1,8 tỷ USD/năm để du học: Người Việt đang 'tị nạn' giáo dục
- 09:43 03-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bình quân, mỗi năm, người Việt tiêu tốn khoảng 1,8 tỷ USD cho con đi du học. 1,8 tỷ USD, bằng 1% GDP. Con số trên do HSBC đưa ra trong bản báo cáo "Học tập cho tương lai" (Learning for life).
Theo bản báo cáo, qua quá trình khảo sát cho thấy, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng cao về mặt giáo dục cho con cái. Hơn 50% phụ huynh cho rằng bằng tốt nghiệp đại học là chuẩn tối thiểu cần phải có để con cái họ có thể đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc đời.
Trước kia, thời chiến tranh và bao cấp, khi cái ăn cái mặc còn chưa đủ, du học với nhiều người Việt Nam khi đó là ước mơ khá xa xôi. Thành phần du học khi đó thường 2 loại: học rất giỏi và con cán bộ cách mạng, lý lịch thân nhân tốt. Hình thức du học hầu hết đều giống nhau đó là đi bằng ngân sách nhà nước.
Học xong, đa số các du học sinh sẽ về nước làm việc và coi đó là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Nhưng cũng có những người không về nước mà ở lại sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
GS.TS Vũ Minh Giang: "Giáo dục Việt Nam không thua kém gì các nước trên thế giới". |
Thời kinh tế mở cửa, đời sống khá hơn, chuyện cho con đi du học là “chuyện thường ở huyện”. Du học cũng thoáng hơn, nhiều thành phần hơn, không cứ gì phải thực sự xuất sắc. Thi rớt tốt nghiệp THPT cũng vẫn có thể “xuất ngoại”. Thi rớt đại học trong nước cũng “xuất ngoại”.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, hiện Việt Nam có hơn 100 nghìn du học sinh đang học tập ở nước ngoài, trong đó hơn 90% du học sinh là tự túc.
Nhiều phụ huynh khi được hỏi đã thẳng thắn cho rằng nên cho con cái đi du học bởi qua đó du học sinh mới có thể học tập được kiến thức, kỹ thuật, tiếp thu những tinh hoa văn minh của nhân loại.
Thực tế, nhiều người còn coi du học là “cửa sinh” khi lựa chọn con đường đi cho tương lai của con em mình trong khi cho rằng môi trường giáo dục trong nước đang “rối bời” và không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao.
Mỗi năm, khoảng 1,8 tỷ USD từ trong nước “chảy” ra nước ngoài qua hình thức du học. Nhưng để giữ chân 1,8 tỷ USD ở lại trong nước là một vấn đề không hề dễ, đòi hỏi Bộ GD&ĐT sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ và đi sâu vào thực chất hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của mình.