loài cây trồng. Nhiều khu vực rừng ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong từ lâu nay đã trở thành điểm sống lý tưởng cho đàn voi.

Hiện Nghệ An cũng là 1 trong 2 tỉnh của cả nước có số lượng voi châu Á nhiều nhất về số cá thể, số đàn, diện tích sinh cảnh. Tuy nhiên, hiện tượng khai thác tài nguyên rừng và săn bắt động vật hoang dã tại Nghệ An vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của các đàn voi, gây ra sự xung đột giữa voi và người dân địa phương. Một vấn đề rất nghiêm trọng là có một số voi đã bị bắn chết trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

(Còn nữa)