Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Hơn 1.600 ha lúa hè thu bạc trắng vì bệnh bạc lá

Trên nhiều cánh đồng lúa Hè thu, màu trắng bạc đã thay thế cho màu xanh vốn có của cây lúa. Bệnh bạc lá đang hoành hành gây hại nặng.

 Nhiều diện tích lúa Hè thu thời kỳ ôm đòng, trổ bạc trắng vì bệnh bạc lá. Ảnh: Phú Hương

Sau đợt mưa, giông lốc do bão số 2, gần một mẫu lúa của gia đình bà Võ Thị Quyền, xóm 3 xã Diễn Phúc, Diễn Châu đang phát triển tốt, lá tươi xanh nhanh chóng chuyển qua một bạc phếch, xác xơ vì bệnh bạc lá.

Lo lắng trước một vụ mùa thất bát, bà Quyền cho biết: “Từ khi biết làm ruộng đến giờ, tui mới thấy một năm lúa cháy trắng như vậy. Trong xóm, lúa của nhiều nhà còn không có bông. Vụ này may lắm thu được 1 tạ/sào lúa là cùng”.

 Bà Võ Thị Quyền, xóm 3 xã Diễn Phúc, Diễn Châu bên ruộng lúa bị bệnh. Ảnh: Phú Hương

Năm nay, bệnh bạc lá xuất hiện khá sớm so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Phú - trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Diễn Châu cho biết: Bệnh xuất hiện từ đầu tháng 7, khi lúa bắt đầu làm đòng.

Bà con đã phun thuốc phòng trừ, bệnh có xu hướng chững lại, thế nhưng chỉ sau đợt bão số 2 có mưa kèm theo giông lốc, bệnh đã phát sinh lây lan nhanh chóng do bộ lá lúa đã bị tổn thương, xây xát mạnh, đặc biệt trên những vùng đất nhiễm, giống nhiễm và những ruộng lúa bón phân không cân đối.

Đáng lo ngại là số diện tích được phòng trừ ít làm bệnh lây lan nhanh. Chỉ sau một tuần (từ 26/7 đến 1/8) diện tích lúa bị bệnh đã tăng gấp đôi, từ 500 ha lên đến trên 1.000 ha.

 Cán bộ BVTV huyện Diễn Châu kiểm tra tình hình bệnh bạc lá trên lúa Hè thu. Ảnh: Phú Hương

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đáng lo ngại nhất hiện nay, ngoài rầy các loại, là bệnh bạc lá. Toàn tỉnh hiện có trên 1.662 ha lúa Hè thu thời kỳ làm đòng - trổ nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn.

Dự báo thời gian tới, bệnh bạc lá sẽ tiếp tục phát sinh và có xu hướng lây lan gây hại nặng, đặc biệt sau các đợt mưa kèm theo gió lớn, trên các chân đất hẩu, lầy thụt, diện tích bón phân không cân đối (bón thừa đạm).

 Lá lúa bị gây hại mạnh do bệnh. Ảnh: Phú Hương

Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân thực hiện phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện hoặc khi phát hiện có giọt dịch vi khuẩn (vết bệnh chưa hình thành rõ) bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như: Oxolinic acid (Starner 20WP,…); Bronopol (Xantoxin 40WP, Totan 200WP,…); Bismerthiazol (Xanthomix 20WP,…); Ningnamycin (Bonny 4SL, Kozuma 5WP...); Kasugamycin (Kasumin 2SL,…); … phun theo lượng khuyến cáo và phun lại lần 2 cách 5 - 7 ngày nếu bệnh vẫn tiếp tục phát sinh, phát triển.

Tuyệt đối không bón thêm đạm, không sử dụng kích thích sinh trưởng hoặc phân bón lá trên diện tích lúa đã và đang nhiễm bệnh).